Quý vị và các bạn đang nghe điểm tin cập nhật tình hình bão lũ mới nhất tại Radio PL, Báo PLVN.
Điểm tin bão lũ 13/9 sẽ gồm những nội dung sau:
Cập nhật thiệt hại bão số 3 và mưa lũ đến 7h ngày 13/9
Tập trung kiểm soát, phòng bệnh sau lũ
TP HCM gửi 30.000 túi thuốc gia đình đến vùng bão lũ
Thưa quý vị, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Đến 7h ngày 13/9/2024, bão số 3 và mưa lũ đã làm 336 người chết, mất tích. Bên cạnh đó, có 136.705 nhà bị hư hỏng và 67.653 nhà bị ngập.
Về thiệt hại nông nghiệp, mưa lũ làm cho 202.094 ha lúa bị ngập úng, thiệt hại; trong số đó, Nam Định bị ngập úng, thiệt hại 33.268 ha, Hà Nội 27.318 ha, Hải Phòng 23.870 ha, Hải Dương 20.467 ha, Bắc Giang 18.779ha, Hà Nam 7.928 ha…
Cùng đó, mưa bão làm cho 39.298 ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại, tập trung tại Hòa Bình 6.728 ha, Hải Phòng 5.116 ha, Hải Dương 3.159 ha, Bắc Giang 1.981 ha, Phú Thọ 1.631 ha, Lạng Sơn 1.849 ha...
Ngoài ra, có 22.288 ha cây ăn quả bị hư hại, tập trung tại Bắc Giang 6.669 ha, Hà Nội 3.924 ha, Hải Dương 3.163 ha; Hưng Yên 2.953 ha, Hải Phòng 2.043 ha, Thái Bình 1.385 ha…
Về nuôi trồng thủy sản, mưa lũ đã cuốn trôi, hư hỏng 1.848 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản. Về chăn nuôi đã có 4.594 con gia súc, 1,787 triệu con gia cầm bị chết.
Dự báo trong 12-24 giờ tiếp theo, lũ trên sông Cầu, sông Thương và sông Hoàng Long tiếp tục xuống nhưng vẫn ở trên mức báo động 3; sông Lục Nam và sông Thái Bình tiếp tục xuống nhưng vẫn trên mức báo động 2; sông Hồng tại Hà Nội sẽ xuống dưới mức báo động1.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ ở cấp 3.
Trong những ngày qua do ảnh hưởng của cơn bão số 3, nhiều địa bàn của tỉnh đã bị ngập lụt cục bộ, nguy cơ ô nhiễm môi trường và bùng phát dịch bệnh. Chính vì vậy, tập trung kiểm soát bệnh tật và phòng các bệnh dịch sau lũ là việc quan trọng cần làm hiện nay.
Ngay sau khi cơn bão đi qua, Sở Y tế đã triển khai các biện phòng ngừa dịch bệnh. Ông Lý Kim Soi, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Sở đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc chủ động rà soát và đánh giá nguy cơ về dịch bệnh tại các vùng mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất; các đội cơ động chống dịch thường trực 24/24 giờ, hỗ trợ tuyến dưới trong giám sát, xử lý dịch bệnh, các bệnh truyền nhiễm. Đồng thời tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các hoạt động khám, chữa bệnh, phòng chống, ứng phó với bão lũ, dịch bệnh và công tác đảm bảo y tế trên địa bàn; chỉ đạo các cơ sở y tế chủ động rà soát, mua sắm bổ sung, dự trữ, đảm bảo có đủ thuốc thiết yếu phục vụ công tác phòng và điều trị các bệnh có thể phát sinh sau bão lũ.
Thực hiện các văn bản chỉ đạo của sở trong công tác phòng, chống dịch bệnh trong và sau mưa lũ, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã có văn bản hướng dẫn tới trung tâm y tế (TTYT) các huyện, thành phố và cập nhật liên tục trên trang fanpage của đơn vị. Trong đó, đề nghị các địa phương tổ chức giám sát, phát hiện kịp thời và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm có thể xảy ra trong và sau mưa lũ như tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nấm kẽ chân, cúm, sốt xuất huyết, nhất là cần đề phòng các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn...
Văn Lãng là địa bàn bị úng ngập nặng do bão số 3 gây ra trong những ngày vừa qua, trong đó TTYT huyện cùng nhiều nhà dân khu Bản Tích, thị trấn Na Sầm ngập trong biển nước khiến nhiều cán bộ, y, bác sĩ và bệnh nhân đang điều trị bị mắc kẹt tại đây.
Bác sĩ Đỗ An Hiển, Giám đốc TTYT huyện Văn Lãng cho biết: Để đảm bảo sức khoẻ người bệnh và khẩn trương hoạt động trở lại đón người dân đến khám, chữa bệnh, ngay sau khi nước rút, chúng tôi đã nhanh chóng tổ chức dọn dẹp, khử trùng đồ dùng và các trang thiết bị, sẵn sàng đón bệnh nhân đến khám, điều trị. Cùng với đó, tiến hành phối hợp với các địa bàn bị úng, lụt phun khử khuẩn môi trường, lọc nước để đảm bảo sinh hoạt cho người dân.
Sáng 13/9, Giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng, cho biết hội đồng chuyên môn của Sở đã họp, đưa ra danh mục các loại thuốc cần thiết giúp người dân đang bị cô lập do lũ có thể tự chăm sóc sức khỏe cho cả người lớn và trẻ em. Dự kiến, các túi thuốc đầu tiên bắt đầu chuyển đi từ ngày 14/9.
Bên cạnh băng keo cá nhân, băng gạc cá nhân, dầu gió, túi có nhiều loại thuốc để giảm đau, hạ sốt, men vi sinh, thuốc trị tiêu chảy, dung dịch bù nước và điện giải, thuốc mỡ, thuốc sát trùng da, thuốc viêm mũi dị ứng, mề đay, ngứa, nghẹt mũi, chảy nước mũi... Các túi thuốc kèm bảng hướng dẫn sử dụng chi tiết, giúp đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Các chuyên gia y tế cho biết sau lũ lụt, người dân có thể đối mặt nguy cơ dịch bệnh, đặc biệt các bệnh về da, hô hấp, mắt, tiêu hóa, chân tay miệng...
Sở phân công các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa thành phố phối hợp với bệnh viện quận huyện, sẵn sàng nguồn nhân lực chi viện chi viện cho các tỉnh phía Bắc khi nhận được đề nghị từ các tỉnh thành hoặc yêu cầu của Bộ Y tế.
Và đến đây thì thời lượng phát sóng của điểm tin sáng ngày hôm nay cũng đã kết thúc. Chúng tôi sẽ liên tục cập nhật cho quý vị những thông tin mới nhất về tình hình bão lũ trên cả nước. Quý vị hãy lưu ý những biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình.
Cảm ơn quý vị đã quan tâm lắng nghe
Xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại trong những điểm tin tiếp theo.