Quý vị và các bạn đang nghe điểm tin cập nhật tình hình bão lũ mới nhất tại Radio PL, Báo PLVN.
Điểm tin bão lũ 14/9 sẽ gồm những nội dung sau:
Trường học Hà Nội góp tiền tỷ ủng hộ người dân bị thiệt hại do bão lũ
Ngành y tế Yên Bái yêu cầu xử lý nước sạch và vệ sinh môi trường sau bão lũ
Các nước chia sẻ với Việt Nam về thiệt hại do bão lũ
Thưa quý vị, Nhiều trường học ở Hà Nội đã quyên góp, ủng hộ người dân các vùng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi lũ lụt sau bão Yagi.
Giáo viên, học sinh và phụ huynh của Trường THCS và THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) đã ủng hộ hơn 1,5 tỷ đồng hỗ trợ đồng bào miền Bắc chịu thiệt hại do mưa lũ.
Bà Văn Thùy Dương, Phó hiệu trưởng trường cho hay: “Chỉ sau ít tiếng phát động quyên góp, phụ huynh và học sinh của trường đã liên tục gửi ủng hộ qua các thầy cô chủ nhiệm. Trong đó, nhiều học sinh đã bớt tiền quà, lấy khoản mừng tuổi, tiết kiệm để ủng hộ những người dân gặp khó khăn trong cơn bão Yagi vừa qua.
Ngày 13/9, nhà trường đã chuyển số tiền ủng hộ này tới Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Thanh Trì, Hội chữ thập đỏ quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Trường cũng dừng tổ chức Tết Trung thu để dành sự quan tâm cho việc quan trọng hơn lúc này.
Trường THCS Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội) cũng quyết định dừng tổ chức chương trình Tết Trung thu cho học sinh. Thay vào đó, thầy trò cùng chung tay cho hoạt động ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi mưa lũ.
Tương tự, thay vì lễ Trung thu rộn ràng, Trường Tiểu học Lý Thái Tổ (quận Cầu Giấy, Hà Nội) sẽ tổ chức cho học sinh cùng thầy cô giáo tự tay làm đồ dùng học tập, đồ chơi Trung thu,… và dùng toàn bộ số tiền bán các sản phẩm này gửi đến hỗ trợ đồng bào các vùng bị ảnh hưởng nặng nề vì bão lũ, ước tính khoảng 400 triệu đồng.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn kêu gọi toàn ngành Giáo dục hãy chung tay, góp sức bằng vật chất, tinh thần, bằng sự hỗ trợ, động viên, kết nối để cùng chia sẻ khó khăn với đồng bào vùng bão lũ nói chung và với ngành Giáo dục các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc nói riêng. “Bất kỳ sự hỗ trợ nào, từ cuốn vở, quyển sách hay bằng tiền mặt, đồ dùng cá nhân… vào thời điểm này đều rất đáng trân trọng. Các hoạt động hỗ trợ có thể gửi về Công đoàn Giáo dục Việt Nam hoặc trực tiếp tới địa phương, trường học, gia đình các giáo viên, học sinh chịu thiệt thòi do bão lũ gây ra”, ông Sơn nói.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng đề nghị các sở GD-ĐT, các cơ sở giáo dục tuyên truyền về việc hỗ trợ, đóng góp, kể cả với học sinh. Theo Bộ trưởng, dẫu các em ủng hộ 1.000 đồng hay một chiếc bút chì cũng rất cần thiết, bởi đó là tinh thần giáo dục, tinh thần sẻ chia....
Để đảm bảo phòng chống dịch bệnh sau lũ, ngày12/9/2024, Sở Y tế Yên Bái đã có Công văn số 2158 /SYT-NVY yêu cầu các đơn vị: Bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh; Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; các bệnh viện đa khoa: Hữu nghị 103, Trường Đức; Bệnh viện chuyên khoa Mắt Hà Nội - Yên Bái; trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố đảm bảo nước sạch, vệ sinh y tế, môi trường, quản lý chất thải y an toàn thực phẩm sau bão số 3.
Công văn nhẳm thực hiện Công văn số 3292/UBND-CN ngày 10/9/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái về việc thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc khẩn trương cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm phục vụ đời sống của người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.
Theo đó, thực hiện Công văn số 493/MT-SKMT ngày 10/9/2024 của Cục Quản lý môi trường y tế về đảm bảo nước sạch, vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh sau thiên tai, bão lũ, Sở Y tế Yên Bái yêu cầu các đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao triển khai thực hiện các nội dung sau:
Đối với công tác xử lý nước sạch và vệ sinh môi trường tại cộng đồng: Kịp thời cung cấp đủ hoá chất, phương tiện, trang thiết bị để xử lý nước và vệ sinh môi trường. Đẩy mạnh phổ biến, hướng dẫn các biện pháp xử lý nước, vệ sinh môi trường cho người dân; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể hỗ trợ, hướng dẫn người dân vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, nhà cửa ngay sau khi bão lũ (nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó); xử lý các giếng khoan, giếng đào, bể nước bị ngập lụt theo hướng dẫn của Bộ Y tế; tổ chức phun hóa chất diệt côn trùng và véc tơ gây bệnh tại các khu vực có nguy cơ cao sau khi đã thực hiện vệ sinh môi trường.
Tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nước sử dụng cho mục đích sinh hoạt từ các nhà máy nước, trạm cấp nước tập trung đảm bảo nồng độ clo dư theo quy định.
Đối với công tác quản lý chất thải y tế, đảm bảo nước sạch và vệ sinh môi trường tại cơ sở y tế: Tăng cường công tác thu gom, phân loại, lưu giữ và xử lý chất thải y tế. Kiểm tra, khắc phục các khu vực lưu giữ chất thải y tế, đặc biệt là chất thải lây nhiễm để đảm bảo an toàn, phòng tránh nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Kiểm tra hệ thống thu gom và hệ thống xử lý nước thải y tế; tăng cường các biện pháp khử khuẩn để xử lý nước thải y tế đảm bảo yêu cầu trước khi xả thải ra môi trường.
Được biết, trong hôm nay, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Y tế thành phố Yên Bái tiến hành phun thanh khiết môi trường tại một số khu vực bị ngập úng do bão số 3 trên địa bàn thành phố Yên Bái nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh có thể xảy ra sau mưa lũ.
Trước những thiệt hại nghiêm trọng do bão lũ gây ra với Việt Nam, các tổ chức quốc tế và các quốc gia đã chia sẻ, hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả thiên tai.
Ngày 12/9, Hàn Quốc cam kết viện trợ nhân đạo trị giá 2 triệu USD để giúp người dân Việt Nam khôi phục các khu vực bị thiệt hại do cơn bão Yagi.
Australia đã cung cấp 3 triệu AUD cho nỗ lực cứu trợ khẩn cấp, và lô hàng cứu trợ đầu tiên đã đến Hà Nội. Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski khẳng định: "Chúng tôi ở đây để giúp Việt Nam bằng bất kỳ cách nào có thể. Chúng tôi rất vui vì đã có thể nhanh chóng huy động hỗ trợ đến những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất và hi vọng điều này sẽ giảm bớt một số áp lực trước mắt đối với các gia đình và cộng đồng. Chúng tôi biết còn một chặng đường dài phía trước và chúng tôi sát cánh cùng Việt Nam trong thời điểm khó khăn này".
Theo thông tin từ Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Việt Nam sáng 13/9, trên tinh thần đồng cảm với những gì người dân vùng núi phía Bắc Việt Nam đang trải qua, Thụy Sĩ mong muốn chung tay giúp xoa dịu nỗi đau và hỗ trợ công tác phục hồi.
Thông qua Đơn vị Cứu trợ Nhân đạo Thụy Sĩ, Chính phủ Thụy Sĩ sẽ dành 1 triệu franc Thụy Sĩ (tương đương 1,2 triệu USD) cho các công tác này, đồng thời gửi chuyên gia và nguồn lực tới tâm điểm của công tác cứu trợ.
Một đội ngũ gồm 6 chuyên gia giàu kinh nghiệm về nước và vệ sinh, nơi trú ẩn khẩn cấp và giảm thiểu rủi ro thiên tai đang được điều động sang Việt Nam để hỗ trợ cơ quan chức năng và những người bị ảnh hưởng.
Cùng với đó, Thụy Sĩ sẽ cung cấp các vật dụng thiết yếu, bao gồm 300 lều trại và hệ thống phân phối nước đủ phục vụ 10.000 người. Thụy Sĩ đang phối hợp với Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để khẩn trương gửi các vật dụng thiết yếu này đến các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất nhằm cứu trợ tức thì cho những người đang trong tình trạng khẩn cấp.
Ngày 12/9 (theo giờ địa phương), Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã ra tuyên bố về những thiệt hại do bão Yagi (bão số 3 tại Việt Nam) gây ra, trong đó gửi lời thăm hỏi chân thành nhất tới nhân dân Việt Nam đang hứng chịu hậu quả do cơn bão này, đồng thời cho biết Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) đang cung cấp viện trợ nhân đạo để hỗ trợ các nỗ lực của Việt Nam nhằm khắc phục hậu quả do bão, bao gồm viện trợ tài chính, lều bạt, nước uống và thiết bị vệ sinh, cũng như các vật dụng cần thiết khác…
Nhân dịp này, Ngoại trưởng Blinken cũng bày tỏ chia sẻ trước những thiệt hại về người và tài sản do cơn bão Yagi gây ra tại các nước khác, bao gồm Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Myanmar và Philippines, khẳng định sẵn sàng hỗ trợ những khu vực có yêu cầu.
Và đến đây thì thời lượng phát sóng của điểm tin sáng ngày hôm nay cũng đã kết thúc. Chúng tôi sẽ liên tục cập nhật cho quý vị những thông tin mới nhất về tình hình bão lũ trên cả nước. Quý vị hãy lưu ý những biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình.
Cảm ơn quý vị đã quan tâm lắng nghe
Xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại trong những điểm tin tiếp theo.