Quý vị và các bạn đang nghe điểm tin cập nhật tình hình mới nhất về cơn bão số 3 tại Radio PL, Báo PLVN.
Điểm tin bão sáng 8/9 sẽ gồm những nội dung sau:
Thống kê sơ bộ thiệt hại của các tỉnh miền Bắc sau ngày đêm bão số 3 càn quét, cơn bão sẽ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, cảnh báo mưa rất to
Khẩn trương khắc phục hậu quả, cứu người mắc kẹt, mất tích trong bão số 3
Thưa quý vị, 5 người chết, 186 người bị thương, 25 tàu bị chìm, hơn 3.279 nhà hư hỏng, 401 cột điện gãy đổ, loạt cây xanh bật gốc… là những thiệt hại sơ bộ được thống kê, sau hơn một ngày bão số 3 hoành hành.
Những con số này được báo cáo trong Hội nghị đánh giá công tác chỉ đạo ứng phó, tình hình thiệt hại và triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả cơn bão số 3 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, sáng 8/9.
Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới 26 địa phương từ Thanh Hóa trở ra phía bắc.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, bão số 3 đã hoành hành trên đất liền hơn một ngày, gây hậu quả nghiêm trọng. Hoàn lưu bão sẽ tiếp tục gây mưa lũ, nhất là các tỉnh miền núi phía bắc.
Thủ tướng yêu cầu rà soát ngay, hỗ trợ cho các địa phương bị thiệt hại, các gia đình có người thiệt mạng.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bão số 3 (bão Yagi) là cơn bão rất đặc biệt, hình thành phía đông của Philippines nhưng mạnh lên thành siêu bão trên Biển Đông và là cơn bão mạnh nhất trên Biển Đông trong vòng 30 năm qua.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 16, giật trên cấp 17; khi đổ bộ vào đất liền Quảng Ninh - Hải Phòng sức gió mạnh nhất cấp 13-14, giật cấp 16-17.
Bão số 3 và hoàn lưu sau bão có phạm vi ảnh hưởng rộng khắp khu vực Bắc Bộ đến Thanh Hóa (26 tỉnh, thành phố); bão gây mưa lớn cho khu vực Bắc Bộ, nhất là khu vực miền núi phía bắc đã bị tổn thất rất nặng nề do các đợt mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất dồn dập trong tháng 7, tháng 8.
Về thiệt hại do bão, trời tối, sóng to, gió lớn và mất điện, mất liên lạc nên các địa phương chưa thống kê chính xác, song theo thống kê sơ bộ đến 7h ngày 8/9, bão số 3 làm 5 người chết (Quảng Ninh 3, Hải Phòng 1, Hải Dương 1); 186 người bị thương (Quảng Ninh 157, Hải Phòng 13, Hải Dương 5, Hà Nội 10); 25 tàu xi măng và gỗ loại nhỏ bị chìm tại nơi neo đậu ở Quảng Ninh.
Các tỉnh, thành: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội bị mất điện, mất liên lạc trên diện rộng,
Do thời gian lưu bão dài và duy trì cường độ gió bão, gió giật rất mạnh, đã làm 3.279 nhà ở bị hư hỏng; 401 cột điện bị gãy đổ; nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng; rất nhiều biển hiệu quảng cáo, cột viễn thông bị gãy đổ; cây xanh đô thị bị bật gốc, gãy đổ.
Về nông nghiệp, 121.500ha lúa, hoa màu bị ngập, hư hại; 5.027ha cây ăn quả bị hư hại; trên 1.000 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi (chủ yếu ở Quảng Ninh).
Đặc biệt, vào khoảng 0h5 ngày 8/9, tại Xóm Chầm (xã Tân Minh, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) đã xảy ra vụ sạt lở đất vào một hộ gia đình làm 4 người chết, 1 bị thương.
Còn thưa quý vị, Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, đêm 7-9, sau khi đi sâu vào đất liền khu vực đồng bằng Bắc Bộ, bão số 3 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Lúc 1 giờ ngày 8-9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đớiở vào khoảng 21 độ Vĩ Bắc; 105,2 độ Kinh Đông, trên đất liền khu vực Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (39-61 km/giờ), giật cấp 9, di chuyển theo hướng Tây, tốc độ 10-15 km/giờ.
Đến 1 giờ ngày 9-9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 22,1 độ Vĩ Bắc; 101,8 độ Kinh Đông, trên đất liền khu vực Thượng Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh dưới cấp 6, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15 km giờ và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Khu vực chịu ảnh hưởng là khu vực phía Tây vịnh Bắc Bộ, khu vực Bắc Bộ, độ rủi ro cấp 3.
Trên biển, vùng biển vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; biển động mạnh.
Trên đất liền, khu vực sâu trong đất liền Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Khu vực vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) sóng cao 2-3 m. Từ chiều 8-9 sóng giảm dần.
Phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa, từ sáng sớm 8-9 có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 70-150 mm, cục bộ có nơi trên 300 mm. Chiều và đêm 8-9 có mưa vừa, cục bộ có nơi mưa to và dông với lượng mưa phổ biến 20-50 mm, cục bộ có nơi trên 100 mm; riêng khu vực vùng núi có mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 60-120 mm, cục bộ có nơi trên 250 mm.
Phía Tây Bắc Bộ từ sáng sớm 8 đến sáng 9-9, có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-200 mm, cục bộ có nơi trên 400 mm. Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.
Thời tiết các khu vực ngày và đêm 8-9, phía Tây Bắc Bộ nhiều mây, có mưa to đến rất to; gió nhẹ. Nhiệt độ thấp nhất 21-24 độ C, có nơi dưới 21 độ C. Nhiệt độ cao nhất 24-27 độ C, có nơi trên 27 độ C.
Phía Đông Bắc Bộ nhiều mây, có mưa, mưa vừa và dông, cục bộ có nơi mưa to; riêng khu vực vùng núi có mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông. Gió Đông đến Đông Nam cấp 3; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 24-27 độ C. Nhiệt độ cao nhất 27-30 độ C.
Thủ đô Hà Nội nhiều mây, có mưa, mưa vừa và dông. Gió Đông đến Đông Nam cấp 2-3; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 24-26 độ C. Nhiệt độ cao nhất 27-29 độ C.
Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế có mây, ngày nắng, phía Nam có nơi nắng nóng; chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi. Gió Tây Nam cấp 2-3; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 25-28 độ C. Nhiệt độ cao nhất 32-35 độ C.
Các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Bình Thuận có mây, ngày nắng, phía Bắc có nắng nóng; chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi. Gió Tây Nam cấp 2-3; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 27-30 độ C. Nhiệt độ cao nhất 33-36 độ C, có nơi trên 36 độ C.
Khu vực Tây Nguyên có mây, có mưa rào và dông vài nơi; riêng chiều và tối có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to. Gió Tây Nam cấp 2-3; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 21-24 độ C. Nhiệt độ cao nhất 27-30 độ C.
Khu vực Nam Bộ có mây, có mưa rào và dông vài nơi; riêng chiều và tối có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to. Gió Tây Nam cấp 2-3; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 24-27 độ C. Nhiệt độ cao nhất 31-34 độ C.
Vâng thưa quý vị, Cơn bão Yagi đi qua, để lại những tàn phá nặng nề trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, lực lượng chức năng đã làm việc không ngừng nghỉ để khắc phục hậu quả và khôi phục cuộc sống cho người dân.
Ngay trong đêm 7/9, các lực lượng chức năng như công an, quân đội, và đội cứu hộ đã nhanh chóng được huy động để xử lý cây đổ, dọn dẹp đường phố, khôi phục lại giao thông và đảm bảo an toàn cho người dân. Tuy nhiên, khối lượng công việc rất lớn vì cây đổ hàng loạt ảnh hưởng đến giao thông. Các lực lượng đã làm việc không ngừng nghỉ trong suốt đêm qua để cắt tỉa cây đổ, giải phóng đường sá, đồng thời cảnh báo người dân hạn chế ra ngoài trừ khi cần thiết. Đại diện Ban chỉ huy Quân sự quận Đống Đa cho biết, lực lượng sẽ phải "trắng đêm" để xử lý các cây bị gãy đổ, bật gốc. Các công ty cây xanh, điện lực và vệ sinh môi trường cũng đã được huy động tối đa nhân lực và thiết bị để nhanh chóng khắc phục tình hình, đảm bảo cuộc sống người dân sớm trở lại bình thường. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và lực lượng chức năng tại các quận huyện trên địa bàn Thủ đô cũng phối hợp các đơn vị liên quan tiến hành dọn dẹp hiện trường, khắc phục hậu quả để đảm bảo người dân có thể trở lại cuộc sống bình thường trong thời gian sớm nhất.
Còn tại Quảng Ninh - vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (118-149km/h), giật cấp 16, đã gây nhiều thiệt hại cho các địa phương trên địa bàn tỉnh. Hôm nay 8/9, các lực lượng, đơn vị, địa phương đã tích cực, khẩn trương triển khai công tác khắc phục hậu quả do bão gây ra.
Sau khi triển khai công tác tìm kiếm trên biển đối với những người mất tích, đến 8h50’, các lực lượng của huyện Vân Đồn đã tìm kiếm được 6 người mất tích. Những người này là công nhân trông coi các bè nuôi trồng thuỷ sản, trong đó có 3 người thuộc hộ gia đình anh Long Văn Quảng. Hiện sức khoẻ của những người này đều ổn định.
Cũng trong sáng nay, huyện Vân Đồn đã thành lập nhiều tổ công tác, chia thành nhiều mũi trực tiếp xuống các địa bàn, khu vực nuôi trồng thuỷ sản trên biển để nắm tình hình, kiểm tra, khắc phục hậu quả do bão số 3. Hiện tại trên địa bàn huyện Vân Đồn có mưa nhỏ, mưa vừa, gió nhẹ. Công tác khắc phục hậu quả đang được các cấp, ngành triển khai thực hiện tích cực, quyết liệt. Tuy nhiên trên biển, sóng và gió to khiến cho công tác kiểm tra, rà soát gặp khó khăn.
Tại Thái Bình, sau khi cơn bão đi qua, địa phương đã huy động hàng nghìn người tập trung khắc phục, dọn dẹp cây đổ, bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến đường chính.
Tập trung khắc phục hậu quả do cơn bão gây ra, đặc biệt với sản xuất nông nghiệp, từ 2 giờ ngày 8/9 công tác vận hành trạm bơm trên địa bàn đã được khẩn trương thực hiện. Tỉnh huy động tối đa phương tiện, lực lượng khơi thông dòng chảy nhằm tiêu nước, sử dụng bơm cưỡng bức kết hợp tháo nước nhanh để cứu cây trồng bị ngập úng; ưu tiên bơm tiêu nhanh cho các diện tích bị ngập úng nặng, khó tiêu thoát nước.
Mọi công tác khắc phục hậu quả của cơn bão đang được các cấp, ngành, đơn vị, địa phương và người dân khẩn trương thực hiện, sớm đưa mọi hoạt động sản xuất, sinh hoạt trở lại bình thường với tinh thần làm ngày, làm đêm song vẫn phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các lực lượng, người dân tham gia công tác khắc phục hậu quả của bão.
Và đến đây thì thời lượng phát sóng của điểm tin sáng ngày hôm nay cũng đã kết thúc. Chúng tôi sẽ liên tục cập nhật cho quý vị những thông tin mới nhất về cơn bão số 3. Quý vị hãy lưu ý những biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình.
Cảm ơn quý vị đã quan tâm lắng nghe
Xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại trong những điểm tin tiếp theo.