Điểm tin Pháp luật 25/09: Triệt phá đường dây ma túy xuyên quốc gia từ Campuchia về TP Hồ Chí Minh

(PLVN) - Tai nạn xe khách nghiêm trọng làm 1 người chết, 11 người bị thương; Phát hiện, tiêu hủy gần 8 tạ lợn chết và lợn mắc bệnh;...và một số thông tin khác.
Triệt phá đường dây ma túy xuyên quốc gia từ Campuchia về TP Hồ Chí Minh

ĐIỂM TIN PHÁP LUẬT 25/9

Quý vị và các bạn đang nghe Điểm tin Pháp Luật ngày 25/9 tại BPLVN. Điểm tin ngày hôm nay sẽ có những nội dung đáng chú ý sau:

  1. Triệt phá đường dây ma túy xuyên quốc gia từ Campuchia về TP Hồ Chí Minh

  2. Tai nạn xe khách nghiêm trọng làm 1 người chết, 11 người bị thương

  3. Phát hiện, tiêu hủy gần 8 tạ lợn chết và lợn mắc bệnh

  4. Lâm Đồng: Tăng cường xử lý xe khách trá hình

Ngày 24/9, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết vừa triệt phá đường dây ma túy xuyên quốc gia từ Campuchia về Thành phố Hồ Chí Minh, thu giữ khoảng 17 kg ma túy các loại.

Cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án, lệnh bắt tạm giam Nguyễn Bé Vi - tự DJ Bé Vi (sinh năm 1996, ngụ Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh), Châu Mỹ Như (sinh năm 1996, ngụ quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh) và 17 bị can khác về hành vi “Mua bán và tàng trữ trái phép chất ma túy”. Cơ quan điều tra còn ra quyết định truy nã đặc biệt toàn quốc Lâm Thành Trung (sinh năm 2001, ngụ Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh), tự Trung "ngọng" (là đối tượng cầm đầu đường dây ma túy, có hành tung bí ẩn, ít lộ diện, điều hành từ xa), đồng thời kêu gọi đối tượng Trung ra đầu thú để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

Các quyết định và lệnh trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn.

Quá trình điều tra cho thấy, Vi là người tình của Trung và cũng là trợ thủ đắc lực trong việc điều hành đường dây ma túy. Trung sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để đối phó với cơ quan chức năng, ít khi xuất hiện và điều hành đường dây ma túy từ xa, tập trung chủ yếu tại các quận 4, 8, Bình Tân, Tân Phú…

Cơ quan điều tra cũng xác định, Trung lấy ma túy từ Campuchia mang về Thành phố Hồ Chí Minh và phân phối cho các đại lý cấp dưới gồm: Châu Mỹ Như, Phan Minh Trung (sinh năm 1993, ngụ ở huyện Bình Chánh), Phan Minh Hiếu (sinh năm 2000, ngụ Quận 8, em ruột của Trung); Nguyễn Lưu Đức Hòa (sinh năm 1998) và Mai Lê Chí Hiếu (sinh năm 1995), cùng ngụ ở Quận 8, với số lượng từ vài kg đến hàng chục kg.

Từ đây, các đại lý cấp dưới lôi kéo, dụ dỗ người lao động nghèo, người bán nước ở lề đường, xe ôm… để đi giao ma túy cho các "chân rết" khác, hoặc các con nghiện để kiếm lời.

Tại cơ quan điều tra, các đối tượng đều khai nhận hành vi phạm tội và xác định Như là đại lý lớn của Lâm Thành Trung, thường lấy ma túy số lượng lớn từ vài kg tới hàng chục kg. Củng cố tài liệu chứng cứ, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an xác định toàn bộ số ma túy thu giữ trong đường dây đều do Lâm Thành Trung phân phối.

Rạng sáng 24/9, trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết (Bình Thuận) xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng giữa xe khách Thuận Thảo và một xe container làm 1 người chết, 11 người bị thương.

Theo thông tin ban đầu, vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra vào khoảng 1 giờ ngày 24/9 tại Km227+800, trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, đoạn qua địa bàn xã Hàm Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

Vào thời điểm trên, xe khách Thuận Thảo biển kiểm soát 78B-003.70 chạy trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết theo hướng từ Bắc vào Nam, khi đi đến lý trình trên đã tông vào đuôi xe container 15C-147.64.

Vụ tai nạn khiến tài xế xe khách Thuận Thảo là Ngô Tấn Danh (sinh ngày 5/1/1976, ngụ tỉnh Phú Yên) tử vong tại bệnh viện, 11 hành khách bị thương. Hai xe bị hư hỏng nặng.

Nguyên nhân vụ tai nạn đang được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ.Vào khoảng 12 giờ 40 phút ngày 23/9, tại Quốc lộ 3, đoạn qua xóm 7, xã Sơn Cẩm (thành phố Thái Nguyên), Đoàn kiểm tra liên ngành cơ động của tỉnh Thái Nguyên phát hiện xe ô tô biển kiểm soát 29C - 171.96 do D.V.S (trú tại huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) điều khiển đi theo hướng từ huyện Phú Lương về thành phố Thái Nguyên đang vận chuyển 14 con lợn chết, bốc mùi hôi thối và 12 con lợn có biểu hiện lờ đờ, khó thở, vận động khó khăn, nghi mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Tổng trọng lượng số lợn trên khoảng 8 tạ.

Theo khai báo của lái xe, số lợn trên được mua của các thương lái không rõ địa chỉ tại huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên với mục đích vận chuyển đến huyện Phú Bình để tiêu thụ kiếm lợi nhuận.

Tại thời điểm kiểm tra, chủ xe không xuất trình được giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, quá trình vận chuyển không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm. Hành vi này vi phạm quy định tại khoản 5 Điều 20 Nghị định 90/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y (được sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 04/NĐ-CP và Nghị định số 07/NĐ-CP của Chính phủ).

Với những vi phạm trên, Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản làm việc và biên bản vi phạm hành chính lĩnh vực thú y. Lực lượng thú y cũng đã lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm theo đúng quy định. Chủ xe đã thừa nhận hành vi vi phạm của mình và tự nguyện tiêu hủy toàn bộ số lợn trên.

Trước sự giám sát của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, toàn bộ số lợn trên đã được tiêu hủy và phun thuốc khử trùng tiêu độc theo đúng quy định của pháp luật. Vụ việc tiếp tục được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ.

Ngày 24/9, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lâm Đồng cho biết đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng “xe dù, bến cóc” và “xe khách trá hình” trên địa bàn.

Cụ thể, đợt kiểm tra sẽ kéo dài từ ngày 23/9 đến ngày 20/12/2024, tập trung kiểm tra, xử lý “xe dù, bến cóc”, “xe trá hình tuyến cố định” (xe hợp đồng hoạt động như xe tuyến cố định), “xe ghép, xe tiện chuyến”. Tổ công tác liên ngành sẽ tổ chức các đợt tuần tra, xử lý vi phạm một cách thường xuyên, liên tục; luôn thay đổi địa bàn và thời gian tuần tra, kiểm tra trong ngày. Đồng thời tăng cường áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm; đặc biệt là đối với "xe dù, bến cóc", xe trá hình tuyến cố định, xe ghép, xe tiện chuyến…

Trong quá trình triển khai, lực lượng chức năng sẽ tập trung kiểm tra, xử lý đối với các hành vi vi phạm như xe chạy không đúng hành trình, lịch trình vận tải, không có xác nhận của hai đầu bến xe; các trường hợp dừng, đỗ, đón, trả khách trái quy định; xe, đơn vị vận chuyển khách theo hợp đồng mà không có (hoặc có nhưng không đúng quy định) hợp đồng vận chuyển; xe không gắn thiết bị giám sát hành trình của xe hoặc có gắn thiết bị nhưng thiết bị không hoạt động...

Các tổ công tác cũng kiểm tra tại các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh vận tải khách nhằm phát hiện và xử lý các trường hợp thành lập điểm giao dịch đón, trả khách tại nhà, đón, trả khách tại các văn phòng đại diện trái phép, gây mất trật tự an toàn giao thông.

Theo Phòng Quản lý phương tiện vận tải và người lái (Sở Giao thông Vận tải Lâm Đồng), trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 100 hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa; trong đó có gần 250 xe chạy tuyến cố định đi hầu khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Ghi nhận trên địa bàn thành phố Đà Lạt hiện vẫn còn nhiều điểm đón, trả khách bên ngoài bến xe liên tỉnh, gây mất an ninh trật tự và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Đọc thêm