Điểm tin sáng 02/01: Chính phủ chốt phương án tăng học phí đại học

(PLVN) - Người dân ùn ùn trở lại Hà Nội, TP HCM ngày đầu năm;  Không khí lạnh tăng cường, mưa, miền Bắc có nơi 8 độ C; ... và một số thông tin khác.
Chính phủ "chốt" tăng học phí đại học.

Chính phủ chốt phương án tăng học phí đại học

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 97 về cơ chế thu, quản lý học phí các cơ sở giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí hỗ trợ chi phí học tập.

Theo đó, ở bậc đại học, Chính phủ quy định trần học phí với các trường công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên năm học tới là 1,2 - 2,45 triệu đồng/tháng, tùy khối ngành. Mức thu hiện nay được giữ vững từ năm 2021 - 2022 do ảnh hưởng dịch COVID-19 - là 980.000 đến 1,43 triệu đồng/tháng/sinh viên.

Mức học phí với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đảm bảo chi thường xuyên áp dụng mức trần từ 1,2 đến 2,18 triệu đồng/tháng/sinh viên.

Còn với những trường đại học đã tự chủ (tự chi lương, phụ cấp, sửa chữa cơ sở vật chất...), tùy mức độ được thu tối đa bằng khoảng 2,5 lần mức trên, tức 2,4-5,5 triệu đồng/tháng. Với chương trình đào tạo đạt kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc theo tiêu chuẩn nước ngoài, các đại học được tự xác định học phí nhưng phải công khai.

Ở bậc phổ thông, Chính phủ quy định học phí năm học 2023 - 2024 giữ ổn định, bằng mức thu học phí của năm học 2021 - 2022 theo quy định của Hội đồng nhân dân các tỉnh. Mức trần học phí với các trường công lập năm học 2023-2024 dao động từ 30.000-650.000 đồng tùy cấp học và khu vực.

Nghị định cũng nêu rõ với những nơi đã tăng học phí so với năm học 2021 - 2022 thì ngân sách địa phương đảm bảo phần chênh lệch tăng thêm. Mức hỗ trợ cho từng cơ sở giáo dục do địa phương xem xét quyết định.

Trường hợp ngân sách địa phương không đảm bảo phần chênh lệch tăng thêm so với mức thu học phí năm học 2021 - 2022 thì phải thực hiện điều chỉnh theo quy định của Nghị định này.

Riêng với các trường tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, mức thu học phí được tính trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí, trình UBND để đề nghị Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét phê duyệt.

Nghị định 97 sửa đổi bổ sung những quy định của Nghị định 81 về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân do Chính phủ ban hành và có hiệu lực từ năm 2021. Tuy nhiên từ đầu năm 2020, dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề nên Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 165 và học phí giữ ổn định so với năm 2021 - 2022. Mức học phí đại học đã không tăng trong 3 năm qua.

Trước đó, tại tờ trình dự thảo Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất điều chỉnh lộ trình học phí lùi 1 năm so với lộ trình học phí tại Nghị định 81.

Người dân ùn ùn trở lại Hà Nội, TP HCM ngày đầu năm

Hàng chục nghìn người, phương tiện đổ về Hà Nội, TP HCM trong ngày cuối kỳ nghỉ Tết Dương lịch khiến các cửa ngõ ùn ứ, chiều 1/1.

Lúc 15h30, hàng nghìn người, phương tiện đổ về TP Hà Nội sau kỳ nghỉ Tết Dương lịch kéo dài 3 ngày. Tại đầu cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, cửa ngõ phía nam thành phố, dòng xe nối dài 3 km vào nội đô.

Làn xe dẫn vào nội đô trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ chật kín phương tiện, đối lập với cảnh vắng vẻ ở làn đi ngoại thành.

Xe đông nghịt ở đường trên cao và phía dưới đoạn từ ngã tư Pháp Vân tới bến xe Nước Ngầm, các phương tiện phải di chuyển chậm.

Tại ngã tư bến xe Nước Ngầm - đường Kim Đồng, nhiều người dân đi xe máy, lỉnh kỉnh chở đồ đạc lên thành phố. Kỳ nghỉ năm nay tương đối dài nên nhiều gia đình đã quyết định về quê hoặc đi du lịch

Từ đầu giờ chiều, tại cầu Rạch Miễu xe máy từ các tỉnh miền Tây đổ về TP HCM bắt đầu đông. CSGT hai tỉnh đã phân luồng ưu tiên hướng từ Bến Tre đi Tiền Giang tổng cộng 4 lần. Đến 17h30, phương tiện thông thoáng trở lại. Theo dự báo, trong tối nay sẽ có một lượng phương tiện lớn của người dân đổ về thành phố sau đợt nghỉ Tết Dương lịch, CSGT hai tỉnh tiếp tục túc trực phối hợp phân luồng hạn chế kẹt xe.

Tại TP HCM, từ 15h, người dân từ các tỉnh miền Tây đổ về thành phố qua quốc lộ 1, đoạn thuộc thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, ngày một nhiều. Lượng xe đông đúc khiến nhiều đoạn trên quốc lộ 1 ùn tắc khoảng 2 km.

Để giảm ùn ứ, nhiều CSGT đã chia nhiều tốp nhỏ đứng dọc tuyến quốc lộ để phân luồng. Tại một số giao lộ, cảnh sát đứng ở chốt điều khiển đèn tín hiệu tăng thời gian để dòng xe hướng từ miền Tây về TP HCM thuận lợi di chuyển.

Không khí lạnh tăng cường, mưa, miền Bắc có nơi 8 độ C

Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng và trung du Bắc Bộ dự báo, đêm nay (1-1) và sáng mai, Hà Nội không mưa, sương mù nhẹ rải rác; thời tiết rét, nhiệt độ thấp nhất khu vực phía Bắc và phía Tây thành phố 18-20 độ C, trung tâm và phía Nam 19-21 độ C. Trưa và chiều mai (2-1), thành phố Hà Nội giảm mây và nắng, nhiệt độ tăng, mức cao nhất 26-28 độ C.

Khoảng gần sáng 3-1, bộ phận không khí lạnh ở phía Bắc sẽ tràn tới, gây mưa, mưa nhỏ, gió chuyển hướng Đông Bắc mạnh cấp 2-3. Trong đợt rét này, nhiệt độ thấp nhất tại thành phố Hà Nội phổ biến 16-18 độ C; các huyện: Sóc Sơn, Mê Linh, Đông Anh, Ba Vì và thị xã Sơn Tây 15-17 độ C.

Các nơi còn lại của miền Bắc và Bắc miền Trung, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự báo, nhiệt độ thấp nhất phổ biến 15-18 độ C, riêng vùng núi miền Bắc 12-14 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 8 độ C. Từ ngày 3 đến 4-1, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định mưa rào và dông, có nơi kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Khởi công cao tốc từ Lạng Sơn đến Cao Bằng

Sáng 1/1, UBND tỉnh Cao Bằng tổ chức khởi công xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) dài 93 km, vận tốc thiết kế 80 km/h.

Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh có điểm đầu tại nút giao cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn; điểm cuối tại nút giao quốc lộ 3 xã Chí Thảo, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng. Giai đoạn một, tuyến đường có vận tốc 80 km/h, hai làn xe, nền đường 17 m đối với đoạn thông thường và 13,5 m với đoạn địa hình phức tạp.

Tổng mức đầu tư giai đoạn một hơn 14.330 tỷ đồng, thực hiện 36 tháng. Đây là dự án PPP đầu tiên được áp dụng cơ chế đặc thủ với tỷ lệ vốn ngân sách nhà nước trên 50% tổng mức đầu tư do địa hình vùng núi, lưu lượng phương tiện thấp. Vốn ngân sách tham gia dự kiến 9.800 tỷ đồng, chiếm 68% tổng mức đầu tư, vốn nhà đầu tư huy động hơn 4.450 tỷ đồng (chiếm 31%).

Tại lễ khởi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết nút thắt lớn nhất của Cao Bằng là giao thông vì hiện chỉ có đường bộ. Nếu không tháo gỡ hạ tầng, tỉnh rất khó phát triển. "Tôi từng 3-4 lần đến Cao Bằng, rất trăn trở với con đường để kết nối kinh tế các tỉnh, để đời sống người dân Lạng Sơn, Cao Bằng thay đổi, đền đáp sự hy sinh của bà con ở chiến khu xưa", ông nói.

Thủ tướng đề nghị nhà đầu tư xây dựng trung tâm để đào tạo nguồn nhân lực cho các tỉnh vùng đông bắc, tiếp tục tinh thần "vượt nắng thắng mưa", "ba ca bốn kíp", "chỉ bàn tiến, không bàn lùi", đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng, an toàn, không vượt tổng mức đầu tư. "Đây là chiến dịch Đông Khê năm 2024 và sẽ chiến thắng vào năm 2026", Thủ tướng nói.

Đến nay cả nước đã hoàn thành 1.900 km cao tốc, đang xây dựng 1.700 km. Đến năm 2025, dự kiến cả nước có 3.000 km cao tốc và đến 2030 có 5.000 km.

Đọc thêm