1. Xử lý nghiêm hành vi săn bắt, buôn bán động vật hoang dã dịp Tết Nguyên đán
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có công văn gửi các bộ, ngành và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố về việc đẩy mạnh thực thi pháp luật, tuyên truyền, phổ biến công tác bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ các loài hoang dã; xử lý nghiêm các hành vi săn bắt, buôn bán động vật hoang dã trái phép, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
Theo đề nghị trên của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại, bảo vệ các loài hoang dã nguy cấp, quý, hiếm; bảo tồn chim hoang dã, di cư tại Việt Nam.
Cùng với đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng kêu gọi cán bộ, công chức, người lao động và người dân không tham gia săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo động vật hoang dã, chim di cư trái pháp luật; không nuôi, trồng, mua bán, phóng sinh các loài ngoại lai xâm hại; không mua các cá thể chim để phóng sinh vì đây là hành vi tiếp tay cho các hoạt động săn, bẫy chim hoang dã.
Để đảm bảo công tác thực thi, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các bộ, ngành liên quan và các địa phương chỉ đạo cơ quan thực thi pháp luật (bao gồm kiểm lâm, kiểm ngư, quản lý thị trường, hải quan, biên phòng, cảnh sát biển, công an) tăng cường công tác phối hợp liên ngành.
2. Kiến nghị cho bến xe được thí điểm đầu tư khai thác dịch vụ xe trung chuyển
Công ty Cổ phần Bến xe Hà Nội vừa có kiến nghị thí điểm xe khách dưới 10 chỗ hoạt động tuyến cố định, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đã đầu tư phương tiện xe limousine được vào bến xe hoạt động theo đúng quy định.
sau gần 2 năm hoạt động bình thường trở lại sau dịch Covid - 19, sản lượng lượt xe tại các bến xe của Hà Nội mới chỉ đạt mức 70%, lượt khách chỉ đạt 60% so với thời điểm trước dịch. Nhiều doanh nghiệp, nhà xe đã phải giảm quy mô, tạm ngừng hoạt động, thậm chí phá sản.
Nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút khách vào bến, đẩy lùi hoạt động xe dù, bến cóc, xe hợp đồng trá hình, Công ty Cổ phần Bến xe Hà Nội kiến nghị thành phố xem xét quy hoạch ổn định vị trí của các bến xe để các đơn vị tập trung đầu tư cho việc phát triển bền vững, lâu dài theo hướng bến xe khách chất lượng cao; xem xét điều chỉnh quyết định nhằm tạo động lực phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ cho các bến xe, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của hành khách.
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội xem xét, tham mưu cho Ủy ban Nhân dân thành phố, Bộ Giao thông Vận tải thí điểm cho xe khách dưới 10 chỗ hoạt động tuyến cố định, tạo điều kiện thuận lợi các doanh nghiệp đã đầu tư phương tiện xe limousine được vào bến hoạt động theo đúng quy định; xem xét tạo điều kiện về cơ chế pháp lý để cho phép bến xe được thí điểm đầu tư khai thác dịch vụ xe trung chuyển.
Công ty này cũng đề nghị Sở Giao thông Vận tải xem xét thành lập bộ phận chuyên trách, tập trung kiểm tra xử lý đối với xe khách, xe hợp đồng, nhằm từng bước đưa hoạt động vận tải khách liên tỉnh trên địa bàn thành phố vào nền nếp, quy củ; kiên quyết thu hồi những nốt giờ không hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có nhu cầu vào bến khai thác./
3. Nhiều dấu tích quan trọng thời Mạc và Lê Trung Hưng phát lộ
Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh phối hợp Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) khai quật di tích chùa Hàm Long trên địa bàn phường Đại Yên, thành phố Hạ Long phát hiện nhiều dấu tích quan trọng.
Các đơn vị trên báo cáo sơ bộ kết quả khai quật di tích chùa Hàm Long. Trên diện tích khai quật 100m2, nhiều dấu tích quan trọng đã phát lộ như, dấu tích nền kiến trúc gồm bó nền, nền, vật liệu gia cố nền và các chân tảng sơ bộ xác định sự tồn tại 3 kiến trúc của hai giai đoạn khác nhau được xây dựng dưới thời Mạc và Lê Trung Hưng. Bậc lên xuống xây dựng cuối thời Mạc và được tận dụng lại dưới thời Lê Trung Hưng. Bậc lên xuống với thành bậc bằng đá, được xếp bằng các tảng đá lớn và hai thành bậc bằng đá xanh đã bị vỡ.
Dấu tích bờ kè đá, bờ kè hiện còn dài khoảng 31m, chiều cao từ 1-2,5m, được kè bằng đá với mỗi viên đá có kích thước mỗi chiều từ 15 - 30 cm; xung quanh di tích, đặc biệt là bờ kè đá phát hiện một số gạch, ngói thời Trần.
Kết quả khai quật cho thấy, đây là di tích Phật giáo quan trọng và tồn tại trong khoảng thời gian dài, cơ sở xác định tính chất, niên đại của di tích, cung cấp luận cứ khoa học cho việc đề xuất bảo tồn, phát huy giá trị di tích, đề xuất lập hồ sơ đề nghị xếp hạng, quy hoạch khoanh vùng bảo vệ di tích.
Theo nội dung trong các thác bản văn bia được Viện Viễn Đông Bác Cổ của Pháp thực hiện năm 1935, chùa có tên là Sùng Đức, tên khác Lân Động, được xây dựng ở núi Hàm Long. Chùa có từ thời Trần, sau đó đổ nát và được xây dựng mới dưới thời Mạc, thời Lê Trung Hưng.
4. Mạo danh cán bộ Sở Thông tin và Truyền thông thông báo thu hồi số thuê bao
Gần đây, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Bình nhận được thông tin về việc có người mạo danh cán bộ của Sở dùng số thuê bao điện thoại di động thông dụng (10 số) gọi điện thông báo việc thu hồi số thuê bao điện thoại di động của người dùng do không đủ điều kiện về đăng ký thông tin thuê bao, sau đó dẫn dắt, hướng dẫn người dùng thực hiện việc nộp tiền để không bị thu hồi số thuê bao điện thoại.
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Bình Vũ Xuân Thành khẳng định đây là hành vi lừa đảo. Cán bộ của Sở không gọi điện thông báo việc thu hồi số thuê bao điện thoại di động của người dùng.
Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Bình khuyến nghị khi nhận được cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dân bình tĩnh, phản ánh tới đầu số Tổng đài 156 hoặc 5656 bằng cách gửi tin nhắn hoặc gọi điện tới đầu số tổng đài 156 hoặc 5656.
Cụ thể, cách 1, người dân gửi tin nhắn (miễn phí) theo cú pháp: LD (số điện thoại lừa đảo) (nội dung phản ảnh) gửi 156 (hoặc 5656). Cách 2, người dân gọi tới đầu số 156 (miễn phí) để cung cấp thông tin theo hướng dẫn của điện thoại viên.
Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Bình đã đề nghị các cơ quan, đơn vị tuyên truyền đến các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên, hội viên trong cơ quan, đơn vị; Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố, Ủy ban Nhân dân các xã, phường, thị trấn trên địa bàn chỉ đạo tuyên truyền trên hệ thống thông tin cơ sở để người dân biết và phòng tránh./.