Điểm tựa để F0 vượt qua dịch bệnh

(PLVN) - Với những ca F0 tại nhà, tinh thần lạc quan của bản thân, sự chăm sóc của người thân…chính là “liều thuốc” hiệu quả giúp họ vượt qua bệnh tật.
Giao thuốc cho bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà.

Cách ly ngay tại nhà mình

TP Hồ Chí Minh những ngày vừa qua, nhiều người bệnh COVID-19 không triệu chứng (hoặc triệu chứng nhẹ), dưới 50 tuổi và không có bệnh nền… đã được điều trị, chăm sóc tại nhà. Được sự chăm sóc chu đáo từ người thân, những ca bệnh này ít bị trở nặng và được hồi phục nhanh chóng.

Tuần trước, chị Lê Thị Phụng (ngụ Bình Thạnh) cảm thấy rát cổ, sổ mũi nên đặt bộ test về thử thì thấy hiện lên 2 vạch (dương tính SARS-CoV-2). Gọi điện đến nhân viên y tế, chị được tư vấn nên điều trị tại nhà vì triệu chứng còn nhẹ. Hai vợ chồng chị quyết định biến phòng ngủ của hai vợ chồng thành “khu cách ly”. Từ ngày đó, chị “cố thủ” trong phòng. Chồng chị phải “lánh nạn” sang phòng khác và lo chuyện bếp núc

Hằng ngày, chồng chị nấu cho cả nhà, làm việc online, tranh thủ dọn dẹp, rồi trò chuyện an ủi vợ…

Hay như trường hợp gia đình chị Lê Nguyệt Hằng (ngụ quận 8). Chồng chị bị phát hiện dương tính SARS-CoV-2, sau khi khai báo với y tế phường đã cam kết tự cách ly điều trị. Sau 8 ngày, chồng chị test cho kết quả âm tính nên chị đã chia sẻ kinh nghiệm điều trị F0 tại nhà cho nhiều người.

Theo đó, ngoài việc nấu các món ngon bồi dưỡng cho chồng, chị còn thường xuyên liên hệ các kênh bác sĩ tư vấn điều trị để có phác đồ chữa bệnh và hỗ trợ hệ hô hấp tốt nhất. Vừa chăm sóc chồng, chị vừa giữ khoảng cách an toàn, thực hiện các biện pháp chống để không lây nhiễm. Chuyện này không dễ dàng nhưng chị đã thực hiện được và giúp chồng vượt qua dịch bệnh.

Người thân là điểm tựa cho F0

Tinh thần là yếu tố quan trọng hàng đầu - đó là điều mà nhiều người thân của F0 điều trị tại nhà chia sẻ.

Các chuyên gia y tế cũng cho rằng, có người thân luôn ở bên, chăm sóc về thể chất, lo lắng, an ủi, động viên, người bệnh sẽ có nguồn động lực lớn để vực dậy, chiến thắng bệnh tật. Đồng thời, người nhà bệnh nhân không nên lo lắng quá thái, hoảng loạn, sợ hãi hay khóc lóc sẽ khiến bệnh nhân thêm suy sụp tinh thần, ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh.

Như chị Nguyệt Hằng, quận 8, sau khi chồng khỏi bệnh, chị đúc rút một kinh nghiệm rằng “Tinh thần là yếu tố cực kỳ quan trọng. Vì vậy, nên mình theo dõi bệnh và động viên chồng liên tục. Mình luôn đồng hành cùng với chồng, động viên anh tập thể dục, vận động cơ thể thường xuyên... Anh mất vị giác không ăn được thì mình động viên anh ăn và nấu những món súp, sữa dinh dưỡng để anh dễ hấp thụ...”.

Còn chị Lê Thị Phụng (Bình Thạnh) thì yếu tố khiến chị khỏi bệnh là vì... thương chồng. “Mình bệnh cách ly một mình trong phòng chỉ có ăn, ngủ, xem phim, tập thể dục. Còn chồng ở ngoài thì vừa lo lắng cho mình, chăm sóc mình, vừa “gánh” hết việc nhà, chăm lo con cái. Ấy vậy mà chồng mình không than thở tiếng nào, lại còn luôn động viên tinh thần mình. Thế cho nên mình càng phải cố gắng uống thuốc đúng giờ, tập thể dục, tinh thần lạc quan mau khỏi bệnh để chồng mình không vất vả nữa”.

Có thể nói, với những trường hợp F0 điều trị tại nhà, thì người thân, gia đình chính là điểm tựa của họ. Điểm tựa càng vững chắc, thì người bệnh càng có nhiều sức mạnh tinh thần và thể chất để vượt qua được dịch bệnh, bình an “tái hoà nhập” vòng tay gia đình.

Đọc thêm