Diễn đàn Mekong Startup lần I – 2022: Lan tỏa khát vọng, tinh thần khởi nghiệp với cách làm mới, bền vững

(PLVN) - Phát biểu chỉ đạo tại phiên toàn thể Diễn đàn Mekong Startup lần 1 năm 2022, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần tổ chức thường xuyên các sự kiện dành cho cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các start-up, để giải các “bài toán”, cũng như lan tỏa khát vọng, tinh thần khởi nghiệp với cách làm mới, bền vững, bảo vệ môi trường; nâng cao giá trị sử dụng của đất nông nghiệp,…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tham quan các gian hàng tại Diễn đàn.

Diễn đàn Mekong Startup lần 1 năm 2022 với chủ đề “Nông nghiệp hiện đại, tuần hoàn, phát thải thấp” do Bộ NN&PTNT phối hợp UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức vào hôm qua (20/12) tại Đồng Tháp.

Ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là yêu cầu bức thiết

Với đặc thù về vị trí và lợi thế về tiềm năng, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có dư địa rất lớn để phát triển nông nghiệp. ĐBSCL là vùng sản xuất, xuất khẩu nông, thủy sản, cây ăn trái lớn nhất cả nước, đóng góp rất lớn vào phát triển kinh tế - xã hội cả nước. Tuy nhiên, ĐBSCL bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập khi chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp. Sản xuất nhỏ lẻ, phương pháp sản xuất lạc hậu gây ảnh hưởng môi trường, bị tác động lớn của biến đổi khí hậu… đã trở thành rào cản đối với ĐBSCL. Từ đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là yêu cầu bức thiết trong giai đoạn hiện nay.

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia sản xuất, cung cấp thực phẩm minh bạch - trách nhiệm - bền vững. Do đó, yếu tố xanh hơn, phát thải thấp, giá trị cao, ứng dụng sinh thái tuần hoàn đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn 2021 - 2030. Cần phải hướng tới đạt được cơ giới hóa, tự động hóa trong chuỗi giá trị mới mang lại giá trị hiện đại cho ngành. Việc ứng dụng tạo ra giá trị từ phụ phẩm nông nghiệp cũng còn dư địa rất lớn để phát triển…

Còn ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, đổi mới sáng tạo chuỗi ngành hàng lúa gạo là vấn đề cấp thiết, quan trọng. Hầu hết các tỉnh ĐBSCL đều đề cao ứng dụng đổi mới sáng tạo trong sản xuất nhưng chưa thực sự hiệu quả trên diện rộng. Vì vậy, cần lấy doanh nghiệp (DN) và nông dân làm trọng tâm, tiến tới xây dựng và phát triển thương hiệu gạo Việt. Nhà nước giữ vai trò kiến tạo, đưa các chính sách đòn bẩy thúc đẩy DN, nông dân và các thành phần tham gia cùng phát triển. Cần lấy khoa học – công nghệ làm khâu đột phá, sản xuất lúa gắn với bảo vệ môi trường, tạo ra sản phẩm an toàn đáp ứng nhu cầu thị trường.

Định hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ, sạch, tuần hoàn là đúng đắn

Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng định hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ, sạch, tuần hoàn là đúng đắn nhưng các tỉnh ĐBSCL, Bộ NN&PTNT cần có kế hoạch, chỉ tiêu cụ thể; tổ chức thường xuyên các sự kiện dành cho cộng đồng DN, trong đó có các start-up, để giải các “bài toán”, cũng như lan tỏa khát vọng, tinh thần khởi nghiệp với cách làm mới, bền vững, bảo vệ môi trường; nâng cao giá trị sử dụng của đất nông nghiệp,…

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng ta phải thay đổi, giảm phân, thuốc và hướng đến nền nông nghiệp xanh, hiện đại, tuần hoàn, giảm phát thải ra môi trường. Để làm được các mục tiêu đó, các bộ, ngành phải có những kế hoạch, chương trình hành động rõ ràng, đồng bộ”. Để tạo động lực phát triển khu vực ĐBSCL cần phải khơi dậy khát vọng trong cả đất nước. Điều này rất quan trọng. Khát vọng rồi phải có cách làm rất sáng tạo. Nếu cứ bắt chước giống thiên hạ bao giờ mới phát triển sâu được. Có thể tham khảo ở các nơi nhưng không được “copy”.

Theo Phó Thủ tướng, các DN gặp gỡ không chỉ để trao đổi, tìm lời giải; DN lớn hỗ trợ DN nhỏ mà còn phải nâng cao giá trị tinh thần, phải khởi nghiệp, tạo môi trường phát triển ổn định. Phải đi cùng nhau, không chỉ nhà khoa học, nhà nông, Nhà nước, nhà DN, giữa các địa phương mà xa hơn là giữa Việt Nam và thế giới.

Tại Diễn đàn đã diễn ra Lễ công bố nội dung cam kết giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực nông nghiệp tại khu vực ĐBSCL; Lễ công bố nội dung cam kết Xây dựng Đồng Tháp thành “Trung tâm giải pháp giảm phát thải của khu vực”; Lễ ký kết hợp tác chuyển đổi số toàn diện và đào tạo nguồn nhân lực để thúc đẩy Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau: Cần đánh vào thế mạnh tôm cá, vì dư địa ĐBSCL nói chung và Cà Mau nói riêng còn rất lớn. Đề nghị bộ, ngành, các cấp sớm đầu tư hạ tầng các trung tâm đầu mối thủy sản ĐBSCL. Đồng thời, quy hoạch hệ thống cơ sở thu gom, sơ chế, chế biến thủy sản gắn với các vùng sản xuất tập trung. Hạ tầng phải đảm bảo gắn với quy hoạch sản xuất, vừa đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất vừa đáp ứng yêu cầu thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp: Đồng Tháp sẽ thường xuyên tổ chức Diễn đàn Khởi nghiệp để phát huy nội lực, xây dựng đội ngũ doanh nhân khởi nghiệp sâu, rộng, tâm huyết, có trách nhiệm với nền kinh tế xanh, tuần hoàn, phát thải thấp và tăng cường liên kết với các tỉnh, thành trong khu vực theo chủ trương của Đảng và Chính phủ.

Ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre: Nông sản vùng ĐBSCL có cơ hội tiếp cận nhiều thị trường lớn và tiềm năng. Nhất là sản phẩm thủy sản, trái cây nhờ vào cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và xu hướng kinh tế xanh. Cùng với tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, các vùng sinh thái mặn - lợ - ngọt, việc chuyển đổi thích ứng sản xuất, cơ cấu cây trồng, vật nuôi sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đọc thêm