Ngay từ năm 2010, Công ty đã ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cải cách hành chính như: thực hiện ký số các văn bản trên môi trường điện tử, triển khai các phần mềm quản lý dùng riêng như quản lý hợp đồng mua bán, hệ thống thi cử tuyển dụng, thi quy trình an toàn, đồng thời thực hiện ký số các báo cáo nội bộ trên phần mềm CMIS liên thông với Tổng công ty.
Bên cạnh đó, Điện lực Ninh Bình đã triển khai hệ thống quản lý công cụ và đã số hóa được toàn bộ chu trình luân chuyển công tơ, các biên bản kiểm định cũng như công tác giao nhận, quy trình tồn kho, quyết toán, đảm bảo quản lý chặt chẽ và lưu trữ lâu dài. Năm 2014, Công ty đã số hóa các thiết bị vận hành lưới điện đưa vào khai thác, mô phỏng được lưới điện trên toàn tỉnh, phục vụ công tác điều hành cung ứng điện năng kịp thời, giảm thiểu các sự cố lưới điện phục vụ công tác vận hành an toàn, ổn định.
Thực hiện chương trình hiện đại hóa, tự động hóa lưới điện theo Đề án "Phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam", năm 2016, PC Ninh Bình đã đưa Trung tâm điều khiển xa đi vào hoạt động; vận hành mô hình trạm biến áp không người trực. Đến nay, Công ty có 08 TBA thực hiện mô hình bán người trực, dự kiến hết quý 2 năm 2021 sẽ đưa cả 08 TBA vào áp dụng mô hình không người trực. Việc đưa vào vận hành các trạm biến áp không người trực đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa, tự động hóa lưới điện.
|
Trung tâm điều khiển xa PC Ninh Bình. |
Ngoài ra, để tạo thuận lợi cho khách hàng, Công ty đã thực hiện chuyển toàn bộ hóa đơn tiền điện sang hóa đơn điện tử, thu tiền trên các thiết bị điện tử và các dịch vụ thanh toán tiền điện điện tử. "Đây có thể nói là bước tiến quan trọng của ngành Điện, tạo dấu ấn quan trọng đối với khách hàng sử dụng điện, giúp họ tiếp cận với các loại hình thanh toán khác nhau, đặc biệt là công tác thanh toán không dùng tiền mặt, công tác tra cứu hóa đơn theo dõi việc sử dụng điện của khách hàng trở nên thuận tiện nhanh chóng.
Tính đến hết tháng 4 năm 2021, toàn tỉnh đã có 229.680 khách hàng thanh toán tiền điện qua ngân hàng và tổ chức trung gian (chiếm tỷ lệ 65,81% tổng số khách hàng). Trong đó, 16,93% khách hàng thanh toán tiền điện qua ngân hàng, còn lại là thanh toán qua các tổ chức trung gian (VNpost, Bankplus,VNPay, ViettelPay, VIMO).
Để thực hiện thành công chiến lược chuyển đổi số thì vấn đề không chỉ nằm ở công nghệ mà còn ở yếu tố con người. Do đó, trong nhiều năm qua, Công ty TNHH MTV Điện lực Ninh Bình đã tập trung nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên trong toàn ngành và chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp với phương châm lấy khách hàng là trung tâm.
|
Mọi thông tin về khách hàng được cập nhật nhanh chóng. |
Nhiều khóa đào tạo chuyên sâu về kỹ năng giao tiếp cho đội ngũ CBCNV làm việc, tiếp xúc trực tiếp với khách hàng đã được tổ chức. Tại các phòng giao dịch khách hàng đều bố trí người trực có trang phục gọn gàng với thái độ văn minh lịch sự; niêm yết công khai các giấy tờ, thủ tục, trình tự phát triển khách hàng mới, các văn bản về giá bán điện, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tiết kiệm điện...
Đồng thời, Công ty duy trì hệ thống điện thoại chăm sóc khách hàng để tiếp nhận đơn thư, ý kiến phản ánh của khách hàng, ý thức trách nhiệm và thái độ phục vụ của cán bộ, nhân viên của ngành Điện đã được nâng lên. Những kiến nghị liên quan đến việc cung cấp điện đến từ phía khách hàng đều được giải quyết nhanh chóng, chính xác ngay từ cơ sở. Điều này đã làm tăng sự hài lòng của khách hàng và góp phần đưa sản lượng điện thương phẩm của Công ty không ngừng tăng. Năm 2020, Công ty đạt trên 2.434 triệu kWh và tăng trưởng 0,96% so với năm 2019.
Phát huy những kết quả đạt được, trong năm 2021 và những năm tiếp theo, Công ty sẽ bám sát định hướng chuyển đổi số của Tổng công ty Điện lực Miền Bắc, Tập đoàn Điện lực Việt Nam để thực hiện công tác chuyển đổi số sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực mà ngành quản lý. Trong đó tập trung thực hiện số hóa các quy trình nghiệp vụ kỹ thuật-an toàn, kinh doanh - dịch vụ khách hàng, tài chính kế toán; triển khai hệ thống GIS (lưới điện trên sơ đồ địa chính) phục vụ công tác phân đoạn, xác định sự cố nhanh, kịp thời khắc phục nhanh nhất cho khách hàng; thực hiện số hóa 100% các hợp đồng mua bán điện trong năm 2021; xây dựng và triển khai số hóa các biên bản treo tháo công tơ sử dụng trên máy tính bảng; từng bước hoàn thiện hệ thống đọc công tơ từ xa theo lộ trình phục vụ công tác quản lý và tra cứu của khách hàng, tăng độ chính xác, giảm thiểu công tác ghi chỉ số, tránh sai sót trên hóa đơn tiền điện; tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn phòng điện tử đến các đơn vị trực thuộc, thực hiện ký số đến các cán bộ, công nhân viên, giảm thiểu tối đa các văn bản, biên bản và những thủ tục lưu trữ bằng giấy…