Điều tra sự việc chuyến bay về Việt Nam bị dọa bắn

(PLVN) - Khoảng 11h10 (giờ địa phương) ngày 5/1, Chi nhánh Vietnam Airlines (VNA) tại Nhật Bản nhận được 1 cuộc điện thoại từ đối tượng giọng nam giới tự xưng người Mỹ, nói tiếng Nhật. Đối tượng đe dọa: “Chuyến bay VN5311 tốt nhất là quay lại Narita, nếu không sẽ bị bắn hạ khi bay qua Vịnh Tokyo”.
Máy bay Boeing 787 hạ cánh tại sân bay Fukuoka để kiểm tra an ninh.

Thông tin về chuyến bay trên, Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) cho biết, ngày 5/1, chuyến bay VN5311 sử dụng tàu bay B787-868 từ Narita - Nhật Bản về Hà Nội (NRT-HAN), khởi hành lúc 10h30 (giờ địa phương) gồm 15 thành viên tổ bay (12 tiếp viên và 3 phi công), trong đó có 2 cơ trưởng cùng 47 hành khách.

Khoảng 11h10 (giờ địa phương) ngày 5/1, Chi nhánh VNA tại Nhật Bản nhận được 1 cuộc điện thoại từ đối tượng giọng nam giới tự xưng người Mỹ, nói tiếng Nhật. Đối tượng đe doạ: “Chuyến bay VN5311 tốt nhất là quay lại Narita, nếu không sẽ bị bắn hạ khi bay qua Vịnh Tokyo”.

Khi nhân viên nhận điện thoại hỏi: “Ông có thể nói lại điều ông vừa nói được không” thì người đàn ông trả lời: “Tôi đang chuẩn bị bắn VN5311 khi bay qua Vịnh Tokyo, tốt nhất nên quay lại”.

Thời điểm này, chuyến bay VN5311 đã bay được khoảng 40 phút và chuẩn bị bay qua Vịnh Tokyo. Ngay sau khi nhận cuộc điện thoại đe dọa nêu trên, Chi nhánh VNA tại Nhật Bản đã báo cáo nhanh vụ việc về VNA.

DN này sau đó báo cáo vụ việc cho nhà chức trách Nhật Bản, Cục Hàng không Việt Nam và các cơ quan chức năng của Bộ Công an; đồng thời triệu tập cuộc họp của Ủy ban Khẩn nguy và Tiểu ban chỉ đạo phòng chống khủng bố của DN.

Trên cơ sở báo cáo của VNA, Cục Hàng không Việt Nam báo cáo Bộ trưởng GTVT và lãnh đạo Chính phủ. Được sự đồng ý, Cục trưởng Hàng không Việt Nam đã chỉ đạo VNA xin phép nhà chức trách hàng không Nhật Bản chuyển hướng tàu bay hạ cánh xuống sân bay Fukuoka, Nhật Bản.

Khoảng 13h02 (giờ địa phương), chuyến bay VN5311 đã hạ cánh an toàn xuống sân bay Fukuoka, Nhật Bản. Nhà chức trách và cảnh sát sân bay Fukuoka sau đó lên tàu bay kiểm tra sơ bộ tình hình, nhưng không áp dụng các biện pháp an ninh và cho phép tàu bay được đỗ tại sân bay Fukuoka trong khoảng 2 giờ để xem xét, đánh giá thông tin, cũng như sự an toàn của chuyến bay.

Khoảng 14h30 (giờ địa phương), sau khi xác định chuyến bay an toàn, không có dấu hiệu bất thường, Nhà chức trách và cảnh sát sân bay Fukuoka thông báo cho phép chuyến bay VN5311 khởi hành về Hà Nội.

VNA báo cáo Cục Hàng không và quyết định cho chuyến bay VN5311 khởi hành lúc 15h48 (giờ địa phương) từ sân bay Fukuoka tiếp tục hành trình về Hà Nội. Vào hồi 18h12 (giờ Việt Nam) ngày 5/1/2022, chuyến bay VN5311 đã hạ cánh an toàn xuống sân bay Nội Bài.

Lãnh đạo Cục Hàng không cho biết, đã chỉ đạo VNA kịp thời triển khai quy trình ứng phó khẩn nguy an ninh để xử lý vụ việc theo đúng quy định, bảo đảm an toàn cho chuyến bay. Đồng thời, Cục cũng báo cáo các cơ quan có thẩm quyền để phối hợp với các nhà chức trách phía Nhật Bản điều tra, làm rõ vụ việc.

Một lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam đánh giá việc máy bay VNA bị đe dọa là tình huống hy hữu. Các máy bay Việt Nam hoạt động ở nước ngoài chưa từng bị dọa bắn, chỉ một số lần khách tung tin có bom.

Đại diện Cục Hàng không cũng cho biết, các tình huống đe dọa an ninh hàng không đều được lường trước, nằm trong phương án xử lý với các kịch bản khác nhau. VNA đã triển khai quy trình ứng phó khẩn nguy an ninh để xử lý theo đúng quy định, bảo đảm an toàn cho chuyến bay.

Là một hành khách trên chuyến bay VN5311, chị Trần Thị Ngọc (ngụ huyện Mê Linh, Hà Nội), kể khi đã gần đến Hàn Quốc, chị bất ngờ thấy máy bay quay ngược trở lại Nhật Bản. Cơ trưởng thông báo máy bay bị sự cố kỹ thuật. “Lúc đó máy bay đã đi được khoảng 40% chặng đường nên quay lại Nhật khiến tôi và mọi người có chút lo lắng, không hiểu lý do kỹ thuật gì mà phải dừng tại sân bay Fukuoka”, chị Ngọc nói.

Khoảng 13h, chiếc Boeing 787 hạ cánh xuống Fukuoka, nơi kỹ thuật viên trực sẵn để kiểm tra và bơm dầu. Hành khách được đưa sang hai xe buýt chờ đợi. Gần một giờ sau, họ được quay trở lại máy bay. “Thấy một vài tiếp viên có hành động vội vã, song tôi không nghĩ đến tình huống bị khủng bố”, chị Ngọc nói.

Các tiếp viên sau đó đến chỗ từng hành khách động viên về sự cố kỹ thuật khiến chị Ngọc cảm thấy yên tâm. Đến khi xuống Nội Bài, ngồi đợi test nhanh Covid-19, chị mới biết chuyến bay của mình bị dọa khủng bố.

Cùng chuyến bay, anh Phạm Thanh Hải, ở TP Thái Nguyên, cho biết máy bay đang bay ổn định thì hành khách được thông báo sự cố kỹ thuật mà không biết cụ thể là gì. Vì nghĩ sự cố bình thường nên anh không hốt hoảng. Phi công hay tiếp viên đều không có biểu hiện gì đặc biệt.

“Có thể phi công, tiếp viên biết vụ đe dọa bắn song họ làm như vậy để chuyến bay an toàn. Nếu hành khách hoảng loạn, có thể làm gì không hay thì sẽ khó giải quyết”, anh Hải nhận định.

Không tỏ ra sợ hãi hay hốt hoảng khi biết chuyến bay mình vừa đi bị đe dọa, song anh Minh Trung, quê Phú Thọ, nói: “Tôi tin có kẻ tung tin giả mạo”.

Đọc thêm