Định mệnh văn chương trong gia đình nữ nhà văn trẻ có tên 'Thôi Văn'

(PLO) - Người cha từng cầm bút, làm báo, viết văn theo chức năng công tác xã hội, thấm thía nỗi nhọc nhằn của công việc “cày bút trên cánh đồng văn chương”, khi sinh con gái, ông đã đặt tên con “Thôi Văn”, coi như lời tuyên bố đoạn tuyệt nghiệp văn của mình.
Nữ văn sĩ Trác Diễm
Nữ văn sĩ Trác Diễm

Trần Thị Trác Diễm (SN 1988, quê Sơn Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình, Hội viên Hội Văn học nghệ thuật Quảng Bình) là một cây viết trẻ của làng tiểu thuyết hiện đại Việt Nam.

Sinh ra ở vùng quê miền núi huyện Bố Trạch, từ nhỏ Trác Diễm đã đam mê đọc sách báo. Chị kể người cha vốn là cán bộ công tác tại Phòng Chính trị, Ban tuyên huấn, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Trị Thiên (cũ). Ông thường gửi về cho con gái nhiều báo của tuổi học trò như báo Thiếu niên Tiền Phong và sách của NXB Kim Đồng. Từ những trang sách báo ấy, niềm đam mê văn học của Diễm hình thành. 

Người cha từng cầm bút, làm báo, viết văn theo chức năng công tác xã hội, thấm thía nỗi nhọc nhằn của công việc “cày bút trên cánh đồng văn chương”, khi sinh con gái, ông đã đặt tên con “Thôi Văn”, coi như lời tuyên bố đoạn tuyệt nghiệp văn của mình.

Nhưng, Thôi Văn càng ngày càng mê văn chương nên sau đó, ông lại đổi tên con là Trần Thị Trác Diễm với hoài vọng con thành đạt, giống như vẻ đẹp của viên ngọc đã được mài giũa.

Nghỉ hưu được mấy năm, cha Diễm đột ngột qua đời. Người mẹ một mình bươn chải nuôi chị em Diễm lớn khôn. Vừa là đam mê vừa để thỏa nguyện ước mơ của cha lúc sinh thời, trong những ngày học Cao đẳng Việt Nam học, chị mạnh dạn gửi thơ và truyện ngắn của mình cho các báo và tạp chí địa phương và Trung ương. Đề tài độc đáo và cách thể hiện hồn nhiên trong tác phẩm của cô gái được một số tạp chí địa phương đăng tải.

Tốt nghiệp cao đẳng, Diễm xin vào làm hướng dẫn viên ở Trung tâm Du lịch Phong Nha – Kẻ Bàng. Nhưng “máu văn chương” đã ngấm từ thuở bé vẫn là niềm đam mê của chị. Sau cuộc hôn nhân đổ vỡ, Diễm một mình nuôi con trai. Trải nghiệm những đắng cay từ chính mình, chị bắt tay viết tiểu thuyết. 

Ngày đi làm, tối về chăm mẹ, chăm con, chị vùi đầu viết. “Có khi nhân vật trong truyện tôi đang viết như sống dậy, đứng bên tôi giục: “Dậy đi. Dậy viết tiếp đi!”. Thế là tôi dậy, mặc dù lúc đó đã hơn 1h sáng”, chị Diễm nói.

“Hồn lau trắng”, tác phẩm đầu tay của chị, là câu chuyện của những thanh niên sinh ra và lớn lên trong thời bình. Họ biết rèn luyện, phấn đấu cho cuộc sống đầy ý nghĩa. Trước bão táp cuộc đời, những thanh niên này vẫn vững vàng vượt qua.

Nhân vật đáng chú ý như cô gái Thôi Văn (tên thật lúc nhỏ của tác giả) trong sáng, vị tha trong tình yêu. Sau hai năm thai nghén, Trác Diễm đã “trình làng” tác phẩm đầu tay với 500 trang sách, ấn hành năm 2014. Cuối năm 2014, tác phẩm được “Giải trẻ” của Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật toàn quốc.

Để bổ sung lực lượng sáng tác của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Bình, đầu năm 2015, UBND tỉnh đã quyết định đưa chị về công tác tại cơ quan này. Về cơ quan mới, hàng ngày, Trác Diễm phải đi ô tô buýt từ Sơn Trạch (huyện Bố Trạch) đến TP.Đồng Hới, cách nhà 30km để làm việc.

Lại tranh thủ ngày nghỉ hoặc những đêm trắng lọ mọ gõ bàn phím, chưa đầy một năm sau, năm 2015, tiểu thuyết “Tiếng vọng Macoong” dày hơn 300 trang ra đời, do NXB Văn học ấn hành.

Bối cảnh tiểu thuyết là vùng đá vôi Phong Nha – Kẻ Bàng. “Tiếng vọng Macoong” đầy ắp chuyện lạ của thiên nhiên và phong tục kỳ bí của tộc người sinh sống nơi đây, nơi “con người đang sống một cuộc sống đầy bản năng, tự do, tự tại, ý nghĩa” theo lời giới thiệu của nhà văn Hoàng Vũ Thuật, nguyên Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Quảng Bình trong lời tựa đầu tác phẩm của Trác Diễm.

Tác giả đã lồng vào đó câu chuyện tình tay ba giữa cô gái tộc người Macoong là Y Thon cùng chàng trai đồng tộc và một nhà điêu khắc người Kinh. Với tình yêu mãnh liệt của Y Thon, tác giả đã đề cao nữ quyền, ý thức tự giải phóng khỏi hủ tục bao đời trói chặt. Nhận ra tình yêu cuồng nhiệt với chàng trai người Kinh, nhưng cô gái cuối cùng vẫn làm vợ Đinh Vư, vì vẫn không từ bỏ được sự ràng buộc với tộc quyền của người Macoong.

“Tôi đã chảy nước mắt giàn giụa khi đánh máy để diễn tả cuộc sống thực của các nhân vật của mình trong tác phẩm, ở những đoạn cao trào của nỗi vui sướng và cả nỗi đau của những người phụ nữ vùng cao mà tôi từng sống, từng biết rất kỹ về họ”, Trác Diễm nói về tác phẩm.

Hiện nữ tác giả trẻ đang thai nghén tiếp tác phẩm thứ ba về cuộc sống người dân ở đôi bờ sông Bến Hải, nơi Vĩ tuyến 17 chạy qua. Chị cho biết chủ đề tác phẩm ca ngợi sự anh hùng quật cường của người dân Vĩnh Linh trong đánh giặc và hồi sinh sau giải phóng.

Ngoài tiểu thuyết, Trác Diễm còn viết truyện ngắn. Một số truyện ngắn của chị đã được in trong “Tập truyện ngắn hay năm 2015” do NXB Văn học ấn hành./.