Đô la “một giá”


So với tỷ giá tại một số ngân hàng, giá đô la trên thị trường tự do chênh lệch không đáng là bao. Trong khi giới buôn đô la "chợ đen" vào cảnh ế ẩm, các ngân hàng lại thở phào vì đã mua được nhiều đô hơn và quan trọng là họ đã mua được với giá nằm trong phạm vi cho phép.

So với tỷ giá tại một số ngân hàng, giá đô la trên thị trường tự do chênh lệch không đáng là bao. Trong khi giới buôn đô la "chợ đen" vào cảnh ế ẩm, các ngân hàng lại thở phào vì đã mua được nhiều đô hơn và quan trọng là họ đã mua được với giá nằm trong phạm vi cho phép.

Đô chợ đen hết thời

Trưa 19/4, giá đô la tại một cửa hàng trên phố Hàng Bạc là 20.950 đồng/USD (mua vào) và 21.000 - 21.100 đồng/USD (bán ra). Trong khi đó, chủ một cửa hàng trên phố phố Hà Trung cho hay, giá bán ra chỉ là 20.960 đồng/USD và hầu như các điểm thu đổi ngoại tệ tại đây đều không thiết tha với việc mua vào. Tại một số địa điểm thu đổi ngoại tệ khác, giá mua vào - bán ra lần lượt ở mức 20.870 đồng và 20.970 đồng.

So với tỷ giá tại một số ngân hàng ở ngưỡng 20.910-20.930 đồng/USD mua vào và 20.935-20.940 đồng/USD bán ra, thì giá trên thị trường chợ đen chênh lệch không đáng là bao.

usd.jpg

Trong khi giới buôn đô la chợ đen lâm vào cảnh ế ẩm, một số ngân hàng cho biết, họ đã mua được nhiều đô la hơn và điều đáng nói là họ đã mua được đô với tỷ giá nằm trong phạm vi cho phép. Trước thực tế này, người ta đã nói đến vấn đề tỷ giá đã trở về với đời sống thực. Một chuyên gia ngân hàng cho rằng, mấu chốt để đạt được thực tế này chính là điều chỉnh tỷ giá sát với thị trường. Đã có lúc vì nhiều lý do và có cả những lo ngại và duy ý chí cơ quan quản lý đã giữ tỷ giá ở một mức thấp hơn so với thị trường và như thế đã tạo ra những bất cập kéo dài. Những bất cập đó cứ âm ỉ rồi bùng phát và buộc lại phải điều chỉnh tỷ giá. Làm như thế là chủ quan và trở thành theo đuôi thị trường. Đợt tăng tỷ giá đã tháo được nút thắt đó khiến cho mọi việc dễ dàng hơn. 

Đi tìm sự ổn định lâu dài

Nhìn lại nhưng biện pháp đã được triển khai vừa qua. Nếu như những động thái điều chỉnh tỷ giá được cho là phù hợp và mang tính thị trường cao thì không ít nhưng biện pháp còn lại vẫn mang nặng biện pháp siết chặt quản lý hành chính. Vì thế, dù đã tạo được sự ổn định bước đầu khá nhanh nhưng cũng đã gây ra những lo lắng và tâm lý khá nặng nề với không ít đối tượng trên thị trường.

Trong một thị trường còn nhiều bất ổn, những biện pháp hành chính đi kèm với điều hành kinh tế là cần thiết. Tuy nhiên, nó thường chỉ có hiệu ứng tức thì và lại hay mang lại những bất cập về dài hạn. Chính vì thế, sau những biện pháp tạo ra sự ổn định bước đầu, người ta đang trông đợi việc tạo lập những điều kiện cho ổn định dài hạn. Sự ổn định và tích cực trên thị trường phải là một lẽ bình thường chứ không thể chỉ là một thành tích “dẹp loạn” rồi đâu lại vào đó.

Hơn nữa, điều quan trọng để ổn định thị trường ngoại tệ chính là phải gia tăng nguồn cung và dữ trữ của quốc gia. Các cân ngoại tệ của Việt Nam được tính toán trên cơ sở là thặng dư trong thời gian gần đây. Tuy nhiên từ con số tính toán tổng thể cho đến việc điều chỉnh dòng tiền trên thực tế không hẳn đã giống nhau. Tiền có đấy nhưng tiền không nằm trong tay nhà quản lý.

Vì thế, mới nảy sinh ra chuyện thặng dư mà vẫn thiếu tiền. Vì thế, cần phải tạo lập được chính sách quản lý và cơ chế phù hợp để huy động được nguồn ngoại tệ vào kênh chính thức, tăng nguồn cung cho ngân hàng và dự trữ quốc gia. Dài hạn hơn, phải đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu, điều chỉnh tiêu dùng để hạn chế nhập siêu, tăng xuất xuất để tích trữ ngoại tệ…

Phong Vũ

Đọc thêm