ThS. Lê Thanh Hà - Khoa Nội Tiết - Bệnh viện TWQĐ 108 gợi ý một số đồ uống bệnh nhân đái tháo đường (ĐTĐ) nên dùng:
Nước lọc
Là lựa chọn hàng đầu cho bệnh nhân ĐTĐ, nước lọc không chứa năng lượng, không làm tăng đường máu. Thậm chí nước lọc còn giúp cơ thể tăng đào thải glucose qua nước tiểu. Viện dinh dưỡng quốc gia khuyển cáo, mỗi người nên uống 40ml nước/kg/ngày (VD: 1 người 50 kg nên uống ≈ 2 lít).
Trà xanh
Những người uống 6 tách trà xanh trở lên mỗi ngày có nguy cơ mắc ĐTĐ typ 2 thấp hơn 33% so với những người uống ít hơn hai tách hoặc không uống mỗi tuần. Trong trà xanh hầu như không chứa calo và có rất nhiều chất chống oxy tốt cho cơ thế mà điển hình nhất là 2 chất EGCG và polyphenol. EGCG làm tăng sinh và biệt hóa phân tử mỡ trong tế bào, tăng quá trình oxy hóa chất béo và làm giảm nồng độ glucose trong máu thông qua hoạt động của nó tại đường tiêu hóa.
Trà hoa cúc
Được làm từ hoa của cây hoa cúc, được sử dụng trong y học cổ truyền suốt hàng trăm năm qua, với một số công dụng như: chống viêm, điều trị các triệu chứng cảm lạnh thông thường, mất ngủ, chóng mặt…Ngày nay y học hiện đại phát triển, các chuyên gia đã phân tích các thành phần trong hoa cúc thấy trong đó rất giàu vitamin A, B1, choline và sắc tố rất tốt cho bệnh nhân ĐTĐ. Bệnh nhân ĐTĐ nên uống 1 tách trà hoa cúc mỗi ngày giúp hỗ trợ kiểm soát tốt đường huyết.
Nước ép ổi
Quả ổi chứa nhiều chất xơ, chất chống oxy hóa, vitamin C, lutein, beta carotene… Rất nhiều nghiên cứu đã ghi nhận hiệu quả tích cực của quả ổi trong việc kiểm soát lipid máu và đường huyết. Ngoài quả ổi, trà lá ổi cũng được coi như một thứ “thuốc thần dược” làm giảm đường huyết hiệu quả.
Nước ép bưởi
Cũng giống như quả ổi, quả bưởi chứa rất nhiều chất chống oxy hóa, vitamin C, vitamin D, vitamin B và lượng đường trong quả bưởi rất thấp. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị đối với bệnh nhân ĐTĐ nên uống 4-5 ly nước ép bưởi một tuần.
Nước dừa
Trong nước dừa chứa nhiều điện giải: kali, natri, phốt pho, kẽm, sắt, đồng…chỉ số đường huyết của nước dừa cũng thấp. Đối với bệnh nhân ĐTĐ có thể uống 4-5 quả dừa/tuần. Tuy nhiên với những bệnh nhân có bệnh thận mạn tính kèm theo thì tốt nhất nên hạn chế uống nước dừa, vì nước dừa giàu kali sẽ khiến hàm lượng kali tăng trong máu, điều này có thể là một “mối nguy hại”.
Sữa
Nhiều bệnh nhân quan niệm khi mắc ĐTĐ thì không nên uống sữa. Quan điểm này hoàn toàn sai, sữa bổ sung nhiều vi chất dinh dưỡng quan trong như: canxi, magie, kẽm, đồng, sắt, phốt pho…, nhiều vitamin thiết yếu (A, B, C, E, K), các chất béo không no rất tốt cho việc kiểm soát cân nặng, phòng ngừa loãng xương cũng như kiểm soát đường huyết mà hiện nay các chuyên gia dinh dưỡng đang đặc biệt quan tâm là MUFA và PUFA. Nhưng lựa chọn loại sữa nào để uống là một vấn đề đau đầu với bệnh nhân ĐTĐ vì trên thị trường có rất nhiều loại sữa. Sữa cho bệnh nhân ĐTĐ phải đảm bảo được nguyên tắc: năng lượng do chất bột đường cung cấp chỉ chiếm từ 45-50%, chỉ số đường huyết GI (Glycemic Index) thấp (< 55%) và giàu chất xơ.