Dọa giết bố, gã tâm thần lao vào chém hàng xóm tử vong

(PLO) -Sang nhà thông gia thăm con gái và cháu ngoại, ông Đinh Quang S (SN 1964, ngụ thôn Thọ Tây, xã Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) vô cớ bị Phạm Văn Vũ (SN 1983, ngụ thôn Hòa Bân, xã Tịnh Thiện, TP. Quảng Ngãi) chém tử vong. Theo thông tin ban đầu, nguyên nhân là do Vũ bị tâm thần.

 

Hiện trường vụ án mạng kinh hoàng
Hiện trường vụ án mạng kinh hoàng

Sát hại người chưa từng gặp

Theo lời kể của những người chứng kiến, khoảng 15h ngày 21/1, Vũ dùng rựa chặt cổng nhà ông Nguyễn Văn Tâm (SN 1967, thông gia của ông S), cách nhà Vũ 30m rồi xông vào. 

Lúc này, ông S đang có mặt ở nhà ông Tâm. Khi thấy thái độ hung hăng của Vũ, mọi người trong nhà ông Tâm, kể cả ông S tháo chạy. Tuy nhiên, Vũ đuổi theo và bắt kịp ông S, dùng chiếc rựa trên tay chém nhiều nhát vào người đàn ông mà hắn chưa từng gặp khiến nạn nhân tử vong tại chỗ.

Sau khi gây án, Vũ lăm lăm cây rựa trong tay rồi điều khiển xe máy ra chặn đường quốc lộ gây cách tắc giao thông và náo loạn cả khu dân cư gần đó. Do đối tượng có hung khí và quá hung hăng nên người dân không ai dám can ngăn. 

Lực lượng Công an xã Tịnh Thiện có mặt tại hiện trường nỗ lực bảo vệ những người dân xung quanh đồng thời cấp báo lên Công tỉnh Quảng Ngãi. Chỉ đến khi lực lượng cảnh sát phản ứng nhanh có mặt, đối tượng này mới bị khống chế, đảm bảo sự an toàn cho người dân.

“Thật sự quá kinh hoàng! Vũ xông vào nhà tôi với thái độ hung hăng, tay lăm lăm cây rựa. Mọi người hoảng loạn bỏ chạy mỗi người một ngả. Cuối cùng, nó đuổi theo ông S rồi giết người…”, ông Tâm rùng mình nhớ lại.

Còn ông Phạm Văn Th (cha nghi phạm Vũ) kể lại: “Đến giờ tôi cũng chưa dám tin vào việc mà con trai mình gây ra”. 

Theo ông Th, thời điểm xảy ra sự việc thì tinh thần Vũ không ổn định, không kiểm soát được hành vi của mình. Hôm đó, Vũ có đi ra ngoài, sau đó trở về nhà với thái độ tức giận. Ông Th thấy vậy có khuyên răn Vũ vài câu thì Vũ gây gổ và đuổi đánh cha. Biết tính con nói là làm nên ông Th nhanh chân chạy trốn, đợi đến khi Vũ trở lại bình thường thì về nhà.

“Đến khoảng 14h, nó trông thấy tôi nên la hét bảo rằng sẽ chém chết rồi chạy đi lấy cây rựa. Sợ con làm liều nên tôi lại chạy đi trốn. Nào ngờ nó vào nhà đối diện giết chết người ta”, ông Th thuật lại sự việc trong nỗi hoảng sợ.

Bi kịch từ người bị bệnh tâm thần

Một ngày sau thảm án đau lòng, chúng tôi tìm về thôn Hòa Bân để tìm hiểu sự việc. Mặc dù nạn nhân đã được đưa về quê án táng nhưng người dân địa phương vẫn còn nguyên nỗi sợ hãi. 

Một người hàng xóm của Vũ kể rằng, hôm đó, ông S chở vợ sang nhà sui gia để thăm con gái mới sinh. Ai ngờ, ngày cháu ngoại lọt lòng lại là ngày ông vĩnh viễn ra đi với thi thể không còn vẹn nguyên bởi lưỡi dao oan nghiệt cũ Vũ. Tuy người dân phẫn nộ trước hành vi của Vũ nhưng không ít người xót xa cho chính phận đời của Vũ. 

Nhiều người kể rằng,Vũ vốn là thanh niên hiền lành. Gã cũng có một gia đình êm ấm, có mẹ có cha như bao người con khác của làng Hòa Bân. Thế rồi, một ngày nọ gần 5 năm trước, hôn nhân giữa cha mẹ Vũ gặp biến cố lớn. Mẹ Vũ rời quê vào Sài Gòn mưu sinh bỏ lại 2 cha con Vũ. Không bao lâu sau, cha Vũ cưới vợ mới rồi sinh con với người này. 

Kể từ đó, Vũ tỏ ra chán ghét cuộc sống gia đình và tình cảm cha con dần dần rạn nứt. Nhiều người dân cho biết, tính ông Th nóng nảy nên từ khi ông lấy vợ mới, 2 cha con xích mích, cãi cọ, đánh đập nhau liên miên. Từ một thanh niên bình thường, Vũ hứng chịu cú sốc gia đình nên sinh trầm cảm, tự kỷ, cáu gắt và rồi bị tâm thần phân liệt.

Vũ cũng được gia đình đưa đi chữa trị nhưng bệnh chưa dứt hẳn. Ngày Vũ vui, ngày Vũ buồn, mà nguyên nhân thì chẳng đâu ra đâu. Cũng không ít lần Vũ gây ra vụ xô xát, ẩu đã trên địa bàn. 

Trước thời điểm xảy ra vụ án mạng đau lòng này, Vũ nhiều lần dùng dao truy sát cha mình đến thừa sống thiếu chết và gây thương tích cho nhiều người khác. Mới đây nhất, đầu tháng 1/2017, Vũ đã bị công an mời đến làm việc vì liên quan đến một vụ đánh nhau. 

“Chúng tôi là người địa phương nên biết rõ, chẳng ai ưa gây gổ với nó. Cứ thấy nó bất thường là bỏ chạy. Ở vụ việc lần này, khi thấy nó la hét, đòi chém giết, nhiều người đã khóa chặt cổng ngõ, bỏ đi trốn. Tuy nhiên, nó vẫn bất chấp. Khi thấy nó vào nhà ông Tâm, người quen thì biết chuyện nên bỏ chạy. Còn ông S ở xa đến không kịp hiểu chuyện gì xảy ra nên mới bị nó giết chết tức tưởi. Biết là nó gây chuyện động trời, nhưng ngẫm lại cũng thấy xót xa cho nó. Từ người bình thường rồi gặp biến cố, cú sốc gia đình mà ra vậy”, một hàng xóm của Vũ bày tỏ.

Liên quan đến vụ án này, Luật gia Nguyễn Văn Danh, đoàn Luật sư TP.HCM chia sẻ, ông cũng là người làng Hòa Bân nên ông tường tận vụ việc này và cảm thấy rất đau lòng. 

Cũng theo luật gia Danh, thời gian qua trên cả nước xảy ra nhiều vụ “người tâm thần” gây án. Nhiều hội thảo, nghiên cứu xã hội giữa các ngành ban cũng đã được tổ chức để bàn về vấn đề này nhưng hệ lụy đau lòng vẫn đang xảy ra. 

“Hầu hết các vụ án người tâm thần gây án đều có chung một điểm là hung thủ không bị tâm thần hoàn toàn mà ở dạng tâm thần phân liệt. Trước đó, họ vì chịu cú sốc lớn mà ảnh hưởng đến thần kinh. Họ rất dễ bị kích động, khi kích động thì dùng vũ lực, hung khí đâm chém mọi thứ không kiểm soát hành vi. Trên thực tế, tất cả đều có nguyên nhân sâu xa cả. Như ở trường hợp anh Vũ này, do chuyện gia đình nên nảy sinh bất mãn với người cha rồi không kiểm soát được hành vi. Tôi đã từng cảnh báo nhiều lần cho mọi người, thậm chí cả chính quyền rằng tránh làm anh ta bức xúc. Nhưng rõ ràng, biện pháp căn cơ hơn là cần sự chung tay của gia đình, xã hội, thể hiện sự quan tâm, tình thương và trách nhiệm đối với người bị bệnh tâm thần”, luật gia Danh nói.

Bệnh nhân tâm thần có nguy cơ gây án hình sự cao hơn người thường gấp 3-4 lần. Điều đáng lưu ý ở đây là với một bệnh nhân tâm thần đã phạm tội thì họ sẽ phạm tội lần thứ hai, lần thứ ba nếu bệnh vẫn còn. Đáng buồn thay, các bệnh tâm thần nêu trên chỉ có thể điều trị ổn định chứ không thể khỏi hẳn, do đó bệnh sẽ tái phát khi ngừng điều trị, kéo theo là lặp lại hành vi phạm tội.

Theo các bác sĩ, trước hết nếu phát hiện người thân có biểu hiện không bình thường cần đưa đi khám. Không nên giấu bệnh nhân ở nhà hoặc tìm đến các thầy cúng, thầy bói. Bắt buộc bệnh nhân phải uống thuốc theo đúng đơn thuốc của bác sĩ tâm thần đã kê. Không được để bệnh nhân tự uống thuốc vì khi bệnh ổn định họ thường có xu hướng giảm liều, ngừng thuốc nên bệnh lại tái phát.

Học hỏi các dấu hiệu đe dọa tái phát để điều trị ngăn chặn tái phát kịp thời. Các dấu hiệu này thường rất dễ nhận biết như mất ngủ trầm trọng kéo dài 3 ngày, lo lắng quá mức kéo dài trên 3 ngày, cáu gắt vô cớ quá mức. Không nên tự ý khám và điều trị cho mình bằng cách tìm hiểu các thông tin về bệnh và về thuốc qua mạng internet. 

Đọc thêm