Những “chiến dịch” chưa từng có tiền lệ
Phát biểu tại Phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, một đặc trưng cơ bản, một thuộc tính quan trọng của định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam là phải gắn kinh tế với xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển. Xã hội XHCN mà chúng ta xây dựng là một xã hội hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, dựa trên nền tảng lợi ích chung toàn xã hội… Mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân.
Trong nhiều phiên họp với các bộ, ngành và địa phương, Chính phủ cũng khẳng định quan điểm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết. Chính phủ chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế trong ngắn hạn để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Khi dịch COVID-19 bùng phát trên diện rộng với những biến thể nguy hiểm, một loạt địa phương phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15 và 16 của Thủ tướng để phòng chống dịch.
Thấu hiểu những vất vả, khó khăn của người dân, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhiều lần chỉ đạo: các tỉnh, thành triển khai thực hiện Chỉ thị 15, 16 phải dứt khoát không để bất kỳ ai thiếu ăn, thiếu mặc; mọi người dân phải được tiếp cận các dịch vụ y tế từ sớm, từ xa, ngay tại xã, phường, thị trấn. Thủ tướng nhấn mạnh, để người dân chấp hành nghiêm theo tinh thần “ai ở đâu ở đó” thì phải đáp ứng mọi nhu cầu của người dân một cách kịp thời.
Khó khăn nhất trong đại dịch là những người lao động tự do bị mất việc, bởi vậy, các khoản tiền trợ cấp đã được các cán bộ cơ sở khẩn trương đưa đến tận tay những người bán hàng rong, bán vé số, thu mua đồng nát… với thủ tục nhanh gọn và đơn giản nhất. Có thể nói, chưa bao giờ những chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước lại đi vào cuộc sống quyết liệt như thế.
Đơn cử như tại TP HCM, khi TP thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, chỉ trong vòng hơn 1 tháng, địa phương này đã liên tiếp triển khai hai gói hỗ trợ lên tới 1.800 tỉ đồng cho những lao động khó khăn. Trung tâm an sinh xã hội của TP cũng được gấp rút thành lập để tiếp nhận và điều phối hoạt động quyên góp thiện nguyện kịp thời, đảm bảo người dân khó khăn được hỗ trợ, không có bất kỳ sự phân biệt. Trong tiêm vaccine phòng COVID-19, càng không có sự phân biệt giữa người có hộ khẩu và không có hộ khẩu, thậm chí những người lang thang, cơ nhỡ càng được quan tâm hơn.
Hàng loạt chính sách an dân
Trong cuộc chiến với kẻ thù vô hình, cả người dân và Chính phủ đều cùng hướng về một mục đích là bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mệnh cho nhân dân. Ngoài các gói an sinh xã hội được ban hành trong các Nghị quyết 68/NQ-CP và 86/NQ-CP của Chính phủ… thì Thủ tướng cũng ban hành nhiều quyết định hỗ trợ hàng chục nghìn tấn gạo cho các tỉnh, thành đang phải gồng mình chống chọi với dịch bệnh; ra Công điện gửi các tỉnh, thành, bộ, ngành chỉ đạo giảm giá tiền điện, nước, giá cước viễn thông, miễn giảm tiền học phí cho học sinh, hỗ trợ trẻ em mồ côi cha mẹ trong đại dịch COVID -19; thu dung, thực hiện chính sách an sinh với người lang thang, cơ nhỡ…
Gần hai năm qua là thời gian không ngừng nghỉ của lực lượng tuyến đầu đã gác lại cuộc sống riêng, không quản khó khăn, nguy hiểm, đi vào khắp mọi “vùng đỏ” chống dịch, giúp đỡ nhân dân. |
Khi cả nước bước vào năm học mới, trước việc hàng triệu học sinh không có máy tính để học trực tuyến, Chính phủ đã phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em”, nhằm đảm bảo cho các em học sinh, nhất là học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn có điều kiện học tập, bình đẳng trong tiếp cận kiến thức.
Nhằm giảm thiểu tối đa số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản do tác động bởi dịch bệnh, mới đây, Chính phủ ban hành Nghị quyết 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp với mục tiêu tập trung khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, sớm đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới.
Trước những khó khăn xen lẫn bất cập trong quá trình thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh, lần đầu tiên UBND TP HCM đã tham dự các chương trình livestream “Dân hỏi – TP trả lời”. Tại các buổi hỏi - đáp được đánh giá là kịp thời, gần dân, “nghe dân nói và nói để dân hiểu”, rất nhiều nội dung đã được những cán bộ đứng đầu chính quyền và các sở, ngành chia sẻ chân thành, cởi mở, giúp người dân an tâm và thêm tin tưởng vào những chủ trương của Đảng, Chính phủ và TP trong phòng chống dịch.
Đây không chỉ là một việc làm để an dân mà còn để mỗi cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước thực hiện đúng lời hứa trước cử tri, trước nhân dân đã tin tưởng giao trọng trách cho mình. “Đến giờ này, tôi đang tập trung thực hiện lời hứa của mình, cùng với hệ thống chính trị TP triển khai kế hoạch phòng chống dịch trên địa bàn”, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi khẳng định trong một chương trình.
Những việc làm nghĩa cử
Để hạn chế tối đa số ca tử vong, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, chủ trương với các biện pháp hữu hiệu, như tập trung mọi nguồn lực, trang thiết bị để cứu chữa người bệnh; các trường hợp cấp cứu thì nhập viện trước, làm thủ tục sau…
Khi có những ca bệnh tử vong vì dịch COVID-19 mà thân nhân của người xấu số chưa thể có mặt làm thủ tục, trên tinh thần “nghĩa tử là nghĩa tận”, TP HCM đã có việc làm mang lại nhiều xúc động khi đứng ra lo hậu sự một cách chu đáo nhất cho người qua đời, từ quá trình khâm liệm, hỏa táng đến các nghi thức tâm linh với một quyết tâm rất nhân văn: Không để gia đình nào vì khó khăn mà không lo được chuyện hậu sự cho người thân.
Trong hoàn cảnh dịch bệnh, cùng với việc đưa từng gói lương thực, thuốc men đến từng hộ dân gặp khó khăn, bất chấp nguy hiểm của dịch bệnh, lực lượng Quân đội còn gánh vác thêm trọng trách lo hậu sự cho người mất vì COVID-19. Đây chính là việc làm xuất phát từ mệnh lệnh của trái tim, là nghĩa cử thiêng liêng của người chiến sĩ với đồng bào trong cơn hoạn nạn, bởi suy cho cùng thì lực lượng Quân đội đều từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu.
Trao gói quà an sinh đến các hộ gia đình gặp khó khăn. |
Những việc làm trên đã minh chứng rằng, Đảng, Nhà nước đang làm tất cả những gì có thể để với tinh thần lắng nghe và thấu hiểu. Dù đất nước còn nghèo, nguồn lực còn hạn chế nhưng trong mọi quyết sách, Đảng và Nhà nước luôn đặt lợi ích, sức khỏe và tính mạng của người dân ở vị trí trung tâm.
Ban hành chính sách là chưa đủ, kiểm tra xem các chính sách ấy đi vào thực tế ra sao, người dân có được thụ hưởng đầy đủ hay không mới là vấn đề thực chất. Bởi vậy, Thủ tướng đã nhiều lần xuống tận cơ sở, những nơi đang thực hiện giãn cách, để được mắt thấy, tai nghe đời sống nhân dân đang diễn ra như thế nào. Nhiều lần Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại nhiều địa phương có dịch bệnh.
Hình ảnh vị Thủ tướng với tấm áo ướt đẫm mồ hôi, không quản ngại thời tiết nóng nực, dịch bệnh nguy hiểm, đi vào từng con ngõ nhỏ để hỏi han từng người dân đã nói lên rất nhiều điều về một Chính phủ hành động, quyết liệt, vì dân. Qua các chuyến thị sát cũng cho chúng ta thấy tinh thần làm việc của người đứng đầu Chính phủ luôn lắng nghe tiếng nói từ thực tiễn, từ đó phát hiện những vấn đề còn tồn tại, biết cán bộ nào đang ra sức làm việc, cán bộ nào chưa thực sự vào cuộc để kịp thời chấn chỉnh.
Cuộc chiến phòng chống dịch bệnh COVID-19 bùng phát lần thứ 4 vẫn còn những cam go, vất vả. Nhưng với tinh thần “gần dân, sát dân, lắng nghe dân, đảm bảo quyền lợi cho nhân dân”, tin rằng các quyết sách của Đảng và Nhà nước không chỉ giúp an dân mà từng bước đưa đất nước vượt qua các thời điểm đầy khó khăn, nguy hiểm, dần trở lại trạng thái bình thường mới.
Gần hai năm qua là những ngày không ngừng nghỉ của các cấp chính quyền, của hàng trăm nghìn bác sĩ, nhân viên y tế, các chiến sĩ quân đội, công an, các cán bộ cơ sở… đã gác lại cuộc sống riêng, không quản khó khăn, nguy hiểm, đi vào khắp mọi “vùng đỏ” chống dịch. Trong thư gửi lực lượng tuyến đầu ngày 2/8/2021, Thủ tướng đã nhấn mạnh: “Tôi cảm nhận được tinh thần của những phong trào “3 sẵn sàng”, “3 đảm đang”, “5 xung phong” của những năm xưa như càng lan tỏa mạnh mẽ hơn trong lực lượng tuyến đầu chống dịch… Các anh, các chị luôn sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì”.