Báo cáo cho thấy, bất chấp những biến động ngày càng phức tạp trên thị trường quốc tế, niềm tin của các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam vẫn được duy trì vững vàng. Trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu tiếp tục leo thang và chuỗi cung ứng đối mặt với nhiều áp lực rủi ro, cộng đồng doanh nghiệp châu Âu vẫn ghi nhận rõ năng lực phục hồi của Việt Nam.
Các phản hồi từ khảo sát BCI quý này ghi nhận mối quan tâm sâu sắc của doanh nghiệp đối với những diễn biến liên quan đến chính sách thuế quan. Nhiều doanh nghiệp nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh hiện nay, đây là yếu tố cần được theo dõi sát sao và phân tích kỹ lưỡng nhằm ứng phó kịp thời với các thay đổi chính sách quốc tế.
Đáng chú ý, theo báo cáo, dù các lãnh đạo doanh nghiệp ngày càng thận trọng trước làn sóng bất ổn thương mại toàn cầu, phần lớn vẫn chưa ghi nhận những ảnh hưởng tài chính đáng kể trong thực tế. Theo đó, 70% doanh nghiệp tham gia khảo sát không ghi nhận tác động tài chính cụ thể nào, trong khi 5% thậm chí báo cáo mức lợi nhuận ròng tích cực tính đến thời điểm khảo sát.
Báo cáo cũng cho thấy, những nỗ lực tạo thuận lợi thương mại đang từng bước củng cố nền tảng niềm tin cho nhà đầu tư. Niềm tin dài hạn đang được nâng cao khi 78% số doanh nghiệp tham gia khảo sát kỳ vọng điều kiện kinh doanh sẽ cải thiện trong vòng 5 năm tới, tăng 7 điểm phần trăm so với Quý I. Mức tăng này cho thấy sự tin tưởng bền bỉ vào triển vọng tăng trưởng có cấu trúc của Việt Nam, ngay cả khi bối cảnh ngắn hạn vẫn còn nhiều bất định.
Ông Thue Quist Thomasen – CEO của Decision Lab, phân tích: “Tỷ lệ doanh nghiệp tin tưởng vào sự ổn định kinh tế trong Quý III/2025 đã giảm nhẹ xuống còn 50%, giảm 8 điểm phần trăm so với quý trước. Tuy nhiên, sự điều chỉnh này không đồng nghĩa với xu hướng bi quan gia tăng. Thay vào đó, nó phản ánh kỳ vọng thận trọng của doanh nghiệp trong bối cảnh quốc tế phức tạp và biến động khó lường. Phần lớn doanh nghiệp không dự đoán tình hình sẽ xấu đi - chỉ 11% dự báo triển vọng ảm đạm, tăng nhẹ 1 điểm phần trăm – cho thấy đây là một giai đoạn 'tạm dừng để quan sát'.”.
Tâm lý "chờ đợi và quan sát" cũng được thể hiện rõ qua dữ liệu khảo sát khi 39% doanh nghiệp giữ quan điểm trung lập trong ngắn hạn, trong khi 43% đánh giá triển vọng kinh doanh là “tốt” hoặc “xuất sắc”.
Dù môi trường kinh doanh vẫn tồn tại những bất ổn nhưng theo đánh giá của EuroCham, khả năng phục hồi tiếp tục là điểm sáng. Tăng trưởng kinh tế ổn định, lực lượng lao động trẻ và năng động, cùng mạng lưới các hiệp định thương mại tự do đang mở rộng, tiếp tục củng cố niềm tin vào sức hút dài hạn của Việt Nam.
“Các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam vẫn giữ vững niềm tin vào môi trường đầu tư nơi đây” - Chủ tịch EuroCham, ông Bruno Jaspaert chia sẻ. Cụ thể, gần ba phần tư lãnh đạo doanh nghiệp (khoảng 72%) cho biết họ sẵn sàng giới thiệu Việt Nam là điểm đến đầu tư - một xu hướng nhất quán qua những kỳ BCI gần đây. “Xu hướng này chứng tỏ một niềm tin sâu sắc đặt vào tiềm năng dài hạn của nền kinh tế Việt Nam" - ông Bruno Jaspaert nhận định.