Doanh nghiệp đấu giá tài sản “lép vế” ở Lâm Đồng

(PLVN) - Tại Lâm Đồng có 3 doanh nghiệp bán đấu giá tài sản nhưng hơn 1 năm chỉ thực hiện được 3 cuộc, còn lại do Trung tâm đấu giá tài sản tỉnh thực hiện.
Ảnh minh hoạ.

Thống kê của Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng, trên địa bàn có 4 tổ chức đấu giá tài sản gồm 1 Trung tâm đấu giá tài sản và 3 doanh nghiệp bán đấu giá tài sản với 12 đấu giá viên.

Từ ngày 1/1/2022 đến 28/2/2023, doanh nghiệp đấu giá tài sản thực hiện 3 cuộc, số còn lại chủ yếu do Trung tâm đấu giá tài sản tỉnh thực hiện (1 công ty đấu giá không có việc, 1 công ty đấu giá tạm ngừng hoạt động).

Số cuộc đấu giá thành năm 2022 và 2 tháng đầu năm 2023 là 192 cuộc (giảm 9 cuộc so với năm 2021) với giá khởi điểm là gần 148 tỷ đồng; tổng giá bán thành là gần 173 tỷ đồng, tăng hơn 25 tỷ đồng so với giá khởi điểm.

Khó khăn trong lĩnh vực đấu giá tài sản theo Sở Tư pháp Lâm Đồng là đối với đấu giá tài sản Thi hành án rất khó để kiểm tra tính chính xác các tài sản liệt kê, việc bàn giao tài sản thường chậm, khó khăn. Ngoài ra, nhiều tài sản mua trúng đấu giá nhưng không đăng ký biến động được hoặc thời gian thực hiện rất lâu có thể từ 1 đến 2 năm nên dẫn đến khách hàng ngại mua tài sản thi hành án, tài sản phải giảm giá nhiều lần.

Hơn nữa, còn doanh nghiệp đấu giá tư nhân gặp khó khăn do thù lao đấu giá thấp, khó có thể bù đắp chi phí trong hoạt động kinh doanh.

Để khắc phục tình trạng trên, Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét cơ chế đặc thù khi đăng ký biến động đối với tài sản thi hành án theo hiện trạng thực tế. Đăng ký biến động theo kê biên hiện trạng và hoạ đồ đo vẽ. Cơ quan thi hành án tiến hành đo vẽ cần ký biên bản giáp ranh và sử dụng hoạ đồ đo vẽ của cơ quan thi hành án để đăng ký biến động cho người mua trúng đấu giá.

Ngoài ra, cần ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan trong quá trình kê biên tài sản đến đấu giá tài sản, bàn giao tài sản cho người trúng đấu giá đến hoàn thành các thủ tục đăng ký biến động cho người mua trúng đấu giá.

Đọc thêm