Doanh nghiệp dệt may xoay xở vượt khó

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Nhà máy xuất hiện F0, công nhân nghỉ việc vì không chấp nhận ăn ngủ tại chỗ… là những khó khăn khiến kế hoạch sản xuất, giao hàng của doanh nghiệp ngành may trong vùng dịch bị xáo trộn, thiệt hại kinh tế đáng kể.
May Đáp Cầu đã phải dừng sản xuất 2 nhà máy tại tâm dịch Bắc Ninh.
May Đáp Cầu đã phải dừng sản xuất 2 nhà máy tại tâm dịch Bắc Ninh.

Theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), sau 3 làn sóng dịch COVID-19 đã chống đỡ thành công, tới đợt dịch thứ tư này, một số doanh nghiệp ngành may ở Bắc Ninh và Đà Nẵng đã xuất hiện F0, dù các doanh nghiệp dệt may (DNDM) đã tiến hành thắt chặt các biện pháp phòng dịch ngay khi làn sóng thứ tư xuất hiện, đặc biệt với các nhà máy, xưởng sản xuất nằm trong tâm dịch Bắc Ninh, Bắc Giang...

Cụ thể, tại xưởng sản xuất của May Đáp Cầu trú đóng ở Bắc Ninh đã tăng cường một loạt các nội dung kiểm soát, bao gồm thiết lập Tổ công tác chống COVID-19 do Chủ tịch và Phó Chủ tịch Công đoàn các đơn vị chịu trách nhiệm.

“Tuy nhiên, không may khi một công nhân có vợ là F0. Chúng tôi đã cho cả tổ sản xuất có công nhân là F1 nghỉ làm việc, đi xét nghiệm và cách ly. Sau đó F1 chuyển thành F0, cả tổ sản xuất trở thành F1. Chúng tôi cho phun khử khuẩn toàn bộ khu vực sản xuất, xét nghiệm toàn bộ 1.500 công nhân tại nhà máy ở Đáp Cầu…”, ông Lương Văn Thư - Chủ tịch HĐQT May Đáp Cầu chia sẻ.

Dù nằm trong tâm dịch nhưng do áp dụng đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch, May Đáp Cầu vẫn sản xuất tốt cho đến khi có Chỉ thị 56 của tỉnh Bắc Ninh, yêu cầu các doanh nghiệp phải thực hiện cách ly, cho công nhân ăn nghỉ, làm việc tại chỗ để phòng COVID-19 lây lan.

Trước thực tế này, một số người lao động không đồng thuận vì họ sinh sống ngay cạnh nhà máy. Nhiều người đã quyết định nghỉ, không đi làm và doanh nghiệp không thể vận động họ đến sản xuất được.

“Nếu chúng tôi để họ đi về khi hết giờ làm thì vi phạm Chỉ thị 56. Camera gắn khắp nơi, ở cổng nhà máy, các đường đi, chúng tôi không cách nào tổ chức sản xuất được dù 50% công nhân May Đáp Cầu đã được tiêm phòng vắc xin ”, ông Thư chia sẻ.

Cũng theo ông Thư, kể cả khi công nhân chấp nhận “ăn ngủ tại chỗ” thì với tình hình thực hiện giãn cách, cũng chỉ được chưa tới 50% cơ số máy hoạt động, chỗ ăn ngủ cho người lao động cũng không đủ...

Bên cạnh đó, nếu người lao động đi làm thì phải được xét nghiệm PCR hai lần âm tính mới đủ điều kiện. Ngoài ra, trong thời gian đi làm, mỗi tuần phải làm xét nghiệm PCR một lần. Chi phí xét nghiệm khá đắt và do doanh nghiệp chi trả.

“Nếu sản xuất trong điều kiện như vậy thì không hiệu quả, nên cực chẳng đã chúng tôi buộc phải dừng sản xuất từ ngày 18/5 đối với nhà máy ở Thị Cầu, Đáp Cầu và từ ngày 2/6 thì dừng nhà máy ở Yên Phong”, đại diện May Đáp Cầu cho biết thêm.

Trong trường hợp cuối tháng 6 này, mọi thứ yên ổn, tổ chức sản xuất lại được thì DN may nói trên may ra mới trụ lại được. Theo cập nhật mới nhất, ngày 16/6, huyện Yên Phong đã nới lỏng giãn cách xã hội. Như vậy, nhiều khả năng, May Đáp Cầu sẽ sớm hoạt động bình thường trở lại.

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Vinatex phân tích, năm 2020, khi cả thế giới bị tấn công bởi đại dịch, nhu cầu ngừng lại, người mua không nhận hàng thì DNDM đã gặp khó khăn. Sang năm 2021, khó khăn còn chồng chất, phức tạp hơn khi các hợp đồng kinh tế đã xác định thời gian giao hàng và trách nhiệm của nhà sản xuất.

Do đó, việc dừng sản xuất, chậm giao hàng, dù là do yếu tố khách quan thì vẫn phải thương lượng kỹ với bên mua để giảm thiểu thiệt hại cho cả hai phía. Ví dụ, khi sản xuất chậm, phải đổi phương thức vận chuyển hàng từ đường thủy sang đường hàng không thì doanh nghiệp chắc chắn lỗ đơn hàng đó.

Đọc thêm