Giá trị của thương hiệu
880 tỷ USD là định giá thương hiệu Apple năm 2023. Ông lớn công nghệ này tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng các thương hiệu giá trị toàn cầu do Kantar BrandZ công bố. Điều đó cho thấy thương hiệu có ý nghĩa, khác biệt và nổi bật là những thương hiệu mạnh có thể vượt qua sự suy thoái kinh tế toàn cầu.
Cách đây gần 4 thập kỷ, vào năm 1988, lần đầu tiên khái niệm tài sản thương hiệu (Brand Equity) được chính thức liệt kê trong danh mục kiểm toán của một công ty Anh quốc và chiếm tới 59% tổng tài sản hiện có của công ty đó. Sau đó, bậc thầy thương hiệu người Mỹ David Aaker đã đưa ra ra mô hình tài sản thương hiệu và mô hình xây dựng bộ nhận diện thương hiệu.
Nhiều doanh nghiệp quyết định tái định vị thương hiệu khi đứng trước những giai đoạn phát triển mang tính dấu mốc. |
Theo David Aaker: “Tài sản thương hiệu là một tập hợp các tài sản vô hình gắn liền với tên và biểu tượng của một thương hiệu, nó góp phần làm tăng thêm hoặc giảm đi giá trị của một sản phẩm hoặc dịch vụ đối với công ty và khách hàng của công ty”.
Trong thời đại công nghệ 4.0, thương hiệu đóng vai trò vô cùng quan trọng trong chiến lược làm nên sự thành công của doanh nghiệp. Để thương hiệu trở thành tài sản, các công ty phải dày công xây dựng các trụ cột về lòng trung thành, nhận biết thương hiệu, chất lượng cảm nhận, liên tưởng thương hiệu và các giá trị tài sản khác.
Khi cái tên thương hiệu, biểu tượng, slogan, logo công ty và sản phẩm đã được khách hàng ghi nhớ, tức là công ty đã thành công trong việc gây dựng tài sản thương hiệu. Tuy nhiên, tài sản này không phải bất biến mà có tăng, có giảm.
Các chuyên gia marketing cho rằng, dù thành công đến mấy thì đến một thời điểm nhất định, thương hiệu của một doanh nghiệp cũng cần có sự thay đổi để phù hợp với chiến lược phát triển mới. Và lúc này, doanh nghiệp cần tái định vị thương hiệu để củng cố lòng trung thành và gia tăng độ nhận biết cho những thay đổi này.
Vì sao doanh nghiệp lại chuyển đổi thương hiệu?
Quay trở lại thời điểm 2007, khi viết nên lịch sử với chiếc iPhone đầu tiên, Apple Computer cũng chính thức công bố bỏ “Computer” trong tên thương hiệu vì định vị thương hiệu cũ đã không còn phù hợp. Hay như Starbucks Coffee cũng đổi tên thành Starbucks Corp khi công ty có thêm nhiều sản phẩm chứ không chỉ liên quan đến cà phê.
Ít người biết rằng Sony từng có cái tên rất dài Tokyo Telecommunication Engineering Corporation. Cái tên này đã được thay đổi khi công ty mở rộng lĩnh vực phát triển và vươn ra thế giới.
Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp cũng triển khai các chiến dịch tái định vị thương hiệu thu hút sự chú ý. Như Vincom có tên gọi mới Tập đoàn Vingroup; Công ty CP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal) chuyển đổi thành TTC Land; công ty Kinh Đô đổi thành Kido.
Những ngày đầu năm 2024, Tập đoàn đa ngành TNG Holdings Vietnam cũng chính thức công bố tên gọi mới là ROX Group cùng với bộ nhận diện thương hiệu mới. Đây là một phần trong chiến lược tái định vị thương hiệu của doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn trong thời khắc công bố thương hiệu ROX Group. |
Theo đó, ROX Group định vị mình là tập đoàn đầu tư đa ngành, tiên phong sáng tạo giá trị thuận ích cho cuộc sống thông qua hệ sinh thái Phát triển đô thị và Khu công nghiệp, Dịch vụ, Tài chính; uy tín về năng lực triển khai đại quy mô các dự án trong nước và quốc tế. Sứ mệnh của Tập đoàn trong giai đoạn phát triển mới là “Sáng tạo thuận ích”.
Tên gọi ROX có hai ý nghĩa. Thứ nhất, ROX có nghĩa là viên đá tảng - thể hiện sự chắc chắn mạnh mẽ, là nền móng mà doanh nghiệp được kế thừa sau gần 30 năm xây dựng từ những bước đi chập chững đầu tiên. Thứ hai, ROX có nghĩa là sự xuất sắc - thể hiện tinh thần luôn tiến bước, vượt mọi khó khăn, trở ngại để đạt đến đỉnh cao và sự hoàn mỹ.
Logo mới gồm tên thương hiệu ROX và bông hoa thuận ích được tạo bởi 4 chữ V màu vàng cam, tạo thành khung chữ nhật chắc chắn, hợp thành một thể thống nhất - vững mạnh - không thể tách rời.
Cùng với việc ra mắt thương hiệu mới của Tập đoàn, ROX Group cũng đồng loạt triển khai chiến lược thương hiệu mới cho các đơn vị thành viên. Như TNG Realty đổi tên thành ROX Living; TNCons Vietnam chuyển đổi thành ROX Cons Vietnam; TNG Asset thành ROX Asset; TNG Capital thành ROX Capital.
Với nhiều doanh nghiệp, trước đây việc đăng ký bảo hộ thương hiệu không được chú trọng. Tuy nhiên, trong thế giới 4.0, các thương hiệu và nhãn hiệu xuất hiện rất nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Điều này đặt ra bài toán cho các doanh nghiệp là làm sao phải khẳng định được dấu ấn thương hiệu của riêng mình.
Được biết, nguyên nhân quan trọng dẫn đến quyết định tái định vị thương hiệu của ROX Group là do không thể đăng ký bảo hộ thương hiệu ở những lĩnh vực đang đầu tư kể cả trong nước và quốc tế với tên TNG.
Đại diện ROX Group cho biết: Việc thay đổi tên gọi từ TNG Holdings Vietnam thành ROX Group thể hiện sự chuyên nghiệp hóa trong vấn đề bản quyền và bảo hộ thương hiệu nói riêng và chiến lược thương hiệu nói chung của doanh nghiệp trong bối cảnh kinh doanh mới. Thương hiệu mới là sự kết hợp của nền tảng quá khứ và sức mạnh hiện tại, của phát triển trường tồn và sáng tạo đổi mới.
Theo các chuyên gia, việc không bảo hộ được thương hiệu sẽ cản trở doanh nghiệp phát triển theo đường dài. Đây cũng là bài học cho các start-up: cần tạo lá chắn phòng hộ cho thương hiệu ngay từ giai đoạn khởi nghiệp trong môi trường cạnh tranh ngày càng quyết liệt.
Quá trình chuyển giao thương hiệu sẽ tạo ra một khoảng trống trong tâm trí khách hàng. Doanh nghiệp sẽ mất thêm nhiều thời gian và chi phí để lấp khoảng trống này. Tuy nhiên, nếu tính toán đường dài, việc tái định vị sẽ giúp các thương hiệu đi nhanh hơn và xa hơn trong thời đại 4.0.