Doanh nghiệp "quay cuồng" trong "cơn khát" vốn

Với hàng loạt DN giải thể, ngừng hoạt động hoặc phá sản cũng đã “thanh lọc” được một số DN không đủ khả năng nhưng đối với những DN đang trong “cơn nguy kịch”, các ĐBQH cho rằng, Chính phủ có thể tháo gỡ khó khăn thông qua điều hành lãi suất và tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn vay để “giải cứu” DN khỏi “cơn khát” vốn trong điều kiện khó khăn của nền kinh tế còn có thể kéo dài...

Giải quyết vốn vay cho DN là nhu cầu cấp thiết để kéo nền kinh tế về đà phát triển. NHNN đã quyết định giảm lãi suất huy động tiền gửi từ 14% xuống 11,2% nhưng nhiều ngân hàng vẫn chậm hạ lãi suất tín dụng, huy động vượt trần lãi suất và áp dụng lãi suất cho vay quá chênh lệch so với lãi suất tiền gửi khiến DN vẫn khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Bên ngoài các ngân hàng, tín dụng “đen” phát triển mạnh để “giúp” giải “cơn khát” vốn của DN trong tâm lý “chờ lãi suất hạ”. Tiếp được vốn cho DN trong điều kiện nền kinh tế khó khăn là vấn đề “nóng” không chỉ đối với DN mà của cả các tổ chức tín dụng, nhất là hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM).  

Dianh nghiệp Việt Nam đang rất khát vốn
Dianh nghiệp Việt Nam đang rất khát vốn
“Chết mòn” vì thiếu vốn
Một trong những nguyên nhân dẫn tới yếu kém nội tại đã tích tụ trong nhiều năm của nền kinh tế chính là việc các DN quá phụ thuộc vào vốn vay, có những DN vốn vay chiếm đến 70% cơ cấu vốn nên khi các ngân hàng thương mại (NHTM) “ngầm” dừng cho DN vay để xử lý nợ xấu (cùng nhiều nguyên nhân khác) đã khiến số lượng DN, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN), phải thu hẹp hoạt động, giải thể, ngừng hoạt động, phá sản gia tăng dẫn đến tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm, tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ đạt thấp…

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu: 

Nếu không hãm được số doanh nghiệp phá sản, còn nhiều mối lo khác

Trước con số DN phá sản, giải thể, ngưng hoạt động hiện đã lên tới 183.000 đơn vị trong tổng số 630.000 DN cả nước, vấn đề quan tâm nhất hiện nay là tìm cách phục hồi lại lực lượng DN, vì đó là lực lượng tạo ra của cải vật chất cho xã hội và điểm tựa của hệ thống ngân hàng. Nếu không kịp thời hãm đà tăng con số DN phá sản, giải thể thì sẽ kéo theo nhiều mối lo khác như tăng trưởng kinh tế sụt giảm, thất nghiệp gia tăng và đặc biệt là nợ xấu ngân hàng ngày càng lớn thêm.

Chiếm khoảng 90% số DN, các DNVVN đang phải “tự bơi” trong khó khăn với rào cản chủ yếu là không có vốn để đầu tư.

Tình trạng trên 53.792 DN ngừng sản xuất hoặc phá sản từ đầu năm 2012 là điều rất đáng lo ngại, dù đây mới là con số thống kê trong báo cáo của Chính phủ chứ có thể chưa phải số lượng trên thực tế. 

“Ôm” tiền khi thanh khoản tín dụng âm

Nghịch lý “DN thiếu vốn, còn ngân hàng “ôm” vốn không cho vay được” tồn tại bấy lâu nay và chưa thấy hy vọng giải quyết dứt điểm. Trong điều kiện khó, DN dù “khát” vốn nhưng không “hấp thụ” được vốn vay nên không dám vay; Ngân hàng muốn tăng thanh khoản nhưng lo ngại nợ xấu nên không dám cho vay. Trước nguy cơ nợ xấu và để bảo đảm an toàn, các NHTM (vốn cũng là DN) hiện chỉ “quan hệ” với “nhà giàu” là những DN có khả năng trả được nợ và buộc phải cẩn trọng, đưa ra nhiều tiêu chí nghiêm khắc để thẩm định hồ sơ vay vốn của DN. 

Ông Hán Bình Minh (Cty CP thương mại Tràng Tiền): 

Bao nhiêu tiền DN cũng muốn vay, nhưng không trông chờ nhiều lắm vào vốn vay của Ngân hàng vì hiện nay hầu như khả năng được vay là khó. Bên cạnh đó, Ngân hàng cho vay cũng không dám vay vì lãi suất cho vay theo qui định là 14-15% nhưng thực tế có thể cao hơn rất nhiều, thậm chí gấp đôi số tiền mà DN phải trả lãi. Có nhiều DN có phương án kinh doanh tốt, k có nợ xấu nhưng cũng không hào hứng đi vay vốn ngân hàng. Nên DN phải “tự cứu lấy nhau” bằng nhiều giải pháp như khai thác mặt bằng, phụ thuộc vào DN bạn… Thậm chí, DN có mặt bằng cũng không dám mang đi thế chấp để vay vốn ngân hàng, mà để cho thuê với giá thấp hơn nhằm bù lại những chi phí kinh doanh cần thiết trong giai đoạn khó khăn. Điều DNNVV cần nhất giai đoạn này là ân hạn, gia hạn nợ để DN có thời gian tự cứu mình, chứ không phải lo trốn “truy nã” khi đến hạn trả nợ. 

Nhưng trớ trêu là thậm chí, ngay cả khi được thế chấp tài sản (là tài sản cố định như nhà xưởng, máy móc…), nhưng khả năng thu hồi là “0” vẫn khiến hàng loạt ngân hàng chuẩn bị phá sản và được giải quyết bằng hình thức hợp nhất, giải thể, sát nhập.

Nợ xấu của hệ thống NHTM hiện ước tính khoảng 14% (chưa tính những khoản nợ của Vinashin, Vinalines) “đang đẩy quan hệ giữa ngân hàng và DN rơi vào thế: DN nhìn ngân hàng và “nuốt nước bọt”, còn ngân hàng thì gầm ghè, nghi ngờ DN” như nhận xét của TS.Lê Xuân Nghĩa (Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia). 

Từ đầu năm đến nay, dư nợ tăng trưởng âm, lãi suất liên ngân hàng thấp nhất trong nhiều năm. Đó không phải là tín hiệu tốt cho sự phát triển của nền kinh tế nói chung và các DN nói riêng. Nên giải pháp quan trọng ở thời điểm này là kích cầu, chứ không phải kích cung mới cứu được nền sản xuất, DN – các chuyên gia kinh tế đề xuất.
Chính sách lại… “nằm im”
Những giải pháp tích cực điều chỉnh kênh tín dụng để vốn đề tay người ưu tiên, gói hỗ trợ 29.000 tỷ đồng cho DN thông qua thuế đã được Chính phủ đưa ra (trong Nghị quyết 13-NQ/CP) để giúp DN duy trì hoạt động, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, kích cầu tiêu dùng để giải quyết hàng tồn kho…
Chưa có thống kê chính thức bao nhiêu DN “hy sinh” vì lý do cơ chế, chính sách nhưng theo ĐB Lê Phước Thanh (Quảng Nam), “cơ chế, chính sách bất ổn nên có những vấn đề xảy ra năm này qua năm khác mà không giải quyết được ổn thỏa”. 
Thực tế, việc ban hành các chính sách cho các DN mới chỉ thông qua quá trình điều hành, mà chưa lấy ý kiến của DN. Trong khi, nhiều DN không muốn “vạch áo cho người xem lưng” nên chưa công khai hết những khó khăn, thậm chí còn che giấu khuyết điểm cho đến khi nền kinh tế gặp khó khăn mới bộc lộ ra khiến hậu quả nghiêm trọng hơn nên có nhiều chính sách được ban hành nhưng DN hầu như không được thụ hưởng.
Gần đây nhất, chính sách cho DN vay vốn với lãi suất ưu đãi nhưng DN cần hỗ trợ vì không đáp ứng được các điều kiện ngặt nghèo để được vay vốn với lãi suất ưu đãi của các ngân hàng nên vẫn phá sản hàng loạt, trong khi có nhóm DN lại tiếp cận nguồn vốn dễ dàng với sự giúp đỡ của “cò” tín dụng. Chính phủ “cứu” DN bằng chủ trương giãn nợ, cơ cấu lại các khoản nợ cho DN có khả năng trả nợ đang gặp khó khăn, nhưng khi tính toán “lãi lời” các NHTM đã “lờ đi” không triển khai, nếu bị tra vấn thì đưa ra lý do “chưa có hướng dẫn” khiến DN chỉ còn biết “khóc”.
Hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động của DN vốn đã thiếu rõ ràng lại quá nhiều do “tốc độ “đẻ” VB quá nhanh khiến DN phải “è cổ” chạy theo để thực hiện còn bản thân DN cũng chưa quan tâm tìm hiểu thấu đáo về các cơ chế, chính sách liên quan nên việc bỏ qua những cơ hội hưởng hỗ trợ hay thực hiện đúng các qui định.
Lỗi “tại anh tại ả” đó khiến cho các chính sách thường khập khiễng và hình thức khi “đương đầu” với thực tiễn. Theo các ĐBQH, để duy trì, khuyến khích sản xuất kinh doanh của các DN để kích cầu, tăng sức mua, giải quyết tồn đọng, ổn định kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, bảo đảm an sinh xã hội, cần tạo điều kiện và tăng cường đối thoại giữa DN với Chính phủ trước khi ban hành chủ trương, chính sách có liên quan đến hoạt động của DN; tăng cường công tác thông tin, truyền thông các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để DN nắm bắt thông tin kịp thời, không bỏ lọt những cơ hội được hỗ trợ.
Với hàng loạt DN giải thể, ngừng hoạt động hoặc phá sản cũng đã “thanh lọc” được một số DN không đủ khả năng nhưng đối với những DN đang trong “cơn nguy kịch”, các ĐBQH cho rằng, Chính phủ có thể tháo gỡ khó khăn thông qua điều hành lãi suất và tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn vay để “giải cứu” DN khỏi “cơn khát” vốn trong điều kiện khó khăn của nền kinh tế còn có thể kéo dài.
Điều quan trọng là khi hỗ trợ các DN, cần rà soát, đánh giá, phân loại từng loại DN để tạo điều kiện cho vay hay giãn nợ, ưu tiên giúp DN tiếp tục phát triển sản xuất. Đồng thời, cho dừng hoạt động các DN yếu kém, chỉ đạo kiên quyết để các DNNVV có khả năng tiếp cận vốn vay của ngân hàng, đặc biệt là các DN sử dụng nhiều lao động…
Hương Giang

Đọc thêm