Theo đại diện Tổng cục Hải quan, Hiệp định cơ bản được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 9 tại Indonesia và năm 2015 Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn tham gia. Hiệp định TF đặt ra các tiêu chuẩn thuận lợi hóa thương mại rõ ràng, thống nhất, toàn diện theo các chuẩn mực quốc tế.
Do đó khi thực hiện sẽ tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các cam kết liên quan đến tạo thuận lợi thương mại khác trong Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đang và sẽ thực hiện như Hiệp định Thương mại tự do ASEAN (AFTA), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (VN-EAEU FTA), Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP)...
Hiệp định TF gồm 3 phần chính với 24 điều. Trong đó, Phần II quy định các điều khoản về đối xử đặc biệt và khác biệt đối với các quốc gia thành viên đang phát triển và kém phát triển, bao gồm cả vấn đề hỗ trợ kỹ thuật cho các thành viên đang và kém phát triển để thực hiện các cam kết của Hiệp định.
Các cam kết được phân thành 3 nhóm: Nhóm A là cam kết thực hiện ngay khi Hiệp định TF có hiệu lực; Nhóm B là các cam kết thực hiện sau một thời gian chuẩn bị; và Nhóm C là các cam kết thực hiện sau một thời gian chuẩn bị và có sự hỗ trợ kỹ thuật.
Việt Nam đã thông báo cho WTO 15 cam kết Nhóm A (thực hiện ngay khi Hiệp định TF có hiệu lực) và đang rà soát 25 cam kết còn lại để phân loại vào các Nhóm B, C.
Theo Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Hải quan) Nguyễn Toàn, Hiệp định TF mang lại rất nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp và Nhà nước. Nổi bật là Hiệp định TF sẽ thúc đẩy và tạo thuận lợi cho hoạt động vận chuyển, thông quan, giải phóng hàng hóa xuất nhập khẩu, thủ tục quá cảnh tại các cửa khẩu.
Mặt khác, sau khi phê chuẩn, Việt Nam có cơ hội nhận được và sử dụng các hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức quốc tế, các cơ quan hải quan nước ngoài để thực hiện Hiệp định. Các hỗ trợ này sẽ góp phần vào công cuộc cải cách và hiện đại hóa của ngành Hải quan nói riêng và cải cách thủ tục tại biên giới nói chung, góp phần vào sự chuyển biến tích cực của nền kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài.
Nói cách khác, việc phê chuẩn và triển khai Hiệp định góp phần đẩy mạnh tiến trình thực hiện cải cách thể chế và cải cách hành chính, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan theo tiêu chuẩn quốc tế.
Có điều, trong điều kiện một nước đang phát triển, hệ thống pháp luật chưa thật hoàn thiện, số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tỷ trọng nhiều (trên 90%), tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại vẫn đang diễn ra thì việc áp dụng hiệu quả các biện pháp tạo thuận lợi thương mại nói chung và các cam kết tạo thuận lợi thương mại của Hiệp định TF thực sự là một thách thức không nhỏ.
Hơn nữa, cơ chế phối hợp giữa các đơn vị, giữa các bộ, ngành, địa phương tham gia quản lý hoạt động xuất nhập khẩu chưa thật tốt, ảnh hưởng tới các nỗ lực tạo thuận lợi thương mại...
Vì vậy, Bộ Tài chính sẽ sớm xây dựng lộ trình thực hiện Hiệp định, trong đó nhấn mạnh tập trung phổ biến danh sách cam kết Nhóm A và triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung của Hiệp định tới các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, cá nhân, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp và khuyến khích sự tham gia của tổ chức, cá nhân và cộng đồng doanh nghiệp trong việc triển khai thực hiện Hiệp định.