Ngay khi câu chuyện mua bán, sáp nhập DN viễn thông mở ra, nỗi lo độc quyền lại tái hiện…
|
Ảnh minh họa |
Thị trường viễn thông mang màu sắc nhà nước
Theo TS. Mai Liêm Trực, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Bưu điện, qua giai đoạn độc quyền, sau 10 năm thực hiện giai đoạn cạnh tranh, thị trường viễn thông Việt Nam đã có sự "thay da đổi thịt" thể hiện qua mức độ phổ cập dịch vụ cao và giá cước ở mức thấp trên thế giới.
Tuy nhiên, trong 2 năm gần đây (2010 - 2011), thị trường viễn thông đã bộc lộ nguy cơ của sự phát triển không bền vững, có thể gây thiệt thòi cho người tiêu dùng và nhà nước. Sự đầu tư của các DN viễn thông đã có hạn chế do khủng hoảng kinh tế, ảnh hưởng tới chất lượng mạng và dịch vụ. Các DN mới ra đời hoạt động rất khó khăn và có nguy cơ phá sản.
“Hiệu quả quản lý và đầu tư viễn thông còn có những hạn chế nhất định khi hầu hết các DN lớn đều là DN nhà nước, hơn 90% tài sản của mạng viễn thông Việt Nam đều của nhà nước. Như thế chưa thể có sự cạnh tranh thực sự”, TS. Mai Liêm Trực nói.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cũng cho rằng, thị trường viễn thông Việt Nam chưa cạnh tranh đúng nghĩa vì lực lượng chủ đạo vẫn là DN nhà nước. Vì thế, quá trình sáp nhập, cải tổ sẽ rõ nét “màu sắc” của nhà nước. Ví dụ việc sáp nhập EVN Telecom vào Viettel vừa qua là quyết định, ý chí của nhà nước. “Bởi khi thị trường chưa thực sự cạnh tranh thì khó có thể bình luận về việc quyết định của nhà nước phải phù hợp với cơ chế thị trường” – ông Hưng nói.
Lúc này, thị trường viễn thông Việt Nam đang bước sang giai đoạn thứ 3, đưa Internet băng rộng, đưa CNTT vào mọi ngõ ngách của đời sống, các cá nhân, để viễn thông không chỉ là chuyện nghe – gọi, mà có tác động sâu rộng tới mọi ngóc ngách cuộc sống.
Việt Nam hiện nay có quá nhiều DN viễn thông, dẫn đến việc sử dụng tài nguyên tần số, kho số gặp nhiều khó khăn. "Bản thân cơ quan nhà nước có đôi lúc loạng choạng, hơi bị động, không vững tay dẫn đến việc cấp phép cho nhiều DN viễn thông để rồi dẫn đến tình trạng lao đao, ảnh hưởng tới DN và người dân", TS Mai Liêm Trực nhận định. Theo ông, để khắc phục hiện trạng này, “nhà nước phải vững tay sắp xếp lại các DN viễn thông, thậm chí thu hồi lại một số giấy phép, chỉ duy trì khoảng 4 DN lớn chứ không thể để quá nhiều DN tồn tại như hiện nay”.
Tái cấu trúc, không tái diễn độc quyền
Một phương án được các chuyên gia đưa ra trong buổi Tọa đàm “Triển vọng viễn thông Việt Nam 2012" diễn ra mới đây, là, các cơ quan quản lý nên tính đến phương án cổ phần hoá DN, ví dụ, ngoài Viettel nên để 100% nhà nước (do liên quan đến an ninh quốc phòng), các DN khác nhà nước chỉ nên chiếm 51%. Điều này cũng phù hợp với cam kết gia nhập WTO, phía Việt Nam có thể chiếm cổ phần khống chế 51% so với DN quốc tế.
Lấy ví dụ trường hợp VNPT bị bắt buộc phải giải bài toán hợp nhất hoặc cổ phần hoá 2 mạng VinaPhone và MobiFone để tuân thủ quy định về vốn chủ sở hữu theo Nghị định 25 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho biết: "Nghị định 25 thể hiện mong muốn của nhà nước tạo thị trường lành mạnh, không để xảy ra hiện tượng độc quyền DN.
Có thể lúc này VNPT cảm thấy khiên cưỡng với Nghị định 25 nhưng nhìn chung thì Nghị định 25 phù hợp với thị trường. Cần có thời gian để xem xét kỹ hơn việc tái cấu trúc VNPT sao cho phù hợp". Ông Hưng cho hay, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục tham mưu với Chính phủ để hướng tới xây dựng một thị trường viễn thông cạnh tranh hơn, cương quyết cổ phần hoá các DN nhà nước để có thị trường viễn thông cạnh tranh thực sự.
Dưới góc độ DN, ông Bùi Quốc Việt – Giám đốc Trung tâm Thông tin và Quan hệ công chúng của VNPT - cho rằng, việc cấu trúc lại DN xảy ra cuối năm 2011 là theo quy luật buộc phải xảy ra, bởi vì nếu tiếp tục duy trì thì DN sẽ phá sản. Một vấn đề được đặt ra, ai sẽ là người thực hiện việc cấu trúc DN, nếu DN năng động thì sẽ tự làm, còn DN yếu hơn sẽ phải chờ nhà nước. Về vấn đề thoái vốn, sáp nhập hay cổ phần hoá VinaPhone và MobiFone, VNPT sẽ tìm ra phương án bảo toàn DN hoặc tự định đoạt để tiếp tục phát triển.
Lúc này, Viettel chiếm 36,72% thị phần, MobiFone chiếm 29,11% và VinaPhone chiếm 28,71% thị phần. Ông Lê Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam băn khoăn: “Nếu trong 3 “ông lớn” biến mất 1 “ông”, chỉ còn lại 2 thì về lý thuyết, tính cạnh tranh của thị trường sẽ giảm đi. Sẽ có rủi ro là 2 “ông” bắt tay nhau để quyết định thị trường”.
Hồng Vân