Doanh nghiệp xuất khẩu cần thêm trợ lực

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế định hướng xuất khẩu (XK). Do đó, các chính sách cho doanh nghiệp (DN) XK cần so sánh và tiệm cận với các quốc gia tương đồng. Đó là kiến nghị của các DN, ngành hàng hiện đang chiếm tỷ trọng XK lớn của Việt Nam.
Doanh nghiệp xuất khẩu cần thêm trợ lực để tăng sức cạnh tranh. (Ảnh minh họa: PV)
Doanh nghiệp xuất khẩu cần thêm trợ lực để tăng sức cạnh tranh. (Ảnh minh họa: PV)

Cần chính sách tương đồng với các thị trường cạnh tranh

Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế định hướng XK. Từ giai đoạn đổi mới đến nay, XK hàng hoá luôn là động lực tăng trưởng quan trọng của đất nước, với tốc độ tăng trung bình gần 15%/năm. Theo các DN, hiệp hội, kết quả này là từ một phần chính sách ưu đãi của Nhà nước và các cuộc cải cách thủ tục hành chính. Tuy nhiên, hiện nay, thế giới đang có nhiều thay đổi, các quốc gia đang tìm mọi cách để phục hồi kinh tế nên các chính sách phát triển cũng mở hơn. Do đó, Việt Nam cần phải nhìn sang các nước để từ đó thích ứng và có những chính sách phù hợp.

Ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho rằng cần tiếp cận chính sách tiền tệ theo phương pháp so sánh và đối chiếu với các quốc gia cạnh tranh khác, để xem xét ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của ngành. Ông nêu ví dụ cụ thể về tương quan tỷ giá hối đoái giữa nội tệ các nước nằm trong Top 5 XK dệt may của thế giới. Theo đó, trong 2 năm 2022 - 2023, các quốc gia XK dệt may lớn như: Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ đều có xu thế đẩy mạnh XK.

Các quốc gia này sử dụng công cụ khá mạnh đó là “giảm giá đồng nội tệ để XK”. Trong đó, nước giảm giá đồng tiền tệ nhiều nhất là Thổ Nhĩ Kỳ (giảm 50%); tiếp theo là Banglades (giảm 21%), Trung Quốc giảm 11%, còn Việt Nam khoảng hơn 3%. “Đứng riêng về tương quan tỷ giá hối đoái, 2 năm 2022 - 2023, hàng dệt may của Việt Nam nói chung đã đắt so với các quốc gia trong Top 5 khoảng 15%. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến ngành XK dệt may giảm đến 10% và là nước giảm nhiều nhất trong Top 5 nước XK dệt may” - ông Trường nói.

So sánh tiếp về chính sách lãi suất và tín dụng, ông Trường cho biết, hiện nay lãi suất của các quốc gia ở mức 3,5%. Tại Việt Nam, các DN trong Vinatex có mức vay trung bình khoảng 7% với DN tốt và khoảng 9% đối với DN xấu. Riêng Banglades lãi suất khoảng 8% nhưng họ lại lạm phát trên 10%, nên xét về lãi suất thực dương thì Việt Nam đang là lãi suất thực dương nhất trong các nước XK dệt may.

Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam (Vasep) cũng vừa có văn bản kiến nghị xem xét giữ nguyên mức thuế giá trị gia tăng (GTGT) 0% cho dịch vụ XK để bảo đảm sự công bằng và năng lực cạnh tranh cho DN. Vasep thông tin, tại khoản 1 Điều 9 của dự thảo Luật Thuế GTGT sửa đổi, tất cả các dịch vụ XK sẽ áp dụng thuế GTGT 10% ngoại trừ một số dịch vụ được quy định chi tiết tại khoản này.

“Quy định trên chưa hợp lý bởi theo thông lệ quốc tế, các quốc gia khác đều áp thuế suất 0% cho dịch vụ XK và cho phép DN được hoàn thuế đầu vào. Đồng thời, các nước này thường áp dụng nguyên tắc DN tự khai, tự chịu trách nhiệm, cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm” - văn bản của Vasep nêu.

Hỗ trợ để tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp

Vasep cho rằng, việc kim ngạch XK hàng năm tăng ổn định, bên cạnh nỗ lực của DN còn có sự thúc đẩy từ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước như đơn giản hóa thủ tục hải quan đối DN chế xuất thông qua việc xem DN chế xuất là khu phi thuế quan, giúp DN giảm bớt quy trình, thủ tục hải quan, DN thực hiện xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khối lượng lớn một cách nhanh chóng. “Đây là cơ chế ưu việt, cạnh tranh và rất tốt của Chính phủ Việt Nam về thu hút đầu tư so với nước khác” - đại diện Vasep khẳng định.

Do đó, Vasep cho rằng, nếu áp dụng thuế GTGT đối với dịch vụ XK không những giảm sự cạnh tranh của sản phẩm XK mà còn tạo thêm nhiều thủ tục về thuế cho DN. Theo Vasep, đối với các DN XK, toàn bộ khoản thuế phải nộp sẽ tính vào chi phí. Điều này dẫn đến giá thành của sản phẩm XK bị đội lên rất nhiều. Chính sách thuế bất lợi sẽ khiến DN XK tại Việt Nam bị giảm sức cạnh tranh so với các đối thủ ở các quốc gia khác, dẫn tới giảm kim ngạch XK và từ đó không giữ chân được nhà đầu tư hiện tại cũng như không thu hút được nhà đầu tư mới.

Do đó, Vasep kiến nghị hàng hoá XK được hưởng thuế GTGT 0% và DN được hoàn thuế đầu vào. Mặc dù trong quá trình áp dụng, vẫn có tình trạng một số DN gian lận để trục lợi hoàn thuế, nhưng điều đó không thể phủ nhận ích lợi to lớn của chính sách thuế XK hàng hoá 0%.

Theo Chủ tịch Vinatex, hiện nay tất cả các ngân hàng đều cắt giảm hạn mức cho vay với công ty sợi hoặc yêu cầu có tài sản đảm bảo 100% với khoản vay ngắn hạn năm 2024. Năm 2022 tiếp cận vốn dễ, năm 2023 khó hơn; Đặc biệt cuối năm 2023, đầu năm 2024, khi xem xét hạn mức tín dụng 2024 đối với các DN ngành sợi rất khó khăn.

Ông Trường phân tích: “Nếu chúng ta giảm hạn mức thì nghe có thể an toàn về phương diện ngắn hạn nhưng thực ra mất an toàn về vốn dài hạn vì không sản xuất thì không có tiền trả vay dài hạn trước đây. Bên cạnh đó, ngành sợi cũng đang duy trì 150.000 lao động, tiền lương trả cho công nhân khoảng 1 tỷ đôla, đặc biệt ngành sợi dùng điện nhiều, 1 năm đang trả khoảng 500 triệu USD tiền điện”.

Do đó, Chủ tịch Vinatex kiến nghị cần có chính sách ưu đãi cụ thể hơn về tiếp cận vốn với ngành sợi bởi đây là nguyên liệu quan trọng của dệt may. “Nếu không có sự hỗ trợ của ngân hàng, chỉ đạo của Chính phủ và các Bộ, ngành thì chúng ta có thể mất đi ngành sợi…” - ông Trường nói.

Đọc thêm