Độc hành trên Tây Bắc

(PLO) -Có lẽ đối với những ai đã từng được tận mắt ngắm nhìn vẻ đẹp của vùng cao Tây Bắc mùa lúa chín thì ấn tượng về những mảng màu đầy mê hoặc và cảnh sắc diệu kỳ đó sẽ khó có thể quên trong suốt cuộc đời.
Độc hành trên Tây Bắc

Cung đường đi qua những vùng đất có ruộng bậc thang đẹp vào hàng bậc nhất của cả nước này tôi đã ấp ủ từ lâu và tự hứa với mình sẽ phải thực hiện bằng được.

Xuất phát

Cuối tháng 8 có một vài người bạn vốn chỉ quen đi du lịch theo tour ngỏ ý muốn tôi đứng ra tổ chức một chuyến đi bằng xe máy qua các tỉnh Tây Bắc, tôi đã lên một lịch trình chi tiết cho chuyến đi này.

Ban đầu họ tỏ vẻ rất hào hứng và gần như đã nhất trí sẽ tham gia cùng tôi, tuy nhiên đến phút cuối trước ngày lên đường, có vẻ như sự hào hứng đó không đủ mạnh để chiến thắng được rào cản kinh điển đó là "bận". Tôi vẫn quyết định bước vào hành trình với tư thế của "kẻ độc hành".

Một lá đơn xin nghỉ phép trong hai ngày, cộng với hai ngày nữa rơi vào thứ bảy, chủ nhật, tôi đã có được 4 ngày để thoải mái lên đường.

5h00 sáng ngày đầu tiên, cùng “chiến mã” FZ150i thân thuộc, tôi xuất phát theo hướng Đại lộ Thăng Long - Ba Vì - Đá Chông - cầu Đồng Quan - Thanh Thuỷ - Thanh Sơn - Thu Cúc. Ngày đầu thể lực, tinh thần còn đầy tràn nên tôi chạy một lèo hơn 130km tới thẳng ngã ba Thu Cúc - nơi rẽ trái sẽ là QL37 đi Phù Yên, Bắc Yên, còn chạy thẳng tiếp theo QL32 sẽ vượt đèo Khế sang đất Yên Bái. 

Nghỉ ngơi khoảng 10 phút tại ngã ba Thu Cúc, tôi tiếp tục lên đường, đi khoảng 20km thì trời xầm xì và đổ mưa. Cơn mưa không lớn nhưng cũng đủ ướt người buộc tôi phải dừng lại mặc áo mưa và cứ như vậy trời lúc mưa lúc tạnh cho tới tận khi tôi vào Thị xã Nghĩa Lộ.

Tới cổng chào Nghĩa Lộ trời có vẻ tạnh hẳn, tôi dừng lại cởi áo mưa và nhìn lên đồng hồ điện tử trên cổng chào, mới chỉ có 9h6. Tôi hơi ngạc nhiên vì không lẽ mình chạy nhanh vậy vì bình thường tôi đi rất thong dong điềm tĩnh, đặt an toàn lên hàng đầu. Lấy điện thoại ra kiểm tra lại thì đúng thật, đồng hồ trên cổng chào chậm gần 40 phút, lúc này chính xác đã là 9h45.

Qua Nghĩa Lộ lại tiếp tục là những con đường đèo hướng về Gia Hội, Tú Lệ, đường vắng vẻ và không khí thì trong lành, tôi tiếp tục nhẩn nha vừa đi vừa ngắm cảnh, đến 11h thì tới đất Tú Lệ. Tôi dừng lại lôi túi máy ảnh cất trong thùng ra đeo sẵn trên người để tiện ghi lại những cảnh vật trên đường, vừa lúc đó có một nhóm trẻ em đi học về, có lẽ thấy trang phục của tôi hơi lạ mắt (áo giáp moto dán phản quang, mũ cào cào) nên đám trẻ lại gần ngắm nhìn thích thú. Tôi giơ máy ảnh lên chụp vài tấm, chúng cười tươi và tạo dáng vui vẻ.

Tạm biệt lũ trẻ, tôi đi tiếp, dọc hai bên đường qua trung tâm Tú Lệ nhà cửa mọc san sát, rất nhiều hàng quán dịch vụ trong đó nhiều nhất là những cửa hàng kinh doanh gạo nếp và cốm - 2 đặc sản của vùng đất này. Trong chuyến đi Mù Cang Chải năm ngoái tôi đã được thưởng thức món xôi nếp Tú Lệ ăn với thịt lợn bản quay và mua cốm Tú Lệ mang về, phải nói rằng đó là những món ăn vô cùng đặc sắc. 

Qua Tú Lệ một đoạn, trên QL32 bên trái đường có một biểu tượng của huyện Mù Cang Chải, chỗ này thường được khách du lịch chụp ảnh, lúc tôi đến đó có một xe cũng vừa dừng lại, khách trên xe chắc của một cơ quan nào đó, cả nam nữ khoảng từ 30-40 tuổi bước xuống và nháo nhào hò nhau thay áo cờ đỏ sao vàng để chụp ảnh cho ra dáng dân phượt.

Đợi họ chụp và đi khỏi, tôi mới lại gần và quan sát thấy bên bậc thềm biểu tượng có một người phụ nữ dân tộc đang ngồi khâu áo, bên cạnh là một em bé luẩn quẩn chơi dưới chân.

Điểm đến tiếp theo của tôi là bản Lìm Thái - Lìm Mông dưới chân đèo Khau Phạ, có một con đường nhỏ đã được trải bê tông nằm ven QL32 nếu không để ý rất dễ đi qua, con đường này dẫn xuống thung lũng Cao Phạ qua bản Lìm Thái rồi lại dốc ngược lên các sườn núi để tới bản Lìm Mông ở trên cao.

Lìm Thái, Lìm Mông là cách gọi của người Kinh để phân biệt còn thực tế người dân ở đây gọi chung là bản Lìm, người Thái chọn vùng đất ở dưới thấp gần nguồn nước để định cư còn người Mông thường sống và canh tác cheo leo ở trên cao. 

Chạy xe chầm chậm trên con đường như sợi chỉ vắt qua thung lũng tôi hít thật sâu căng đầy phổi thứ không khí trong lành và mát lạnh. Đến lưng chừng con dốc tôi dừng lại, vị trí này có thể bao quát toàn cảnh thung lũng, lúa còn nhiều mảng xanh nhưng chính màu xanh vàng lại khiến tôi thấy thích thú.

Mùa vàng du lịch

Tôi chạy tiếp lên cao tới khi hết con đường bê tông tới đường đất khá trơn trượt và lầy lội, lúc này cũng đã 12h30 trưa, bụng hơi đói và nghĩ đến hành trình còn dài phía trước tôi quyết định không đi tiếp mà quay xe đi về Tú Lệ.

Ăn trưa nhanh gọn với bát phở bò, tôi chạy thẳng lên đèo Khau Phạ, đi qua một căn chòi có góc nhìn khá đẹp xuống thung lũng Cao Phạ tôi dừng lại và leo lên chụp ảnh. Căn chòi này do người dân dựng lên và họ thu vé 10 ngàn đồng/lượt cho khách muốn lên tham quan ngắm cảnh hay chụp ảnh.

Rời khỏi căn chòi, tôi hướng lên đỉnh đèo Khau Phạ, có lẽ nhờ vào cảnh quan hoành tráng mà Khau Phạ được xếp cùng “mâm” với Pha Đin, Ô Quy Hồ, Mã Pì Lèng để trở thành "Tứ đại đỉnh đèo", còn thực tế xét về độ khó của cung đường thì Khau Phạ không có gì đặc biệt. Đường đèo được làm to, đẹp, không có nhiều cua gắt và vực cũng không đến nỗi lạnh gáy như đường đèo bên Hà Giang.

Rời đỉnh đèo Khau Phạ, tiếp tục đi về Mù Cang Chải tới Ngã Ba Kim tôi rẽ phải để vào xã La Pán Tẩn. Ở huyện Mù Cang Chải thì 3 xã có ruộng bậc thang nhiều và đẹp nhất là Dế Xu Phình, Chế Cu Nha và La Pán Tẩn, đường vào La Pán Tẩn đã được đổ bê tông giống như đường vào Lìm Thái, Lìm Mông nhưng độ dốc lớn hơn nhiều. Từ Ngã Ba Kim đi khoảng 3km tới một khu vực ruộng bậc thang tầng tầng lớp lớp rất đẹp mắt.

Từ Ngã Ba Kim nếu không rẽ vào La Pán Tẩn mà đi thẳng thêm khoảng 2km thì tới ngã rẽ bên tay trái để vào xã Dế Xu Phình cũng là nơi có nhiều ruộng bậc thang đẹp. Đường vào Dế Xu Phình phải đi qua một con suối nước khá xiết, xe máy gầm cao có thể lội qua được tuy nhiên nếu không tự tin vào tay lái bạn nên đi trên cầu vì nếu không vững đổ xe có thể làm ướt hết quần áo và hành lý. Do không có nhiều thời gian để đi sâu vào trong nên tôi chỉ đứng bên phía ủy ban xã chụp sang bên kia sườn núi:

Có một điểm rất nổi tiếng ở Mù Cang Chải mà hầu hết du khách khi lên đây đều muốn ghé thăm đó là Mâm Xôi ở bản Pú Nhu - xã La Pán Tẩn, đường lên mâm xôi khá vất vả khi phải vượt qua khoảng 2km đường đất dốc đứng rất trơn và lầy lội, năm ngoái khi tôi lên thì thoải mái vào tận nơi tuy nhiên năm nay đã mọc lên các chốt thu phí của chính quyền và người dân, bên cạnh đó đội quân xe ôm chèo kéo chở khách lên với giá 70-80k/lượt hoạt động tấp nập. Tôi không thích điều đó nên quyết định bỏ qua địa điểm này.

Theo kế hoạch, ngày đầu tôi sẽ không nghỉ ở Mù Cang Chải mà sẽ chạy tới tận Than Uyên để tránh sự đông đúc mùa lễ hội và giảm bớt quãng đường cho ngày thứ hai. Lúc này là 16h30 và còn hơn 50km nữa mới tới Than Uyên, muốn tới nơi trước khi trời tối nên tôi quyết định không la cà mà chạy thẳng một mạch. Cảnh hai bên đường từ Mù Cang Chải tới Than Uyên khá đẹp với con đường vắt vẻo và bên cạnh là một dòng sông. 

Gần 18h tôi vào đến thị trấn Than Uyên, thị trấn này bám dọc theo trục QL32 khoảng 2km, đoạn đường qua thị trấn được mở rộng rất to và hai bên nhà cửa khang trang, tôi đến nhà nghỉ gần Huyện ủy Than Uyên lấy một phòng đơn với giá 250 ngàn, cất đồ rồi loanh quanh tìm chỗ ăn tối. Do đi một mình nên chuyện ăn uống khá đơn giản, chỉ là mộ1 bữa cơm bụi bình thường, ăn uống xong tôi về phòng nghỉ ngơi.

Sáng hôm sau tôi tỉnh sớm, lững thững đi bộ xuống phố. Thức dậy ở một thị trấn xa lạ luôn là một cảm giác rất thú vị, thị trấn phố núi buổi sáng sớm vắng vẻ và yên tĩnh, con đường rộng thênh thang vắng bóng xe cộ qua lại.

Chọn một quán phở bình dân và ăn một bát phở nóng lấy năng lượng cho bữa sáng, lang thang một lúc tôi quay về nhà nghỉ, xếp đồ trả phòng và chuẩn bị lên đường. Tiếp tục lên đường theo QL32, ra khỏi thị trấn Than Uyên đoạn quốc lộ chạy qua cánh đồng Mường Than - đứng thứ 3 trong 4 vựa lúa lớn của người Thái ở Tây Bắc bao gồm: Nhất Thanh - cánh đồng Mường Thanh ở Điện Biên, Nhì Lò - Mường Lò ở Nghĩa Lộ, Tam Than - Mường Than ở Than Uyên, Tứ Tấc - Mường Tấc ở Phù Yên - Sơn La.

Chạy một mạch dọc theo QL32 qua Tân Uyên với những đồi chè xanh mướt hai bên đường, tôi tới Ngã 3 Bình Lư thuộc huyện Tam Đường tỉnh Lai Châu- điểm kết thúc của QL32. Tại đây QL4D cắt ngang rẽ trái đi về thành phố Lai Châu còn rẽ phải sẽ lên đèo Ô Quy Hồ đi Sapa, Lào Cai.

Dừng lại ít phút nghỉ chân, tôi tranh thủ cởi “giáp”, khoác thêm chiếc áo len mỏng, ngước lên trên cao những ngọn núi cao chót vót của dãy Hoàng Liên Sơn chìm ngập trong mây mù, tôi chuẩn bị tinh thần cho một cung đường đèo sắp tới sẽ lạnh lẽo, mù mịt trong mưa.

Đọc thêm