Để hứng trọn kết quả này các trường ngoài công lập đã ra “chiêu”. Họ công bố điểm chuẩn vào trường họ trước khi Sở GD-ĐT công bố điểm chuẩn vào trường công. Họ yêu cầu nộp đơn và kèm theo học bạ gốc. Họ công bố điểm chuẩn vào trường chỉ có giá trị một buổi, buổi chiều khác. Họ thu tiền với “giá cao”, có trường thu đến 6 triệu đồng và Hà Nội, đã sau nhiều năm rồi lại tái diễn cái cảnh thức suốt đêm xếp hàng trước cổng trường của các ông bố, bà mẹ khốn khổ.
Đánh vào tâm lý lo sợ con không đủ điểm vào trường công, ra “đòn” đúng thời điểm các trường ngoài công lập có tên tuổi đã thu hút được một lượng học sinh khá lớn đăng ký học. Thêm nữa, lại có sự “phối hợp” tuyệt đẹp từ phía Sở giáo dục khi công bố điểm chuẩn vào trường công với cái cách mà nhiều người thấy giống như cách người ta làm trên sàn chứng khoán. Các trường tư đã triệt để lợi dụng điều này.
Khi bất ngờ điểm chuẩn vào trường công hạ xuống, nhiều thí sinh tưởng trượt nhưng lại đủ điểm đỗ thì phụ huynh đã trót nộp hồ sơ vào trường tư mới vội vã rút ra và thêm một lần khốn khổ nữa. Các trường tư ra sức trì hoãn trả hồ sơ cùng với trả tiền bằng đủ các cách khác nhau, thậm chí còn tuyên bố không trả tiền đã ứng trước.
Đó là cái cách mà người ta ứng xử với phụ huynh và học sinh trong giáo dục – một lĩnh vực mà mọi quan hệ, thái độ, cư xử, hành vi đều phải mẫu mực. Đây mới là sự bất thường lớn nhất và là nghịch lý giáo dục nước nhà. Vì thế, dễ hiểu là con cái của các nhà quản lý giáo dục nước ta nô nức đi du học nước ngoài. Đơn giản là họ có điều kiện để chối bỏ nền giáo dục của chính bố mẹ họ phục vụ và “cống hiến”.