“Đôi cánh thiên thần” của nữ thương binh 40 năm xúc cơm bằng… mỏm cụt

Chị run run nắm chai nước Lavie bằng bàn tay và từ từ nhấc nó lên khỏi mặt bàn, hai khóe mắt nhòe nước. Một động tác giản đơn tưởng như đứa trẻ lên hai đã có thể làm vậy mà vẫn là khó với chị bởi đôi tay đã để lại đường Trường Sơn cách đây 42 năm- khi chị mới tròn 20 tuổi. Nhìn chị sung sướng cầm, nắm những vật quanh mình, thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên quay đi giấu những giọt nước mắt…

Chị run run nắm chai nước Lavie bằng bàn tay và từ từ nhấc nó lên khỏi mặt bàn, hai khóe mắt nhòe nước. Một động tác giản đơn tưởng như đứa trẻ lên hai đã có thể làm vậy mà vẫn là khó với chị bởi đôi tay đã để lại đường Trường Sơn cách đây 42 năm- khi chị mới tròn 20 tuổi. Nhìn chị sung sướng cầm, nắm những vật quanh mình, thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên quay đi giấu những giọt nước mắt…

a
Nữ thương bình Trần Thị Hồng trong "vòng vây" của phóng viên

Chị là Trần Thị Hồng TNXP thuộc binh đoàn 12, bị thương năm Mậu Thân 1968 trên đường Trường Sơn. “Tôi đang làm đường thì B52 đánh, tôi ngất đi, khi tỉnh dậy mới biết mình đã mất cả đôi tay”, chị Hồng rưng rưng nhớ lại. Nằm chữa trị ở các bệnh viện tuyến sau cho đến năm 1970 thì chị được chuyển ra Bắc rồi sau đó về Trung tâm điều dưỡng thương binh nặng Thuận Thành- Bắc Ninh (năm 1975) với hai cánh tay cụt tới sát bả vai.

Ở trung tâm Thuận Thành, chị Hồng nổi tiếng là một phụ nữ đảm đang. Dù không có đôi tay nhưng chị vẫn quán xuyến việc nhà, việc nước, nuôi dạy các con nên người, là minh chứng sống động cho tinh thần “tàn nhưng không phế”.

a
Chị hào hứng tập cầm nắm với chai nước

“Không có tay nhưng tôi vẫn cố gắng tự lực hàng ngày, bên chỉnh hình làm cho tôi cái bao da xâu thìa, bàn chải đánh răng và tôi tự làm những việc đó suốt 42 năm qua, với cái mỏm cụt này”, chị hài hước chỉ cho chúng tôi xem cách chị xúc cơm bằng…mỏm cụt. Nhìn chị- thực ra là một “lão bà” đã ở tuổi 70 xúc cơm bằng mỏm cụt, chúng tôi không khỏi trào nước mắt.

Nhưng đó là chuyện của ngày hôm qua, bắt đầu từ 12 giờ ngày 25.7.2012, nữ thương binh Trần Thị Hồng đã không còn phải xúc cơm bằng mỏm cụt nữa. Chị đã có đôi bàn tay mới mà chị bảo nó như “đôi cánh thiên thần” chị vừa được tặng. Đôi tay mới do tập đoàn nổi tiếng thế giới về thiết bị phục hồi chức năng OTTO BOCK sản xuất, cung cấp với sự tài trợ của một doanh nghiệp Việt Nam- công ty CP Tiến bộ Quốc tế AIC.

 “OTTO BOCK là đơn vị hàng đầu thế giới trong lĩnh vực chấn thương, chỉnh hình. Tôi rất vui khi chứng kiến các thương binh dần hoạt động trở lại như người bình thường dưới sự hỗ trợ của các thiết bị hiện đại. Hy vọng sắp tới, các đơn vị hàng đầu của hai nước trong chấn thương chỉnh hình sẽ liên kết với nhau nhằm hỗ trợ nhiều hơn cho thương binh và những người không may mắn khác”. Ông Yiannis Neophyton Tham tán Đại sứ quán CHLB Đức tại Việt Nam cho biết.

Đây là đôi tay giả thông minh, có gắn chíp bên trong, điều khiển bằng mô cơ và ý nghĩ.  OTTO BOCK từng lắp tay giả thông minh này cho một thanh niên người Áo bị tai nạn và sau đó anh này nổi tiếng toàn thế giới khi trở lại cuộc sống bình thường với cánh tay giả thông minh. Anh có thể lái xe và đã xin được việc làm tại một cửa hàng sửa chữa ô tô.

Dẫu không biết hết về ‘độ” nổi tiếng của OTTO BOCK nhưng chị Hồng hiểu lắm cái giá trị của cánh tay giả mình vừa mang bởi nhìn bề ngoài nó giống như tay thật xưa kia chị có và nó thật nhẹ so với những đôi tay giả cũ mà chị từng mang. “ Tôi đã được nhà nước làm tay giả cho nhiều lần nhưng nặng lắm, không sử dụng được. Còn cánh tay mới này nhẹ nhàng hơn tôi cử động dễ dàng hơn, tôi tin sau này cố gắng tập luyện thì tôi có thể tự làm việc bằng chính tôi tay của mình”, chị Hồng tự tin chia sẻ.

a
Và bắt tay người bạn thương binh cũng mất hai tay như mình

Cũng mất đôi tay như chị Hồng nhưng thêm mảnh đạn găm vào đốt sống cổ, nữ thương binh Nguyễn Thu Phong ở Thuận Thành, Bắc Ninh cũng hơn 40 năm nay phải có người trợ giúp, chăm sóc bên cạnh. “Tay giả tôi được lắp ở Hòa Bình nhưng rồi lại tháo ra, nặng lắm, không làm ăn gì được”, nữ thương bình đã gần 70 tuổi khó nhọc kể lại, thậm chí chị dường như phải nhăn mặt khi nhớ lại cái cảm giác nặng nề của đôi tay với “cốt” bằng sắt nặng nề mà mình từng đeo. Bởi thế, khi được lắp cánh tay giả mới của OTTO BOCK chị Phong xúc động bảo chị cảm tưởng như được sinh ra lần thứ hai trên đời.

Còn anh thương binh ¼ Vũ Anh Tuấn ở Bắc Ninh thì hóm hỉnh nói rằng mình như “trúng số độc đắc” bởi biết sử dụng chân tay giả từ 1980 ( anh bị thương năm 1978 ở chiến trường Tây Nam) nhưng đến nay anh mới có được đôi chân giả tuyệt vời của OTTO BOCK. Anh đi lên đi xuống bậc cầu thang một cách thuần thục, thậm chí chạy, nhảy khiến cho mọi người chứng kiến đều thán phục. Anh còn cho biết mình giờ đây có thể đá cầu, đá bóng được.

a
Niềm vui của những người đem lại "điều kỳ diệu" cho thương binh Việt Nam

Người lớn tuổi nhất nhận tài trợ đợt này của AIC là thương binh Nguyễn Huy Giã, 75 tuổi đời ở Hà Nội. Đứng trên bục phát biểu cảm tưởng, người lính năm xưa run run cảm động kể rằng mang chân giả từ năm 1963 đến nay, đã đi rất nhiều chân giả nhưng chưa cái nào “chân thật” như cái này. “Tôi rất quý trọng khi đón nhận cái chân giả quý giá này và tôi chỉ mong về nhà thật nhanh, tôi nóng lòng được trở về nhà vì chắc các con cháu tôi thấy tôi có cái chân giả như chân thật này sẽ mừng lắm”, thương bình Nguyễn Huy Giã nói.

Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Thương (74 tuổi, ở TP.HCM) đã rưng rưng nước mắt khi kể về những năm tháng hào hùng đánh giặc giữ nước và những tháng ngày chịu khổ sai ở nhà tù Phú Quốc. Khi được hỏi về những trải nghiệm trên “đôi chân” mới, Anh hùng LLVT Nguyễn Văn Thương hồ hởi: “Đôi chân giả này nhẹ, cử động rất linh hoạt. Tuy đã không đi chân giả hơn 10 năm nay nhưng khi mang đôi chân này đã giúp tôi di chuyển dễ dàng, gần giống như người bình thường, dù có hơi đau. Tôi sẽ cố gắng tập luyện với đôi chẩn giả này để về sau không phải có sự “trợ giúp” của xe lăn hay người thân mỗi khi đi lại”.

Nhìn cảnh chồng qua qua lại lại mà không cần sự trợ giúp, bà Lê Thị Em (vợ Anh hùng LLVT Nguyễn Văn Thương) xúc động cho biết: “Tôi vui lắm! Mong rằng với món quà ý nghĩa của Công ty AIC sẽ giúp chồng tôi đi lại bằng chính đôi chân của mình, không cần sự giúp sức của tôi, các con cháu hay xe lăn nữa”.

Chứng kiến cảnh các thương binh nặng biểu diễn cầm chai nước từ tay giả, đi lại như người bình thường sau khi được lắp chân giả, Thứ trưởng Bộ Y tế bà Nguyễn Thị Xuyên xúc động nói: “Đây là những món quà đặc biệt có ý nghĩa trong dịp lễ kỉ niệm ngày thương binh, liệt sỹ 27/7. Xin cảm ơn OTTO BOCK và AIC đã hỗ trợ cho các thương binh Việt Nam”.
 

Nhân dịp 27/7, công ty AIC đã trao tặng 21 bộ thiết bị phục hồi chức năng thông minh cho thương bệnh binh trong cả nước. Việc lắp đặt chân, tay giả thông minh cho các thương binh diễn ra tại bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội và bệnh viện Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh trong hai ngày 25-26/7/2012. Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn- TGĐ AIC cho biết đã ký kết hợp tác với tập đoàn  OTTO BOCK để tiến tới sản xuất các thiết bị thông minh này tại Việt Nam, trước hết phục vụ cho thương bệnh binh và sau đó là những người không may bị tai nạn giao thông hoặc các tai nạn khác khiến mất đi khả năng vận động.
 

Thanh Lương

Đọc thêm