Theo đó, năm tác phẩm được đấu giá trong phiên này gồm một chiếc tủ thờ (chất liệu: gỗ gụ, niên đại cuối thế kỷ XIX, kích cỡ 125 x 54 x 120 cm thuộc sở hữu của họa sĩ Lê Thiết Cương); tranh sơn dầu mang chủ đề “Bên dòng sông đỏ” (kích cỡ 80 x 133 cm, sáng tác năm 2016 của họa sĩ Đào Hải Phong); tranh sơn dầu mang chủ đề “Hạnh phúc” (kích cỡ 80 x 160 cm, sáng tác năm 2015 của họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ); tranh sơn dầu, acrylic mang chủ đề “Tiên nữ vùng cao” (kích cỡ 140 x 100 cm, sáng tác năm 2014 của họa sĩ Quách Đông Phương) và hai chiếc chóe làm từ chất liệu gốm, sản xuất năm 2010 của nghệ nhân Phạm Anh Đạo.
Ông Trần Quốc Khánh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần bán đấu giá Lạc Việt cho hay: “Việc kỳ vọng đặc biệt nhất là hoạt động bán đấu giá tài sản ở Việt Nam có một bước tiến mới, việc minh bạch trong mua bán đối với người có tài sản và người mua được tài sản, rồi việc bán đấu giá tài sản được đảm bảo sẽ tạo ra nguồn thu thuế rất rõ ràng”. Trước đây, giới họa sĩ thường chỉ bán tác phẩm ở phòng tranh hoặc ký gửi. Nếu có tham gia đấu giá cũng chỉ với mục đích từ thiện nên người mua tác phẩm dựa trên khả năng đóng góp cho cộng đồng mà trả giá, chứ chưa dựa trên giá trị thực của tác phẩm. Với kênh đấu giá này, tác phẩm sẽ được bán với giá thực của nó.
Tác giả hay chủ sở hữu của tác phẩm nghệ thuật sẽ nhận về 100% giá trị của tác phẩm theo giá khởi điểm mà tác giả ấn định, phần bán vượt sẽ được thỏa thuận phân chia tại hợp đồng bán đấu giá tài sản được ký với tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp và người có tài sản bán đấu giá. Trong lần đầu tiên tổ chức, phiên đấu giá sẽ có sự góp mặt của lãnh đạo Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp thành phố Hà Nội, khách hàng tham gia đấu giá.