Đời lá hồn người

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chẳng biết tự bao giờ, hình ảnh của chiếc lá đã gắn bó với đời sống con người đến vậy. Không chỉ trở thành nguyên liệu phục vụ đời sống, hình ảnh chiếc lá còn đi vào thơ, vào nhạc và vào cả những giấc mơ tuổi thơ…

Chuyện của người đàn ông làm nghề “xỏ lá”

Liên tiếp nhiều kỳ lễ hội Trung thu tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, xuất hiện một người đàn ông mảnh khảnh ngồi khoanh chân khoan thai giữa xung quanh bộn bề là lá. Từ đôi tay thoăn thoắt đan đan, xỏ xỏ của anh, những chú cào cào xanh, những bông hoa hồng màu cốm… lần lượt xuất hiện như một trò ảo thuật diệu kỳ.

Có mặt trong đám đông cả người lớn, trẻ con vây quanh người đàn ông ấy, phóng viên đã được nghe câu chuyện anh thủng thẳng kể cho một khách hàng muốn tìm hiểu: “Tôi tên là Nguyễn Mạnh Thắng quê Nam Định. Tôi gắn bó với nghề đan lá dừa được mười mấy năm nay. Nhiều người gọi vui là tôi làm cái nghề “xỏ lá”. Hồi mới vào nghề, tôi ngồi bán ở dọc đường Thanh Niên và quanh các phố gần Hồ Gươm. Mỗi ngày bán được 60- 100 con vật với hình thù khác nhau, ngày lễ tết thì bán được nhiều hơn từ đơn đặt của các cửa hàng hoa. Giá bán thì bao nhiêu năm vẫn vậy, chuồn chuồn, cào cào, chim, cá… làm từ lá dừa 15.000 đồng/con, hoa hồng 20.000 đồng/bông. Ngày trước mới vào nghề làm lâu lắm mới ra một sản phẩm, giờ đây để hoàn thành một con vật tôi chỉ mất khoảng 3-4 phút”.

Anh Nguyễn Mạnh Thắng hướng dẫn khách hàng học tết lá dừa.

Anh Nguyễn Mạnh Thắng hướng dẫn khách hàng học tết lá dừa.

Được biết, dù có nhiều năm là nghề tết lá dừa nhưng anh chưa bao giờ dừng lại với vốn liếng mình có mà luôn mày mò sáng tạo, học thêm để làm những sản phẩm bắt mắt khác nhau đáp ứng thị hiếu khách hàng. Do đó, khách hàng có thể yêu cầu anh đan nhiều sản phẩm mới đầy tính sáng tạo phù hợp cho các bạn trẻ như giỏ để cắm hoa, hay những bó hoa hồng, mũ, đèn lồng..., tất cả đều làm từ nguyên liệu lá dừa.

Theo anh Thắng, để làm ra những sản phẩm hoàn hảo, việc tuyển chọn nguyên liệu lá dừa nước rất quan trọng. Ở miền Tây, dừa nước quá dồi dào nên anh Thắng nhờ họ hàng thu hoạch rồi chuyển ra Hà Nội. Loại lá này nếu giữ ẩm đúng cách thì tươi màu được vài tuần, thậm chí cả tháng.

“Tôi tồn tại cho đến bây giờ với nghề này, hơn hết thảy là bằng đam mê. Nhiều người nói tôi lấy tiền từ những tàu lá “không vốn”, nghĩa là cho không, rụng đầy đường. Nhưng họ đâu biết, để có một tàu lá từ miền Tây ra Hà Nội, qua bàn tay đan lát, chứa nhiều tình cảm biết nhường nào. Lại có người bảo dùng lá là hại cây nhưng họ đâu có biết, điều này thuộc về kĩ năng của một người thành thạo, biết cách chọn từng kẽ lá, để sao cho, khi mình chặt đi, cây sẽ không chết mà ngược lại còn phát triển hơn trước. Như cây dừa nước bên trong có tầm 3 tàu lá, tôi sẽ không lấy tàu quá non, mà chọn lá đủ độ trưởng thành để khi chặt đi, nó sẽ kích thích cây phát triển hơn. Nếu không biết cách khai thác thì chẳng khác gì là phá hoại. Mình tận dụng từ nó, thu lợi từ nó, thì phải biết trồng nó. Và hiện giờ, người thân, bạn bè của tôi vẫn đang cố gắng gìn giữ những vựa lá dừa nước đó, để tôi có thể tiếp tục công việc của mình” – anh Thắng cho biết.

Vượt qua những thị phi của người đời, anh Thắng đã và đang tiếp tục đem đến niềm vui cho nhiều người. Chiều chiều bên góc đường Tố Hữu quận Hà Đông, Hà Nội, anh thường ngồi đó, đôi bàn tay thoăn thoắt đan để tặng cho khách hàng biết bao xúc cảm. “Ngày nhỏ ở quê tôi cũng được ông đan cho những con cào cào, châu chấu, nay bắt gặp những sản phẩm của tuổi thơ ở đây, giúp gợi rất nhiều kỷ niệm. Lá dừa nước thân thiện với môi trường, không độc hại. Tôi rất ủng hộ thứ đồ chơi truyền thống này và nghệ thuật này”, một khách hàng dừng mua mấy con cào cào xanh cho các cháu nội cho biết.

Niềm vui từ Ngày hội lá

Đầu tháng 11/2022, trong khuôn khổ Hội chợ Nông nghiệp quốc tế Việt Nam năm 2022 diễn ra tại Cần Thơ, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ triển lãm thành phố Cần Thơ phối hợp cùng Bảo tàng Áo dài Việt Nam, Thành đoàn Cần Thơ tổ chức “Ngày hội lá” với các hoạt động điểm nhấn như: biểu diễn văn nghệ với chủ đề lá, giao lưu cùng các nghệ nhân làm bánh dân gian từ lá, thắt lá dừa, vẽ tranh trên lá, giới thiệu các sản phẩm thân thiện môi trường làm từ lá của các doanh nghiệp...

Niềm vui của các bạn trẻ khi đến với Ngày hội lá.

Niềm vui của các bạn trẻ khi đến với Ngày hội lá.

Tham dự sự kiện, các bạn trẻ đã được đắm mình trong các hoạt động văn hóa ẩm thực, nghệ thuật dân gian liên quan đến lá, từ đó biết trân quý hơn các giá trị truyền thống dân tộc, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, khơi nguồn cho những ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo từ sản phẩm nông nghiệp bản địa… “Lá được dùng nhiều trong cuộc sống hằng ngày, là biểu tượng của sức sống, sự sung túc, gắn với nhiều kỷ niệm. Từng gian hàng tại ngày hội gợi lại trong lòng chúng ta nhiều ký ức tuổi thơ, trò chơi dân gian, món ăn mẹ nấu ngày trước. Không chỉ vậy, Ngày hội còn gửi thông điệp sống xanh, sống thân thiện với thiên nhiên, khởi nghiệp vươn lên làm giàu bằng những sản phẩm từ lá...” - bà Nguyễn Thị Kiều Duyên, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư - Thương mại và Hội chợ triển lãm thành phố Cần Thơ, Trưởng ban Tổ chức cho biết.

Khuôn viên của “Ngày hội lá” tạo ấn tượng mạnh cho khách tham quan ngay từ cổng vào. Đó là chiếc cổng được tạo hình công phu từ các loại lá, điểm xuyết những bông hoa tinh tế. Đây là nét văn hóa đặc trưng trong đời sống người dân Nam Bộ mỗi khi có hỷ sự. Bên trong khuôn viên “Ngày hội lá”, không gian được tô điểm bởi những gian hàng nhỏ để khách có thể trải nghiệm nhiều hoạt động với sự hướng dẫn của nghệ nhân. Với học sinh khối tiểu học, các em được hướng dẫn tô màu trên lá cây, cắt và dán lá tạo thành bức tranh chủ đề “Gia đình em”. Với các bạn trẻ, các gian hàng vẽ trên áo dài, thiết kế thời trang từ lá, học làm bánh dân gian với nguyên liệu từ lá, tạo hình con vật từ nghệ thuật xếp lá dừa… là những điểm thu hút đông nhất.

Một trong những nét độc đáo của Ngày hội lá là gian hàng ẩm thực, giới thiệu các loại bánh dân gian có sử dụng lá như bánh tét, bánh chưng, bánh ít, bánh ú lá tre, bánh lá dừa, bánh phu thê, bánh lá mơ/lá mít… Hàng ngàn năm qua, bánh dân gian đã đi vào đời sống của người Việt, lẫn thơ ca. Bánh dân gian Nam Bộ vừa mang nét đặc trưng của ẩm thực vùng miền, vừa mang cả nền văn minh lúa nước, hồn quê Việt, kinh tế nông nghiệp trong từng chiếc bánh.

Nghệ nhân bánh dân gian Trương Thị Chiều (Chín Chiều) cho biết, xã hội ngày càng phát triển, ẩm thực cũng ngày càng phong phú hơn, để bánh dân gian không bị lãng quên và mai một, bà đã sử dụng nhiều lá cây tự nhiên như chùm ngây, lá cẩm, lá dứa… tạo ra những chiếc bánh đủ màu sắc, vừa bắt mắt người tiêu dùng, vừa giữ được hồn quê Việt trong từng món bánh.

Những đặc sản ẩm thực độc đáo có sự đóng góp của lá.

Những đặc sản ẩm thực độc đáo có sự đóng góp của lá.

Quả đúng là như vậy, những chiếc bánh đủ sắc, đủ vị dưới bàn tay của hai vợ chồng bà Chín Chiều luôn mang đậm hồn quê Việt Nam, với công thức chính được giữ gìn từ thế hệ trước, nguyên liệu làm bánh từ thiên nhiên, không dùng phẩm màu, phụ gia. Đó là màu trắng của bột gạo, xanh đậm từ nước rau bồ ngót, màu tím của lá cẩm, màu vàng đậm của trái gấc, màu xanh lợt từ lá dứa… Ngoài bánh tằm là món chủ lực, bà Chín còn làm bánh con sùng ngũ sắc cùng các loại bánh dân gian khác như: bánh ít trần, bánh bèo, bánh chuối, bánh lá… “Chẳng những trong nước, tôi còn mong muốn và ấp ủ nhiều ý tưởng sáng tạo ra những loại bánh mới từ các nguyên liệu thiên nhiên. Từ đó quảng bá cho khách quốc tế được biết ẩm thực của Việt Nam đa dạng và rất đẹp mắt” – Nghệ nhân Chín Chiều bày tỏ.

Cũng tại “Ngày hội lá”, Ban Tổ chức dành một khu trưng bày cho các doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo từ nông sản giới thiệu các sản phẩm của mình. Nổi bật trong đó là gian hàng các sản phẩm làm từ lá sen của anh Ngô Chí Công.

Những sản phẩm làm từ lá sen của anh Ngô Chí Công.

Những sản phẩm làm từ lá sen của anh Ngô Chí Công.

Sau hai lần khởi nghiệp không thành công, trong một lần trò chuyện cùng mẹ, anh nhận thấy “thủ phủ sen – Đồng Tháp” có những giá trị tiềm năng nhưng chưa được quan tâm khai thác đúng mực. Trước nay, đa phần người nông dân trồng sen đơn giản chỉ là bán ít bông, gương sen, ngó sen, trà sen hay hột sen… còn như lá hay những thứ khác nữa thì đa phần là để khô dần rồi bỏ tại đầm. Vốn rất yêu và thân thuộc với sen, Công nảy ra ý tưởng ướp sen tươi để bảo tồn vẻ đẹp tinh tế của loài hoa này. Bằng việc áp dụng công nghệ hiện đại, anh Công đã khiến những chiếc lá sen bình dị trở thành những món quà lưu niệm, những vật dụng hàng ngày độc đáo, đắt giá. Đặc biệt, những chiếc nón lá hay những chiếc túi giấy dù làm từ lá sen nhưng có thể sử dụng rộng rãi, độ bền cao. “Tôi thích vẻ đẹp, mùi thơm của hoa sen, nhưng ghét, đúng hơn là tiếc, vì nó mau tàn. Vì thế, tôi quyết tâm ứng dụng kỹ thuật bảo quản hoa của Pháp để kéo dài thời gian thưởng thức hoa sen. Đây là một mắt xích để nâng cao giá trị của cây sen”, Ngô Chí Công chia sẻ…

Cũng giống như những người khách hàng đủ mọi lứa tuổi thích thú với sản phẩm từ lá dừa của anh Nguyễn Mạnh Thắng, dù sau vài ngày món đồ chơi lá đã bạc màu, khô héo, những sự kiện trong “Ngày hội lá” đã khép lại, nhưng dư âm hạnh phúc của những điều đó mang đến cho mỗi người dường như còn lan tỏa mãi.

Đó là sự tự hào khi tìm về với các giá trị văn hóa xưa của ông cha, sự hồ hởi trên con đường tìm hướng khởi nghiệp bền vững từ các sản phẩm thuần thiên nhiên, kết hợp cùng tri thức hiện đại thời 4.0…

Đọc thêm