Đôi lúc ước mình không phải doanh nhân!

Sẵn sàng “thua một trận đánh để thắng cả cuộc chiến”, ấy là những lời văn hoa mà người ta viết về giới doanh nhân. Sự thành bại của họ không chỉ giới hạn trong chốn thương trường mà nhiều khi còn ảnh hưởng đến cả một nền kinh tế. Chúng tôi có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Văn Ngọc - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Vật liệu xây dựng – Xây lắp thương mại BMC...

Sẵn sàng “thua một trận đánh để thắng cả cuộc chiến”, ấy là những lời văn hoa mà người ta viết về giới doanh nhân. Sự thành bại của họ không chỉ giới hạn trong chốn thương trường mà nhiều khi còn ảnh hưởng đến cả một nền kinh tế. Chúng tôi có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Văn Ngọc - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Vật liệu xây dựng – Xây lắp thương mại BMC...

Nói là bị công việc cuốn vào guồng thì nghe sáo mòn cũ kỹ quá, nhưng đúng là hơn 10 năm qua “nó” cứ kéo ông đi. Mang câu nói của người đời ra trêu chọc ông “Giàu tham việc, thất nghiệp tham ăn”, ông chỉ cười mà rằng: “Không đi, không có dự án, đồng nghĩa với việc nhân viên tôi không có việc làm. Nên cứ phải “tham việc” thôi…”.

Thế nên, ông Ngọc cứ làm khách trên các chuyến bay ra Bắc vào Nam suốt.  Trụ sở chính công ty ở thành phố Hồ Chí Minh, nhưng các dự án thì “rải” khắp các tỉnh Cần Thơ, Đắc Nông, Kon Tum, Đắc Lắc, Nghệ An, Nghệ Tĩnh, Hạ Long… nên tuần nào ông cũng có mặt ở sân bay Tân Sơn Nhất để bay đến các công trình. Ông bảo, thời gian nghỉ ngơi, thư giãn gần như không có. Hơn 10 năm qua, từ khi chính thức nhận trách nhiệm quản lý công ty đến nay, một năm 360 ngày của ông như đã lập trình sẵn: Đi tìm dự án, gặp đối tác, kiểm tra tiến độ thi công, theo sát quá trình nghiệm thu…

Ông Nguyễn Văn Ngọc -TGĐ BMC (người đứng giữa) cắt băng khánh thành tòa nhà BMC Plaza Hà Tĩnh.
Ông Nguyễn Văn Ngọc -TGĐ BMC (người đứng giữa) cắt băng khánh thành tòa nhà BMC Plaza Hà Tĩnh.

“Tôi liều có tính toán”

Sau gần 10 năm vật lộn, bươn chải, từ một đơn vị chỉ biết nhận thầu “làm công ăn lương”, đến nay BMC đã là thương hiệu có uy tín trong lĩnh vực xây dựng, được nhiều nhà thầu chỉ định. Với lĩnh vực đầu tư bất động sản cũng vậy, các dự án căn hộ cao cấp, trung tâm thương mại và khách sạn, khu công nghiệp, nhà máy sản xuất nguyên vật liệu… của BMC đã hiện diện khắp các tỉnh thành trên cả nước, trong đó có nhiều dự án đã vào giai đoạn khai thác, đem lại hiệu quả kinh doanh.

Có thể kể ra một vài công trình điển hình, như tòa nhà phức hợp BMC Hà Tĩnh với địa thế đẹp, không chỉ có doanh thu tốt sau gần 2 năm hoạt động mà còn giải quyết việc làm cho khoảng 500 lao động địa phương; Hay Khách sạn BMC Ngọc Hồi – Kon Tum đạt tiêu chuẩn 4 sao được coi là “của hiếm” với vùng đất phía Bắc Tây Nguyên đang rất cần sự đầu tư. Rồi Khách sạn Thăng Long (Quảng Ninh) 4 sao “mọc lên” trên nền cũ là nhà khách của Bộ Thương Mại trước đây…

Đến nay, không sợ quá lời khi nói rằng không ít dự án đầu tư của BMC đã trở thành kỳ tích ở nhiều địa phương. Đa phần đó là những quyết định khá mạo hiểm, thậm chí còn bị giới kinh doanh bất động sản cho là “dở hơi” tại thời điểm BMC quyết định đầu tư. Ông có chia sẻ gì về điều này?

Thì cứ để họ nói thôi, mình biết việc mình. Làm ăn phải biết nhìn xa trông  rộng, điều này ai cũng biết nhưng cách thực hành thì khác nhau. Nếu nhà đầu tư nào cũng chăm chăm nhìn những vị trí đẹp, cũng tranh lấy “miếng ngon” nơi thành phố thì áp lực nhiều mà hiệu quả kinh doanh chưa chắc đã xứng với công sức bỏ ra. Còn như cái “dở hơi” mà họ chê, là BMC thường chọn để đưa dự án về những vùng đất mà giới đầu tư không chuộng, thậm chí không nghĩ đến.  

Chẳng hạn, khi có ý đầu tư vào Kon Tum, chúng tôi đã xác định không thể tính cái lợi trước mắt, mà phải nghĩ về lâu dài. Nếu vùng sâu, vùng xa… mà có những cơ hội và tiền đồ riêng, nằm trong lộ trình phát triển dài hơi thì việc đầu tư về đó là một sự “đón đầu” rất nên làm. Cũng từ cái quyết tâm đó mà bây giờ Khách sạn BMC Ngọc Hồi vươn cao đón chào du khách, là khách sạn 4 sao đúng nghĩa duy nhất ở vùng đất này.

Nhưng khi đó ông có nghĩ mình “liều” không?

Tôi thấy, làm công việc kinh doanh, không liều không được, mạo hiểm đồng nghĩa với cơ hội tốt hơn… nhưng mình phải làm sao để “liều có tính toán”.

Nói cụ thể như ở thành phố Hồ Chí Minh, BMC cũng có một số dự án căn hộ cao cấp đã và đang trong giai đoạn hoàn thiện. Nhưng để chen chân vào những vị trí đắc địa, thì BMC e là không cạnh tranh nổi với các đại gia. Trong khi đó, nếu chấp nhận về tỉnh, nhà đầu tư được chính quyền đón nhận nhiệt tình và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, thì việc BMC đầu tư lại rất vừa tầm và cho thu hoạch tốt sau 5 – 10 năm...

Tiền không bằng tên tuổi!

Giai đoạn hiện nay có thể xem là khá “khắc nghiệt” với nhiều lĩnh vực kinh tế, trong đó có bất động sản. Với BMC thì sao, thưa ông?

Đúng là cực kỳ khó khăn, nhưng là cái khó chung của toàn xã hội. Xuất phát điểm của chúng tôi đã là “con nhà khó” (cười), bây giờ thử thách thêm thì vẫn tìm được cách khắc phục. Tôi nói như thế không phải quá tự tin mà dựa trên thực tế là BMC đã hội đủ các điều kiện: tiềm lực thực tế, năng lực theo sát cung - cầu thị trường, nắm bắt nhu cầu khách hàng, và đặc biệt là không xa rời mục tiêu kinh doanh chính của mình.


“Đôi lúc tôi cũng “ước” giá như mình không phải là doanh nhân! Nhưng đã vướng vào nghiệp kinh doanh làm sao thả nổi, bởi đằng sau tôi hàng ngàn lao động, còn gia đình của họ. Chỉ có cách tự tìm những niềm vui nho nhỏ giản dị, chẳng hạn như sau một ngày làm việc thì cùng ngồi lại với anh em, không phân biệt thứ cấp, nói cười thỏa mái, uống với nhau vài ba ly rượu…”

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có những lợi thế nhất định nhờ phát triển kinh doanh đa ngành, không “bỏ trứng vào một giỏ”. Đơn cử như vai trò vừa là nhà đầu tư, vừa trực tiếp thực hiện xây dựng các dự án. Nhờ đó, có thể tính toán cho sát đến tận từng hạng mục công trình, vật liệu thừa được tận dụng, thiết bị thi công được khấu hao liên tục, điều chuyển nhân công linh hoạt…

Với mỗi doanh nghiệp thành công, người ta nói nhiều đến vai trò của người “cầm quân, chỉ việc”. Nếu phải tự nhìn nhận về đóng góp của mình trong thành công của BMC, ông sẽ “chấm điểm” cho yếu tố cá nhân lãnh đạo thế nào?

Cái này khó định lượng được là bao nhiêu phần trăm hay chấm điểm, khó cho tôi quá! (cười). Tôi lãnh đạo, nhưng không có nghĩa cái gì cũng biết, nên chỉ cố gắng làm sao để anh em đóng góp trí tuệ, hiểu biết của họ vào công việc, như thế vừa ra được quyết định hợp lý vừa được anh em ủng hộ. Nói chuyện “cầm quân” thì cũng học theo các vị tướng xưa, cố gắng để vừa có “uy” vừa có “ân” - việc công phải minh bạch, ý tưởng đưa ra phải có sức thuyết phục, biết lắng nghe phản biện từ cộng sự; còn về quan hệ cá nhân, phải sống thật với anh em, để người ta gắn bó lâu dài.

Người ta nói nhiều đền sự “cân bằng” trong cuộc sống của các doanh nhân. Với ông, sự cân bằng này nghĩa là… ?

Ai cũng muốn có gia đình hạnh phúc, có chỗ đứng vững chắc trong xã hội, có của cải dư dật… nhưng khi phải lựa chọn và sắp xếp thật hợp lý thật là khó. Bên cạnh đó, người ta dù làm “ông to, bà lớn” đến đâu cũng vẫn mang trong lòng những “Sân, si, hỷ, nộ…”. Dù là doanh nhân hay không, thì chúng ta cũng phải tự điều hành cuộc sống, công việc của mình, đi tìm sự cân bằng ấy.

Với tôi, nói thật là hơn 10 năm làm quản lý tôi chưa một lần nghỉ ngơi đúng nghĩa, nên khái niệm “cân bằng” cũng du di nhiều lắm. Những tiêu chí để đảm bảo giữ thể diện trước đối tác thì mình vẫn đáp ứng,  nhưng cuộc sống hàng ngày thì tự giản tiện đi cho… dễ sống: trưa ở văn phòng vẫn ngồi chung mâm cơm cùng anh em, đi công tác xa vẫn tự mình phục vụ…

Không biết có phải do “giữ kẽ” với báo giới không, nhưng nói chuyện kinh doanh mà không thấy ông nhắc đến tiền?

Không thể phủ nhận, tiền của là một phần thước đo của người/ công việc kinh doanh thành công. Tôi không nhắc đến nó nhiều trong câu chuyện này, không phải vì có gì đó cần giấu hay xem nhẹ nó cả, mà vì tôi cho rằng, tiền không quan trọng bằng sự thừa nhận của xã hội. Khi anh đưa ra một con số, xung quanh sẽ có nhiều đại gia trưng đủ, thậm chí gấp 5, gấp 10 con số đó… Nhưng khi anh là một “tên tuổi” thì sẽ khác.

Nói rộng hơn, doanh nghiệp muốn xã hội thừa nhận thì phải mang ích lợi đến cho xã hội chứ không chỉ lo kiếm đủ cho riêng mình, đó là cách để phát triển bền vững. Hơn nữa, thành công của bất cứ một doanh nghiệp nào cũng không là thành công đơn lẻ, mà được nhìn nhận bởi sự ủng hộ, hợp tác của những đối tác khác, được người tiêu dùng, khách hàng ủng hộ.

Xin cảm ơn ông!

Minh Phương (thực hiện)

 

Đọc thêm