Đối mặt với kiện chống bán phá giá

Khi một email kiện chống bán phá giá bỗng đâu “từ trên trời rơi xuống”, đừng bao giờ “delete” (xóa bỏ) - cách hay nhất là hợp tác và phản hồi - Luật sư Matthew McConkey, Công ty Luật Mayer Brown JSM, Bắc Kinh khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

Khi một email kiện chống bán phá giá bỗng đâu “từ trên trời rơi xuống”, đừng bao giờ “delete” (xóa bỏ) - cách hay nhất là hợp tác và phản hồi - Luật sư Matthew McConkey, Công ty Luật Mayer Brown JSM, Bắc Kinh khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. 

cabasa
Nông dân Việt Nam thua thiệt đủ đường vì bị kiện chống bán phá giá

Thiệt kép!

Trong các vụ kiện chống bán phá giá của Hoa Kỳ, biên độ bán phá giá áp dụng cho các công ty xuất khẩu nước ngoài được xác định bằng cách so sánh giá đó với giá trị thông thường của các công ty tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Việt Nam chưa được Hoa Kỳ xem là một nền kinh tế thị trường, nên giá trị thông thường của các nhà sản xuất Việt Nam thường được tính bằng cách định giá các yếu tố sản xuất ở “một nước thay thế”. Điều này gây rất nhiều thiệt thòi cho các doanh nghiệp xuất khẩu (DNXK) của Việt Nam.

Đơn cử, khi sản phẩm cá ba sa của Việt Nam bị điều tra chống bán phá giá,  DOC đã chọn Bangladesh là nước thay thế (theo quan điểm của DOC, đây là nước tương tự với Việt Nam về GDP và là nước sản xuất sản phẩm tương tự). Mặc dù nhà sản xuất Việt Nam phải cung cấp cho Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) một bảng kê chi tiết định mức của các thành phần được công ty sử dụng để sản xuất ra một kg sản phẩm được đóng gói (như cần bao nhiêu cá basa tươi để sản xuất ra một kg fillet cá basa, cần bao nhiêu lít nước, cần bao nhiêu giờ công lao động, cần bao nhiêu điện, vật liệu đóng gói …), nhưng sau khi đã chọn được nước thay thế, DOC sẽ áp dụng các giá trị thay thế Bangladesh cho các yếu tố sản xuất của bị đơn Việt Nam. Giá trị thông thường đó được so sánh với giá của công ty tại Hoa Kỳ để xác định xem có bán phá giá không, nếu có, thì đến mức độ nào.

Trong trường hợp này, rõ ràng Bangladesh không phải là  Việt Nam và  nghề nuôi cá basa ở đất nước này cũng không bao giờ có những đặc thù như ở Việt Nam. Một mặt đã bị kiện, một mặt lại bị áp đặt sự lựa chọn chủ quan của DOC,  DNXK Việt Nam như vậy thiệt đơn, thiệt kép. Dù biết rằng, các nhà sản xuất Việt Nam có quyền đưa ra lập luận yêu cầu DOC lựa chọn một “nước thay thế” khác không phải là Bangladesh nếu xét thấy điều này có thể dẫn đến biên độ chống bán phá giá thấp hơn.

Cần chủ động!

Theo Luật sư Matthew McConkey, để phòng chống một vụ kiện bán phá giá, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải luôn ở thế tự chủ. Cụ thể, cần chuẩn bị sổ sách kế toán và các chứng từ sản xuất, xem xét và điều chỉnh thực tiễn kinh doanh hiện tại. Đặc biệt, xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với khách hàng và bạn hàng của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, các công ty của Việt Nam cần cảnh giác sự viếng thăm của các “đối tác nước ngoài tiềm năng” – bởi lẽ, có khi họ đến thăm nhà máy để thu thập thông tin chống lại chính Công ty đón tiếp tiết lộ.

Luật sư Matthew McConkey khuyến cáo: “Các DNXK Việt Nam luôn phải cảnh giác và chủ động. Khi một email kiện chống bán phá giá bỗng đâu “từ trên trời rơi xuống”, đừng bao giờ “delete” (xóa bỏ) - cách hay nhất là hợp tác và phản hồi.  Bởi, pháp luật về chống bán phá giá của Hoa Kỳ ấn định thời hạn rất ngắn cho các cuộc điều tra. Trong vòng 20 ngày, kể từ ngày nhận đơn,  DOC phải ra quyết định về việc đơn khởi kiện chống bán phá giá có đầy đủ về mặt pháp lý hay không.

Đồng thời, trong vòng 45 ngày kể từ ngày đơn khởi kiện được nộp, phải để quyết định (quyết định sơ bộ) xem có dấu hiệu hợp lý  cho thấy có thiệt hại đáng kể đối với một ngành công nghiệp trong nước do hàng nhập khẩu đang được điều tra gây ra không, Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (ITC) sẽ hoàn tất việc điều tra. Nếu ITC quyết định sơ bộ là không có bán phá giá thì vụ kiện sẽ chấm dứt, nếu ITC quyết định sơ bộ là có bán phá giá thì DOC phải tiến hành thủ tục cần thiết tiếp theo. Do đó, nếu các DNXK chỉ hơi lơ là, có thể cơ hội tự vệ đã vụt qua.

Mai Hoa

Đọc thêm