Nói về những điểm mới, trọng tâm của đường lối, chủ trương đối ngoại được nêu trong dự thảo văn kiện Đại hội lần này, Thứ trưởng Lê Hoài Trung cho biết, nội dung dự thảo văn kiện lần này nhấn mạnh nhiệm vụ đối ngoại phải phát huy vai trò tiên phong trong tạo dựng và gìn giữ môi trường hoà bình, tranh thủ điều kiện thuận lợi cho quá trình phát triển và đổi mới đất nước cũng như nâng cao vị thế trên trường quốc tế.
"Lần đầu tiên trong văn kiện của Đại hội nêu rõ 3 trụ cột gồm đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, ngoại giao Nhân dân" - Thứ trưởng Lê Hoài Trung nói.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, để thực hiện được mục tiêu này, chúng ta phải xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại; đội ngũ cán bộ đối ngoại có năng lực cao hơn, có trình độ tốt hơn, toàn diện hơn.
Trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có những diễn biến phức tạp, Việt Nam không chỉ là thành viên tích cực mà còn góp phần tạo môi trường quốc tế và khu vực thuận lợi hơn cho chúng ta. Hiện nay chúng ta có điều kiện năng lực tốt hơn để làm việc này. Cộng đồng quốc tế và khu vực cũng rất hoan nghênh, ủng hộ.
Vì vậy, cùng với việc tiếp tục nâng cao hiệu quả, làm sâu sắc hơn quan hệ song phương, thì lần này Đại hội cũng nhấn mạnh yêu cầu phải nâng tầm ngoại giao đa phương, tích cực tham gia xây dựng và định hình các luật chơi, các hoạt động, quy định cơ chế đa phương quốc tế.
"Văn kiện lần này đã nêu rất rõ ngành ngoại giao phải theo dõi sát tình hình, ứng biến mau lẹ, khi tình hình quốc tế, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường và có diễn biến mới, thực hiện tốt nhiệm vụ đặt ra cho công tác đối ngoại, đóng góp vào thực hiện các mục tiêu tổng quát và cụ thể mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đặt ra" - ông Lê Hoài Trung, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao chỉ rõ.
Với những điểm mới trọng tâm, với tâm thế mới, để hiện thực hoá mục tiêu đã đặt ra trong Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XII, trước hết, nội dung Nghị quyết phải được quán triệt trong Bộ Ngoại giao, phổ biến đến các ngành, địa phương, đối tượng khác nhau, trong đó tập trung vào nội dung, phương hướng và các biện pháp chính được đề ra liên quan đến công tác đối ngoại trong nhiệm kỳ tới; cập nhật kế hoạch, chiến lược trong từng lĩnh vực.
Trong bối cảnh các vấn đề an ninh phi truyền thống trên thế giới có những diễn biến phức tạp như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, ngành ngoại giao phải làm tốt hơn nữa nhiệm vụ cảnh báo về những thách thức đó, đồng thời tranh thủ sự hợp tác quốc tế.
Một điểm rất quan trọng trong dự thảo văn kiện Đại hội lần này được Thứ trưởng Bộ Ngoại giao chỉ ra là quan điểm "xây dựng nền ngoại giao toàn diện và hiện đại". Toàn diện về phương thức, lĩnh vực hoạt động. Hiện đại không chỉ là máy móc mà chúng ta phải tranh thủ, tận dụng công nghệ số.
Bộ Ngoại giao đã xây dựng chiến lược về quản lý tri thức, một khái niệm được sử dụng trong nhiều năm nhưng 5 năm qua, Bộ Ngoại giao đã đưa tư tưởng này vào hoạt động quản lý, hình thành quá trình khép kín, từ tạo ra tri thức, phổ hiến tri thức và quay lại tạo ra tri thức, góp phần nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ ngoại giao.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cho biết, ngành Ngoại giao sẽ tiếp tục coi trọng công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt, xây dựng bộ máy trong sạch, hiệu lực, hiệu quả.
Ngành Ngoại giao cũng sẽ thông tin cho các đối tác quốc tế về đường lối đối ngoại đã được Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra cũng như những biện pháp mà chúng ta mong muốn để cùng thúc đẩy quan hệ hợp tác vì lợi ích chung, vì hoà bình, ổn định và hợp tác ở khu vực và quốc tế.