Nhu cầu có thật của xã hội
Có ý kiến cho rằng hoạt động đòi nợ thuê là một nhu cầu của xã hội. Trên thực tế, các chủ thể trong quan hệ kinh tế, dân sự (người dân, tổ chức, doanh nghiệp…) vẫn vay nợ lẫn nhau và việc một bên không trả nợ đúng hạn hoặc chây ỳ vẫn thường xuyên xảy ra. Vì nhiều lý do, thay vì kiện ra Tòa án, nhiều chủ thể đã chọn giải pháp là thuê các công ty thu hồi nợ để đòi lại khoản nợ.
Để điều chỉnh mối quan hệ này, pháp luật hiện hành đã quy định tương đối rõ ràng về quyền hạn, nghĩa vụ trách nhiệm các bên. Có thể kể đến Nghị định 104/2007/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ đòi nợ và Nghị định 96/2016/NĐ-CP quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện…
Theo đó, người lao động trong hoạt động dịch vụ đòi nợ phải có trình độ học vấn từ trung cấp trở lên thuộc một trong các ngành: Kinh tế, quản lý, pháp luật, an ninh. DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải hoạt động nghiệp vụ trong phạm vi pháp luật cho phép; không được giao hoặc ủy quyền lại cho cá nhân ngoài DN hoặc tổ chức khác thực hiện các hoạt động này, trừ trường hợp tổ chức đó cũng là DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ; và việc ủy quyền lại phải được sự đồng ý bằng văn bản của chủ nợ hoặc khách nợ.
Tuy nhiên, khi đi đòi nợ cho khách hàng, hầu hết các DN này đều sử dụng những thành phần “xã hội đen” để thị uy, gây sức ép nhằm “nắn gân” con nợ. Thậm chí, các đối tượng này đã sử dụng nhiều biện pháp đòi nợ phản cảm, vi phạm pháp luật, như mang quan tài, vòng hoa đến để trước cửa nhà con nợ, ném chất bẩn vào nhà người vay nợ. Vụ việc xảy ra tại quán phở Hòa tại TP HCM vào tháng 7 vừa qua là ví dụ điển hình, khiến chủ quán phải nhiều lần trình báo công an nhờ can thiệp.
Một câu hỏi được đặt ra, tại sao người dân và các DN không đòi nợ qua con đường Tòa án mà lại phải qua một đơn vị trung gian đòi nợ thuê, tạo điều kiện cho việc đòi nợ theo kiểu “xã hội đen” lên ngôi?
Lý giải điều này, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, thực tế việc đòi nợ thông qua con đường Tòa án còn không ít phiền hà bởi qua nhiều thủ tục, hiệu quả kém; trong khi việc thuê dịch vụ đòi nợ vừa nhanh gọn, hứa hẹn tỷ lệ thành công cao hơn.
Theo số liệu thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, tỷ lệ thành công khi dùng những dịch vụ thu hồi nợ đạt 70-80% và thời gian từ 1 -3 tháng. Còn sử dụng phương án khởi kiện tại Tòa thì hiệu quả thu hồi chỉ khoảng 50% và thời gian kéo dài lâu hơn, thậm chí có vụ kéo dài vài năm.
Phải đánh giá kỹ tại sao phải cấm?
Chính vì nhiều công ty thu hồi nợ có những hoạt động biến tướng, hành xử một cách manh động, bất chấp pháp luật, đe dọa tính mạng của người dân và an ninh, trật tự xã hội, nên UBND TP HCM và một số tỉnh, thành khác đã nhiều lần kiến nghị Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ đưa loại hình hoạt động đòi nợ thuê vào danh mục ngành nghề cấm kinh doanh.
Một băng nhóm đòi nợ thuê, đánh người, bị bắt. |
Dự thảo mới nhất của Luật Đầu tư (sửa đổi) có nội dung đưa loại hình “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. Ngày 16/10 vừa qua, tại Phiên họp 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khi cho ý kiến dự án Luật này, Chính phủ đã đề nghị cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ”, nhằm giải quyết triệt để những hệ lụy và tác động tiêu cực từ hoạt động dịch vụ đòi nợ thuê.
Trước đề xuất này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (cơ quan thẩm tra dự án luật), cho rằng việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế của cuộc sống, đáp ứng nhu cầu của khách hàng khi các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ sử dụng các công cụ, biện pháp đạt kết quả, phù hợp với các quy định pháp luật.
“Thời gian qua do chưa có quy định rõ ràng, chặt chẽ về các yêu cầu, điều kiện phải tuân thủ đối với hoạt động này nên đã nảy sinh một số trường hợp biến tướng, lạm dụng, có dấu hiệu vi phạm trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm đến sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của công dân. Ủy ban Kinh tế đề nghị không nên cấm với hoạt động kinh doanh này, thay vào đó, cần bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bảo đảm quản lý nhà nước chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh này”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói.
Nêu quan điểm không ủng hộ loại hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ, nhưng bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cho rằng khi chuyển từ kinh doanh có điều kiện sang cấm kinh doanh thì phải đánh giá kỹ tác động.
Bà Nga đề nghị xem lại kiến nghị cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ của UBND một số tỉnh, thành xem cụ thể kiến nghị gì, tình hình tổng thể cả nước thế nào. “Tổng kết này phải có đánh giá, xem những điều kiện trong nghị định có phù hợp không. Vì sao lại bảo là bây giờ phải cấm?”, bà Nga đề nghị.
Cùng quan điểm này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng nhấn mạnh cần tổng kết về quy định kinh doanh dịch vụ đòi nợ, phải đánh giá kỹ tại sao phải cấm.
Cấm hay không?
Một số chuyên gia, luật sư nhận định những hành vi biến tướng của dịch vụ đòi nợ đã và đang gây khó khăn cho các cơ quan quản lý và tác động xấu tới xã hội. Việc cơ quan chức năng lo lắng và có đề xuất giải pháp nhằm quản lý xã hội tốt hơn là chính đáng, nhưng không nên vì lý “không quản được thì cấm”. Do đó, nhiều ý kiến đề nghị không nên cấm dịch vụ đòi nợ thuê mà nên sửa các quy định hiện hành, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để đưa hoạt động này vào khuôn khổ.
Trả lời báo chí, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, cần bình tĩnh trong việc phân tích những điểm được cũng như chưa được trong hoạt động của các công ty thu hồi nợ trong thời gian vừa qua để có định hướng, biện pháp tốt hơn trong thời gian tới.
Bởi sự ra đời của các công ty thu hồi nợ hoàn toàn phù hợp quy luật vận động của thị trường cũng như các nhu cầu xã hội, đặc biệt là nhu cầu vay ngày càng đa dạng, phức tạp với quy mô ngày càng lớn hơn. Với những công ty thu hồi nợ, nếu sử dụng công cụ không hợp pháp hoặc vi phạm pháp luật thì cần phải ngăn ngừa, thậm chí có những biện pháp chấm dứt hoạt động để làm gương.
Luật sư Lê Thiên, Công ty Luật Lê và Liên danh cho rằng, muốn siết chặt quản lý hoạt động của các công ty thu hồi nợ, cần hoàn thiện các quy định pháp luật để đưa hoạt động này đi vào “quỹ đạo” pháp luật; đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan công an trong việc kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê. Bởi thực tế hoạt động đòi nợ thuê thời gian qua cho thấy, nếu không quản lý tốt thì các DN vẫn tìm mọi cách để “lách luật”, sử dụng các biện pháp kiểu “xã hội đen” để trấn áp con nợ.
Luật sư Lê Văn Trung, Công ty Luật Hợp danh Đông Nam Á: Không nên cấm
Việc cá nhân, tổ chức cho ai đó vay tiền thì việc đòi tiền là quyền của họ, trong trường hợp họ không tự mình thực hiện được quyền này thì hoàn toàn có thể ủy quyền cho tổ chức khác đòi nợ thay mình. Điều này đã được quy định rất rõ trong các văn bản quy phạm pháp luật. Hiến pháp 2013 cũng quy định việc bảo vệ quyền và tài sản hợp pháp của mọi cá nhân, tổ chức…
Vấn đề là tổ chức đòi nợ thuê phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, không được vượt quá giới hạn, phạm vi được ủy quyền, đặc biệt không được sử dụng những biện pháp mà pháp luật cấm để đe dọa, trấn áp con nợ. Khi hoạt động đòi nợ thuê diễn ra trong khuôn khổ pháp luật thì lúc ấy quyền lợi của các bên liên quan sẽ được bảo đảm. Vì lý do trên, tôi cho rằng không nên cấm hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Ông Hoàng Ngọc Cẩn, nguyên Trưởng phòng Kiểm sát xét xử, Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội: Nên cấm dịch vụ đòi nợ thuê
Dịch vụ đòi nợ thuê là quan hệ giao dịch dân sự thông thường, nhưng trên thực tế, hầu hết những vụ đòi nợ thuê đều vi phạm pháp luật, dẫn tới án hình sự. Đó là những vụ việc mà công ty đòi nợ thuê sử dụng nhân viên, lực lượng bảo vệ trá hình (dùng những thành phần cộm cán, “xã hội đen” để trấn áp con nợ), khiến con nợ lâm vào hoàn cảnh buộc phải chấp nhận đưa tiền cho các đối tượng này. Khi đó, vụ việc đã có dấu hiệu của hành vi cưỡng đoạt tài sản.
Quan điểm của cá nhân tôi là nên cấm dịch vụ kinh doanh đòi nợ thuê, vì từ xưa tới nay, nhiều vụ án hình sự liên quan đến hành vi cướp, cưỡng đoạt tài sản… đều xuất phát từ dịch vụ đòi nợ thuê. Hơn 20 năm trước, vụ án liên quan đến “Khánh Trắng” cũng từ hành vi đòi nợ thuê.
Tôi cho rằng việc cho phép thành lập DN đòi nợ thuê sẽ đi ngược lại nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Dân sự, đó là trong mọi giao dịch dân sự, khi một trong các bên bị vi phạm quyền và nghĩa vụ thì đều được giải quyết bằng trình tự Tòa dân sự, pháp luật dân sự. Vì vậy không nên có một đạo luật chuyên ngành quy định vượt “thẩm quyền” của Bộ luật Dân sự.
Vân Anh (ghi)