Tham dự Hội nghị có ông Cao Đăng Vinh (Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp, Phó Trưởng Ban Quản lý Chương trình HTPLLN), ông Tào Bằng Huy (Phó Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), ông Đào Duy Hiện (Phó Trưởng Ban Chính sách, Bảo hiểm xã hội Việt Nam). Ở tỉnh Thừa Thiên Huế có lãnh đạo Sở Tư Pháp, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Trung tâm Dịch vụ Việc làm, Liên đoàn Lao động, Ngân hàng Chính sách xã hội.
Theo ông Cao Đăng Vinh, việc sửa đổi bổ sung các quy định trong Luật Việc làm nhằm tạo điều kiện phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, linh hoạt, thống nhất, hội nhập. Phát triển kỹ năng nghề, nâng cao nguồn nhân lực.
|
Ông Cao Đăng Vinh (Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp) phát biểu khai mạc |
Với mong muốn lắng nghe ý kiến của cơ quan, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp cung cấp thêm thông tin cho Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ tư pháp trong quá trình tham gia xây dựng, hoàn thiện dự thảo Luật nên Hội nghị này diễn ra.
|
Ông Tào Bằng Huy, Phó Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. |
Tại Hội nghị ông Hồ Dần (Phó GĐ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế) cũng nêu quan điểm, vướng mắc, bất cập như: Một số cơ sở sản xuất kinh doanh và người lao động có nhu cầu nhưng chưa tiếp cận được các thông tin về nguồn vốn vay giải quyết việc làm; vẫn còn có tình trạng người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thông qua người môi giới dẫn đến nộp chi phí cao hơn so với thực tế.
Hiện nay, theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 29.906 người khuyết tật, 1.928 người bị nhiễm chất độc hóa học, 172.343 hội viên phụ nữ và 183.127 người cao tuổi. Trong đó, một số lượng không nhỏ những đối tượng đặc thù trên có khả năng lao động và có nhu cầu tìm kiếm việc làm. Bộ Luật Lao động năm 2019 đã quy định các chế độ, chính sách đối với nhóm lao động đặc thù trên. Tuy nhiên, Luật Việc làm chưa đề cập hoặc đề cập rất ít đến các chính sách về việc làm cho những đối tượng này. Từ đó, công tác giải quyết việc làm chưa có tính bao quát toàn bộ các đối tượng trên địa bàn, chưa huy động sức mạnh của toàn xã hội và cả chính bản thân người lao động vào công tác giảm nghèo, an sinh xã hội.
Thảo luận về một số tồn tại, hạn chế và giải pháp khắc phục nhằm phát triển thị trường lao động trong bối cảnh phục hồi và phát triển. Tiến sĩ Trần Minh Sơn (Trưởng Văn phòng Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành, Bộ Tư pháp) cho rằng, hiện chưa có quy định về chính sách hỗ trợ người lao động chuyển tiếp và tìm kiếm việc làm trong bối cảnh già hóa dân số. Hiện nay, Việt Nam nằm trong số 10 nước có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới (nước ta đã bước vào giai đoạn “già hoá dân số” ngay từ năm 2011, sớm hơn 6 năm so với dự báo của Tổng cục Thống kê là năm 2017). Cả nước có gần 12 triệu người cao tuổi, phần lớn người cao tuổi có cuộc sống khó khăn, thu nhập thấp, không ổn định hoặc không có thu nhập, sống phụ thuộc vào con, cháu, người thân. Người lao động cao tuổi có rất ít lựa chọn việc làm, công việc họ tìm được chủ yếu tập trung vào các việc như: bảo vệ, giúp việc gia đình, chăm sóc người già …
|
Tiến sĩ Trần Minh Sơn (Trưởng Văn phòng Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành, Bộ Tư pháp) |
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII tiếp tục khẳng định lại, đồng thời nhấn mạnh “tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động, nhất là ở nông thôn” tuy nhiên nguồn kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp cho lao động nông thôn còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Ngoài ra, Tiến sĩ Trần Minh Sơn còn chia sẻ về chính sách hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên, bảo hiểm thất nghiệp…