Hiện nay, nền kinh tế trong và ngoài nước đang gặp phải những khó khăn nhất định, tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản. Lạm phát tăng cao gây áp lực lên giá đầu vào các dự án: Chi phí tiếp cận tài chính, chi phí nguyên vật liệu. Điều này gây ra sức ép lớn cho thị trường bất động sản trong bối cảnh hiện nay.
Nhận định về thị trường bất động sản năm 2023, TS. Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam thông tin với báo giới, sang quý II và quý III/2023, thị trường sẽ dần phục hồi. Trong đó, bất động sản công nghiệp được kỳ vọng tiếp tục là “điểm sáng” của thị trường.
Theo số liệu mới nhất từ Bộ Xây dựng, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp cả nước ở mức 90%, giá thuê tăng 5% theo quý. Một số loại hình mới như bất động sản công nghiệp may đo gồm nhà xưởng, nhà kho…còn ghi nhận tỷ lệ lấp đầy 95%, nâng vị thế cạnh tranh trực tiếp với các nước trong khu vực.
Lý giải nguyên nhân thực trạng này, nhiều chuyên gia cho rằng, ổn định chính trị và kinh tế phục hồi nhanh sau đại dịch là yếu tố then chốt. Bởi đây là mấu chốt quyết định mức hấp dẫn của Việt Nam với vốn đầu tư nước ngoài.
Chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh thông tin, Việt Nam hiện nay đang tập trung phát triển hạ tầng, tham gia tích cực vào các hiệp định thương mại, ưu đãi về thu nhập doanh nghiệp, Chính phủ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp thu hút người lao động nhờ một số Nghị định liên quan đến nhà ở xã hội trong khu công nghiệp, tận dụng hiệu quả ưu thế vốn có về lực lượng lao động dồi dào.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang nắm nhiều lợi thế so với các nước trong khu vực. Điển hình là về giá thuê trong nước hiện vẫn ở mức tương đối thấp nếu đặt lên bàn cân với Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc hay Ấn Độ…Chưa kể, nguồn lao động tại Việt Nam dồi dào, mức lương chi trả không quá cao.
Đặc biệt, với sự bùng nổ của thương mại điện tử trong những năm gần đây, bất động sản công nghiệp sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư gốc Á như Singapore, Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc), Hàn Quốc…
Tuy nhiên, ông Thịnh cũng cho biết, nhóm các nhà đầu tư cập bến thị trường Việt Nam trong giai đoạn 2022 - 2023 đang có xu hướng tìm kiếm bất động sản hậu cần (logistics) chất lượng ngày càng cao. Đây là thách thức của các nhà đầu tư khi xây khu công nghiệp cho thuê trong thời gian tới.
Hơn nữa, khi dòng tiền đổ vào lĩnh vực địa ốc không đủ để tạo lực đẩy trên thị trường, tất yếu thanh khoản sẽ gặp khó, doanh nghiệp và nhà đầu tư lao đao. Năm 2022, câu chuyện khát vốn đã trở thành một chủ đề nóng được bàn thảo trên các diễn đàn, toạ đàm. Đó cũng được coi là nút thắt quan trọng tác động đến sự nóng, lạnh hay phát triển bình ổn của bất động sản.
Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Phan Việt Hoàng, Phó Tổng thư ký Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) nhận định, điểm khó khăn chính của thị trường chính là vấn đề tín dụng và các kênh dẫn vốn cho bất động sản bên cạnh điểm nghẽn pháp lý.
Bước sang năm 2023, giới chuyên gia và đầu tư kỳ vọng về dòng vốn mới sẽ đổ bộ vào thị trường, tạo đòn bẩy trỗi dậy của bất động sản.
Hơn nữa, dưới sự chỉ đạo rất quyết liệt, tích cực, bằng nhiều giải pháp của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, một số chỉ tiêu vĩ mô đã có những dấu hiệu rất tích cực. Chính vì thế, Ngân hàng Nhà nước đã xem xét và quyết định nới thêm hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại để tạo đà cho doanh nghiệp vận hành năm 2023. Quyết định mới nhất việc nới hạn mức (room) tín dụng thêm 1,5-2%, sẽ có 240.000 tỉ đồng được cung ứng thêm cho nền kinh tế kể từ nay đến hết năm.
Bên cạnh đó, dự báo năm 2023 trái phiếu sẽ dần phục hồi.
Ngoài ra, nguồn vốn đầu tư nước ngoài vẫn có nhiều triển vọng gia tăng. Hơn 200 đại diện cấp cao từ các công ty đầu tư hàng đầu đã chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư ưu tiên nhất và đứng thứ 2 trong nhóm các thị trường mới nổi. Việt Nam đang trở thành điểm sáng trong thu hút sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư FDI và lần đầu tiên Việt Nam lọt vào Top 20 nền kinh tế về thu hút FDI trên thế giới. Cộng với nguồn vốn đầu tư công cam kết tăng mạnh.
Một số chuyên gia cho rằng, Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2023 với tổng vốn trên 700.000 tỷ đồng, tăng khoảng 25% so với kế hoạch năm 2022 và tăng khoảng 260.000 tỷ đồng so với kế hoạch năm 2021. Năm 2023 cũng yêu cầu phải giải ngân toàn bộ số vốn thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội. Áp lực lớn, nhưng nếu thực thi hiệu quả, sẽ tạo động lực tăng trưởng quan trọng cho nền kinh tế.