“Mạc triều vang bóng - còn mãi ngàn năm”
Tham dự buổi lễ có ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; đại diện một số bộ, ngành Trung ương... Về phía lãnh đạo thành phố có các ông: Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng; ông Đỗ Mạnh Hiến, Phó bí thư Thường trực Thành ủy; Các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Phạm Văn Lập, Chủ tịch HĐND thành phố; Lê Anh Quân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố; Nguyễn Đình Chuyến, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy; Phạm Văn Thép, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy...
|
Các đại biểu tham dự Lễ đón Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt |
Lễ đón nhận gồm các nội dung: dâng hương tưởng niệm; trình chiếu phóng sự giới thiệu cụm di tích quốc gia đặc biệt liên quan đến nhà Mạc tại huyện Kiến Thụy; công bố quyết định và trao bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt... Điểm nhấn là chương trình nghệ thuật sử thi đặc biệt mang tên “Mạc triều vang bóng còn mãi ngàn năm”.
Cụm di tích liên quan đến nhà Mạc tại huyện Kiến Thụy, bao gồm năm địa điểm nổi bật: Khu tưởng niệm Vương triều Mạc, Từ đường họ Mạc, chùa Trà Phương, chùa Nhân Trai và đền - chùa Hòa Liễu. Theo Quyết định số 152/QĐ-TTg ngày 17/1/2025 của Thủ tướng Chính phủ, cụm di tích này đã chính thức được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt, đánh dấu bước ngoặt trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa lịch sử của Hải Phòng.
Khu tưởng niệm Vương triều Mạc, nằm tại xã Ngũ Đoan, được xây dựng trên nền móng điện Tường Quang, nơi phát tích triều Mạc. Công trình có quy mô bề thế với diện tích 2,5 ha, gồm nhà chính điện, nghi môn, hồ cá và nhà văn bia. Từ đường họ Mạc, di tích cấp quốc gia từ năm 2002, mang kiến trúc thời Nguyễn với các mảng chạm khắc gỗ tinh xảo, lưu giữ nhiều hiện vật quý như bia ký và đồ tế tự.
Chùa Trà Phương và chùa Nhân Trai là hai ngôi chùa cổ, lần lượt được xếp hạng di tích cấp quốc gia và cấp thành phố, lưu giữ các pho tượng và hiện vật độc đáo liên quan đến nhà Mạc. Đền - chùa Hòa Liễu, nổi tiếng với lễ hội Minh Thề - di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, là điểm đến tâm linh thu hút đông đảo du khách. Các di tích này không chỉ phản ánh thời kỳ hưng thịnh của nhà Mạc mà còn lưu giữ ba bảo vật quốc gia: thanh Định Nam Đao, tượng Mạc Đăng Dung và phù điêu Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn.
|
Các đại biểu dâng hương tưởng nhớ công ơn Vương Triều nhà Mạc |
Kinh đô đầu tiên của thành phố cửa biển
Trong lịch sử phong kiến Việt Nam, nhà Mạc là một trong những triều đại nắm triều chính ngắn chỉ với 66 năm (1527 - 1592) nhưng đã để lại cho đời sau nhiều dấu ấn và hàng loạt chứng tích lịch sử trên dải đất duyên hải Bắc Bộ. Nổi bật hơn cả là vùng đất Dương Kinh (Hải Phòng) được xem là kinh đô đầu tiên của người dân vùng biển do nhà Mạc dựng lên.
Sử sách ghi lại: Vương triều Mạc do Thái tổ Mạc Đăng Dung (1483-1541) sáng lập ra. Ông là người làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương (nay là làng Cổ Trai, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng). Ông thuộc dòng dõi, con cháu của những danh nho đời Trần như Mạc Hiển Tích, Mạc Đĩnh Chi.
Tuy sinh ra trong gia cảnh nghèo khó, nhưng ông lại có tài năng võ nghệ nên đã trúng tuyển cuộc thi tuyển dũng sĩ và dành hơn 20 năm cuộc đời phục vụ dưới 4 triều vua Lê. Trong khoảng thời gian đó, ông đã lập được nhiều chiến công và nắm quyền chỉ huy binh mã cả nước. .
Nhà Mạc đã trải qua 5 đời vua: Mạc Đăng Dung (1527 - 1529), Mạc Đăng Doanh (1530 - 1540), Mạc Phúc Hải (1541 - 1546), Mạc Phúc Nguyên (1547 - 1561) và Mạc Mậu Hợp (1562 - 1592). Đến đầu năm 1593, triều đại nhà Mạc chính thức khép lại dưới tay quân Lê-Trịnh, đánh dấu 66 năm trị vì.
|
Bí Thư Thành uỷ Hải Phòng Lê Tiến Châu dâng hương tưởng nhớ công ơn Nhà Mạc |
Trong suốt quãng thời gian 66 năm đó, nhà Mạc đã đưa ra nhiều chính sách cải cách, phát triển kinh tế làm cho đời sống nhân dân no đủ, xã hội ổn định. Nhà Mạc không theo chính sách “trọng nông, ức thương” như thời Lê sơ nhưng đã đưa được kinh tế vùng Đông Bắc mạnh lên với thủ công, thương nghiệp phát triển, tiêu biểu như gốm sứ thời nhà Mạc đã vươn tới thị trường Đông Nam Á và các nước Trung Đông … Thời Mạc còn được gọi là “Mạc Thị sùng Nho”, trọng Nho sĩ, nhiều kỳ thi đã được tổ chức dù chiến tranh xuất hiện liên miên. Dưới thời nhà Mạc nhiều hiền tài đã xuất hiện, tiêu biểu trong số những hiền tài của đất nước thời bấy giờ là Tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ và Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Tại khu tưởng niệm Vương triều nhà Mạc hiện còn những cổ vật quý giá đang được lưu giữ tại đây như: chiếc bình với hình ảnh chùa Một Cột, chim hạc; chuông Đại Hồng Chung nặng 1.527 kg; chiêng đồng khắc nổi 2 con rồng; đặc biệt là thanh Bảo Long đao (hay còn gọi là Định Nam đao) - được coi là “huyền tích quốc bảo 500 năm tuổi”. Đầu năm 2020, thanh Định Nam đao đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật Quốc gia.