Đồng bằng sông Cửu Long chủ động ứng phó hạn mặn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Từ nay đến đầu tháng 5, các đợt xâm mặn có xu thế tăng cao, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống dân sinh. Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long vẫn đang chủ động ứng phó, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn mặn gây ra.
Đập thép ngăn mặn, trữ ngọt trên kênh Nguyễn Tấn Thành (Tiền Giang).
Đập thép ngăn mặn, trữ ngọt trên kênh Nguyễn Tấn Thành (Tiền Giang).

Hạn mặn phụ thuộc vào thủy điện đầu nguồn

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng-Thủy văn quốc gia, trong các tháng mùa khô năm 2021-2022, xâm nhập mặn ở tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như năm ngoái.

Mùa lũ năm nay tại các tỉnh ĐBSCL sẽ thấp và muộn hơn do 11 đập ở phía Trung Quốc và 34 đập ở phần hạ lưu vực (Thái Lan, Lào và Tây Nguyên) tích nước. Hiện các hồ chứa thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Kông đang hạn chế xả nước để tích nước chạy máy phát điện, dẫn đến khả năng xâm nhập mặn sẽ xuất hiện sớm tại ĐBSCL trong mùa khô 2021-2022.

Theo cảnh báo của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam (SIWRR), xâm nhập mặn ở ĐBSCL diễn ra sớm, sâu, nước về ít ngay từ đầu mùa khô 2021-2022. Ngay từ tháng 2/2022, tại các địa phương vùng giữa (gồm TP. Cần Thơ, các tỉnh Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Hậu Giang, Ðồng Tháp, Vĩnh Long và vùng được kiểm soát mặn ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre), mặn với nồng độ 4‰ (không dùng tưới cho cây ăn quả) có thể xâm nhập sâu 50-65km.

Các đợt xâm nhập mặn sẽ xuất hiện vào các thời kỳ từ ngày 26/2 đến 5/3, 28/3 đến 3/4 và 29/4 đến 4/5. Dự báo đỉnh điểm hạn mặn tại ĐBSCL trong mùa khô 2021-2022 sẽ diễn ra vào tháng 3 và 4/2022. Vùng ven biển ĐBSCL, mặn xuất hiện sớm và kéo dài có thể làm ảnh hưởng đến nguồn nước và sản xuất ở các hệ thống thuỷ lợi ven biển.

PGS, TS. Nguyễn Nghĩa Hùng, Phó Viện trưởng SIWRR cho biết, do có điều tiết gia tăng từ các thuỷ điện trên lưu vực, vì vậy nguồn nước cho sản xuất ở mùa khô năm 2021-2022 được dự báo ở mức tương đương với năm 2020-2021, nguồn nước phụ thuộc vào việc vận hành của các đập thuỷ điện thượng nguồn. Khả năng mặn xâm nhập sớm, sâu, nước về ít ngay từ đầu mùa khô và có thể xảy ra những biến động bất thường ở bất cứ thời điểm nào do vận hành thuỷ điện. Vì vậy, các địa phương cần chủ động tích nước ngọt dự phòng cho mùa khô.

Nhiều giải pháp ứng phó hạn mặn

Ứng phó với xâm nhập mặn, hạn hán, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng, hoàn thiện và trình Chính phủ Đề án đảm bảo an ninh tài nguyên nước quốc gia. Một trong những mục tiêu cụ thể (đến năm 2030) của Đề án là ưu tiên giải quyết, khắc phục có hiệu quả tình trạng hạn hán, thiếu nước vào mùa khô tại vùng ĐBSCL.

Nhiệm vụ, giải pháp, chương trình trọng tâm, trọng điểm được xác định là: xây dựng và thực hiện các giải pháp tổng thể tăng cường khả năng ứng phó tác động biến đổi khí hậu và các rủi ro khác liên quan đến nước, đặc biệt tăng cường khả năng trữ lũ, giữ nước ngọt, công trình bổ sung nhân tạo nước dưới đất với quy mô phù hợp với từng vùng, từng lưu vực sông nhằm khắc phục hiệu quả tình trạng hạn hán thiếu nước vào mùa khô vùng ĐBSCL, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, vùng sâu, vùng xa và các hải đảo.

Tại tỉnh Tiền Giang, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn của tỉnh cùng đơn vị thi công đã triển khai xây dựng đập thép tạm, ngăn mặn, trữ ngọt trên kênh Nguyễn Tấn Thành với tổng kinh phí khoảng 10 tỷ đồng, góp phần bảo vệ nước sản xuất và sinh hoạt cho người dân 2 tỉnh Tiền Giang và Long An.

Ở Cần Thơ, Ban Quản lý Dự án ODA thành phố đã tập trung thực hiện các hạng mục ưu tiên của Dự án 3 có tổng mức đầu tư lên đến hơn 7.343 tỷ đồng, tăng cường khả năng thích ứng của đô thị trước sự biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp…

Các địa phương tỉnh Vĩnh Long ưu tiên đầu tư nạo vét kênh mương, nhất là hệ thống thủy lợi nội đồng, đắp đập thời vụ ngăn mặn và trữ ngọt chống hạn. Trong đó, tỉnh bảo đảm ngăn mặn, cấp nước tưới cho hơn 20 nghìn ha lúa hè thu, hơn 3.700 ha cây màu ở các huyện bị nhiễm mặn cao như Vũng Liêm, Trà Ôn, Mang Thít, Tam Bình và Long Hồ. Trong khi đó, người dân nơi đây cũng đã có kinh nghiệm ứng phó với hạn mặn qua nhiều năm. Để thích ứng với xu thế chung, người dân đã mua túi trữ nước ngọt để dùng tưới vườn cây ăn quả mỗi khi vào mùa hạn mặn.

Năm nay, hàng chục nghìn hộ nông dân ở các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng đã chủ động được nguồn nước ngọt trong sản xuất và sinh hoạt, do cống Cái Lớn, Cái Bé đã đi vào vận hành giai đoạn 1, ngăn mặn từ biển Tây để trữ ngọt cho một vùng rộng 384.120ha.

Bên cạnh đó, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng mô hình sản xuất mới, ứng dụng công nghệ hiện đại, liên kết vùng… được coi là những giải pháp hữu hiệu để phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL.