Động đất liên tiếp xảy ra tại Kon Tum: Viện Vật lý địa cầu đề xuất thiết lập ngay 10 trạm quan trắc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm KH&CN), cần thiết lập ngay mạng trạm quan trắc động đất tại khu vực huyện Kon Plông và lân cận của tỉnh Kon Tum để phục vụ thông tin, số liệu cũng như có nghiên cứu chuyên sâu. Đặc biệt là đẩy mạnh tuyên truyền kiến thức, kỹ năng phòng tránh rủi ro động đất cho người dân.
Vị trí xảy ra động đất ở Kon Tum sáng 21/4.

Vị trí xảy ra động đất ở Kon Tum sáng 21/4.

1 năm gần đây, 180 trận động đất

Chỉ từ đêm 20/4 đến sáng 21/4, khu vực huyện Kon Plông của tỉnh Kon Tum lại ghi nhận thêm 3 trận động đất, nâng tổng số trận động đất trong một năm trở lại đây lên khoảng 180 trận.

Trận động đất đầu tiên xảy ra lúc 00h55’ giây với độ lớn 3,2 và độ sâu 8,3km. Sau đó, lúc 1h5’ một trận động đất có độ lớn 2,9 ở độ sâu 8,6km lại xảy ra ở huyện Kon Plông. Rồi động đất lại xảy ra lúc 4h12 rạng sáng 21/4 ở Kon Plông với độ lớn 2,5, độ sâu khoảng 8,1km.

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm KH&CN) cho biết, chỉ tính từ tháng 4/2021 đến nay, khu vực Kon Plông đã ghi nhận khoảng 180 trận động đất, gấp hơn 5 lần tổng số động đất xảy ra trong suốt thời gian từ 1903 đến 2020.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, các cơ quan chức năng đang tích cực vào cuộc. Viện Vật lý địa cầu đã cử cán bộ tham gia Đoàn công tác BCĐ Quốc gia về phòng, chống thiên tai đi khảo sát thực tế tại địa bàn Kon Tum để đánh giá sơ bộ hoạt động động đất.

"Cần phải thiết lập ngay mạng trạm quan trắc động đất (khoảng 10 trạm) tại khu vực huyện Kon Plông và lân cận để phục vụ thông tin, số liệu về động đất", ông Xuân Anh đề xuất giải pháp. Từ đó, các cơ quan chức năng sẽ thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu về độ nguy hiểm và rủi ro động đất với khu vực huyện Kon Plông. Đồng thời cũng cần rà soát, đánh giá về công tác thiết kế kháng chấn với các dự án thủy điện và các công trình quan trọng trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Theo ông Xuân Anh, việc nghiên cứu nguyên nhân phát sinh chuỗi động đất xảy ra tại huyện Kon Plông và lân cận, tiến hành đánh giá mức độ rủi ro cũng như xây dựng các kịch bản ứng phó rủi ro có thể xảy ra cho khu vực huyện Kon Plông và lân cận đang được các cơ quan chức năng tích cực triển khai. Tuy nhiên trước mắt, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hiện tượng động đất và ứng phó động đất cho người dân nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của động đất.

"Do trước đây, động đất xảy ra ở khu vực này không nhiều nên nhiều người dân vẫn chưa biết tới, dẫn tới tâm lý hoang mang, lo lắng. Trong bối cảnh hiện nay, cơ quan chức năng cần phải tăng cường tuyên truyền cho người dân bằng nhiều phương thức như phát tờ rơi hoặc tổ chức các buổi tuyên truyền", ông Xuân Anh nói.

Làng Đăk Tăng, nơi thời gian qua xảy ra nhiều trận động đất (Hình: vnexpress.net)

Làng Đăk Tăng, nơi thời gian qua xảy ra nhiều trận động đất (Hình: vnexpress.net)

Nâng cao kỹ năng phòng tránh rủi ro cho cộng đồng

Theo ông Xuân Anh, không chỉ ở Kon Tum, trong thời gian tới, công tác tuyên truyền về động đất cũng cần được đẩy mạnh hơn nữa ở các địa phương. Bởi trước tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam là một trong những nước đã xảy ra nhiều trận động đất và dễ bị tổn thương do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Theo thống kê của Viện Vật lý địa cầu, tại Việt Nam, động đất không quá lớn và thường xuyên như một số quốc gia khác. Nhưng 2 năm gần đây, Viện Vật lý địa cầu đã ghi nhận được hàng trăm trận động đất có độ lớn trên 2,5 và rất nhiều động đất nhỏ khác xảy ra trên lãnh thổ nước ta.

Kiến thức về động đất, sóng thần, giải pháp phòng, chống, giảm nhẹ rủi ro của cộng đồng dân cư và các cấp quản lý đang còn hạn chế. Việc tuyên truyền phổ biến kiến thức về động đất và các kỹ năng phòng tránh rủi ro động đất cho cộng đồng sẽ góp phần giảm thiểu rủi ro, nâng cao kỹ năng ứng phó.

Về công tác dự báo động đất, theo ông Xuân Anh, đến nay, rất khó để dự báo được chính xác thời điểm xảy ra động đất. Các nhà khoa học chỉ có thể dự báo được độ lớn của động đất. Ngay cả Nhật Bản là một nước thường xuyên xảy ra động đất, các nhà khoa học cũng không dự báo được thời điểm xảy ra động đất. Hiện Ấn Độ mới dự báo được một số vụ động đất kích thích không phải tự nhiên.

Chính vì vậy, các quốc gia trên thế giới thường nghiên cứu chuyên sâu để đánh giá được mức độ lớn của động đất, đồng thời tập trung tìm các biện pháp giảm nhẹ hậu quả động đất, ưu tiên nghiên cứu xây dựng những công trình có khả năng chịu động đất cao, cũng như huấn luyện cho người dân những kỹ năng tồn tại và sống sót sau thảm họa…

Trước việc liên tiếp xảy ra một số trận động đất tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, ngày 20/4, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành.

Phó Thủ tướng giao Viện Hàn lâm KH&CN chỉ đạo Viện Vật lý địa cầu tiếp tục thực hiện quan trắc, giám sát động đất tại khu vực nêu trên, báo tin kịp thời cho các cơ quan và nhân dân biết để chủ động ứng phó phù hợp.

Các Bộ: Công Thương, NN&PTNT, GTVT theo chức năng quản lý nhà nước được giao chỉ đạo theo dõi, đánh giá, chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn hồ đập thủy điện, thủy lợi và công trình kết cấu hạ tầng giao thông trong khu vực có thể chịu ảnh hưởng do động đất, không để xảy ra sự cố bất ngờ, mất an toàn công trình.

Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp Viện Hàn lâm KH&CN và các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra, nghiên cứu, đánh giá cụ thể nguyên nhân, mức độ và nguy cơ ảnh hưởng của động đất và công bố để chính quyền và nhân dân biết chủ động ứng phó phù hợp, tránh gây tâm lý hoang mang trong nhân dân.

UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo cơ quan chức năng triển khai việc tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn nhân dân biết các biện pháp ứng phó, tránh hoang mang, hoảng loạn khi xảy ra động đất.

Đọc thêm