Đồng loạt giảm lãi suất, nhiều ngân hàng vẫn lãi “khủng”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chia sẻ với khó khăn của khách hàng do ảnh hưởng từ dịch COVID-19, các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm vừa công bố cho thấy nhiều ngân hàng có mức lợi nhuận “khủng”.
Vietcombank tiếp tục là quán quân về lợi nhuận trong các ngân hàng Việt Nam.
Vietcombank tiếp tục là quán quân về lợi nhuận trong các ngân hàng Việt Nam.

“Nóng” với lợi nhuận ngân hàng

Theo báo cáo kết quả kinh doanh của Vietcombank, trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng (NH) này đã đạt 14.560 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước, tiếp tục giữ vị trí quán quân về lợi nhuận trong các NH Việt Nam. Với mục tiêu lợi nhuận 25.580 tỷ đồng trong năm nay, Vietcombank đã hoàn thành được hơn 56% sau 6 tháng.

Thấp hơn Vietcombank, Vietinbank ước tính lợi nhuận trước thuế trong 6 tháng đạt khoảng 13.000 tỷ đồng, nhưng tăng 74% so với cùng kỳ năm trước. So với chỉ tiêu lợi nhuận 16.800 tỷ đồng của cả năm, Vietinbank đã hoàn thành hơn 3/4 kế hoạch.

Với khối các NH tư nhân, rất nhiều NH đã báo lãi lớn. Sáu tháng đầu năm 2021, Kienlongbank thông báo lợi nhuận trước thuế đạt 805,70 tỷ đồng, tăng 409,26 % so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 80,57% kế hoạch năm; TPBank đạt lợi nhuận trước thuế hơn 3.007 tỷ đồng, tăng 47,8% so với cùng kỳ năm trước và tương đương 54% kế hoạch cả năm; VPBank đạt lợi nhuận hợp nhất trước thuế hơn 9.000 tỷ đồng, tăng 37,2% so với cùng kỳ năm 2020…

Báo cáo mới đây của Tổng cục Thuế cũng cho biết, thu ngân sách 6 tháng đầu năm đạt khá, được đánh giá chủ yếu do đà tăng trưởng kinh tế từ cuối năm 2020 và tăng thu từ một số nguồn thu do được hưởng lợi từ các chính sách tài khóa, tiền tệ của năm 2020, trong đó một số ngành đạt mức tăng trưởng cao, nóng như: NH, chứng khoán, bất động sản...

Trong đó, khối các NH thương mại có số thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) quý IV/2020 và nộp sau quyết toán tăng 72,9% so với cùng kỳ tương đương khoảng 6.000 tỷ đồng (trong khi thu từ hoạt động kinh doanh chứng khoán tăng gấp 2,47 lần cùng kỳ, tương đương tăng khoảng 2.600 tỷ đồng...).

Theo nhận định của Công ty Cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Reporrt), những số liệu này cho thấy gần như ngành NH đã bước được vào nền tăng trưởng mới với các yếu tố hỗ trợ như là lãi suất huy động ở mức thấp, trong khi lãi suất cho vay giảm chưa tương ứng. Thêm vào đó, nhiều NH còn huy động được lượng lớn trái phiếu kỳ hạn dài với lãi suất thấp, giúp cho biên lãi ròng của NH được cải thiện.

“Trái ngọt” của ngành kinh doanh đặc biệt

Trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị thường niên lần thứ nhất Hiệp hội NH Việt Nam (VNBA) nhiệm kỳ VII mới đây, ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng Thư ký VNBA thừa nhận, con số lợi nhuận được các phương tiện thông tin đại chúng cung cấp so với mặt bằng xã hội là con số khá lớn, nhưng nếu tính bình quân trên mặt bằng tổng tài sản, vốn điều lệ, các chỉ số tài chính như ROA, ROE… thì lợi nhuận của các tổ chức tín dụng (TCTD) không phải cao so với một số ngành, lĩnh vực khác.

Tổng Thư ký VNBA khẳng định, lợi nhuận của các TCTD là kết quả của cả một quá trình và được tổng hợp từ nhiều yếu tố như: Cơ chế chính sách của Nhà nước được ban hành kịp thời (Nghị quyết 42), chủ trương, chính sách chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trúng và phù hợp với thực tế hỗ trợ và tạo điều kiện cho hoạt động NH; nỗ lực quyết liệt tái cơ cấu của TCTD; việc NH chủ động đầu tư sớm vào ứng dụng công nghệ NH hiện đại với chi phí rất lớn trước đây nay đã thu được “trái ngọt”, vừa giúp khách hàng tiếp cận dễ dàng với dịch vụ, sản phẩm NH với nhiều tiện ích, vừa giúp NH tiết giảm chi phí hoạt động; nguồn thu từ thu nhập bất thường…

Theo Tổng Thư ký VNBA, lợi nhuận của NH đạt mức cao là điều đáng mừng, từ đó, các NH sẽ có thêm nhiều nguồn lực để hỗ trợ DN, hỗ trợ nền kinh tế.

“NH là ngành kinh doanh đặc biệt, do đó, cần phải có những ứng xử và cách nhìn đặc biệt chứ không nên chỉ nhìn vào lợi nhuận của NH. Khác với các DN khác, lợi nhuận NH tốt sẽ kéo theo hệ quả là hệ số tín nhiệm của các NH tăng lên, qua đó góp phần nâng hệ số tín nhiệm quốc gia. Do vậy, trong bối cảnh đại dịch hiện nay, lợi nhuận NH cao phải được nhìn nhận là điều may mắn. Từ đó, NH mới có thêm nguồn lực để hỗ trợ DN, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi…”.

Nhiều ngân hàng giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng

Theo Báo cáo của NHNN, đến cuối tháng 4/2021, lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay bình quân VND của các TCTD giảm khoảng 0,3%/năm so với tháng 12/2020.

Tính từ đầu năm 2021 đến giữa tháng 6 đã có 17 TCTD công bố về các chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất ưu đãi, như: Vietcombank giảm 1%/năm lãi suất cho vay đối với VND và 0,5%/năm đối với ngoại tệ cho toàn bộ dư nợ vay hiện hữu và cho vay mới của DN và người dân tại Bắc Giang và Bắc Ninh; Agribank hỗ trợ cho các chi nhánh mức lãi suất tối đa 2,5% để giảm lãi suất cho vay mới đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch (quy mô hỗ trợ áp dụng cho dư nợ khoảng 100.000 tỷ đồng);

BIDV triển khai các gói tín dụng với quy mô 150.000 tỷ, lãi suất giảm 1-1,5% so với kỳ trước; Vietinbank giao quyền chủ động cho các chi nhánh được giảm đến 2% lãi suất cho vay, dự kiến mức hỗ trợ lãi, phí năm 2021 của Vietinbank tiếp tục duy trì tối thiểu bằng mức đã thực hiện năm 2020 (khoảng 5.000 tỷ đồng). Một số NH TMCP, NH nước ngoài, công ty tài chính đã tích cực triển khai các gói tín dụng đối với khách hàng với lãi suất phù hợp.

Sau cuộc họp với VNBA, 16 NH hội viên tiếp tục đồng thuận giảm lãi suất từ 15/7 với mức giảm lên tới 1% tùy theo từng NH, từng đối tượng khách hàng.

Đọc thêm