Đồng Nai: Gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp chỉ bằng một “chỉ đạo”

(PLVN) - Huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai: Công ty cung ứng thực phẩm sạch kêu cứu, khi 18 trường mầm non trên địa bàn bị ép buộc đơn phương chấm dứt hợp đồng cung ứng thực phẩm, gây ảnh hưởng lớn đến uy tín, và thiệt hại nặng nề đối với dây chuyền sản xuất. Điều này vi phạm những gì, hãy cùng Radio Pháp luật trò chuyện cùng luật sư Hoàng Tùng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội để hiểu rõ hơn.

Bắt đầu trò chuyện:

Xin chào LS Hoàng Tùng, đoàn LS TP Hà Nội, rất vui hôm nay lại được trao đổi cùng anh trong chương trình.

Luật sư chào thính giả của chương trình.

Thời gian qua, chúng tôi đã nhận được khá nhiều câu hỏi của bạn đọc gửi về cho chương trình, có rất nhiều các vấn đề liên quan đến đất đai, hôn nhân, hay là những vấn đề tranh chấp tài sản..vv. Thay mặt nhóm phóng viên thực hiện chương trình, chúng tôi xin gửi lời cám ơn tới bạn đọc đã dành sự quan tâm cho chương trình Trò chuyện cùng LS, do Báo PLVN thực hiện.

Vâng để tránh mất nhiều thời gian, chúng tôi xin mời quý vị đến với nội dung chính trong ngày hôm nay.

Vâng thưa luật sư, trong chương trình hôm nay, Báo PLVN đã nhận được đơn, thực chất là những câu hỏi bức xúc từ phía bạn đọc là Công ty Cổ phần thực phẩm Anh Khải Ký, đây là đơn vị chuyên cung ứng thực phẩm cho các trường học, gửi tới cho chương trình. Vấn đề này đang khá nóng tại địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Cụ thể, Trong năm 2022, sau khi tìm hiểu về các đơn vị cung ứng thực phẩm sạch, thì trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai, đã có 18 trường mầm non tìm tới công ty Cổ phần thực phẩm Anh Khải Ký, và ký kết hợp đồng cung ứng thực phẩm với công ty này. Theo như thông tin của thính giả, thì trong suốt quá trình cung cấp thực phẩm cho 18 trường mầm non, công ty thực phẩm này luôn cung cấp những mặt hàng chuẩn nguồn gốc và đảm bảo vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm. Thế nhưng cho đến khoảng tháng 9, tháng 10/ 2022, bất ngờ một số trường mầm non đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không có lý do cụ thể. Sau đó thì lần lượt các trường còn lại cũng chấm dứt hợp đồng. Qua tìm hiểu nguyên nhân, việc chấm dứt hợp đồng này là do “chủ ý” của Phòng GD&ĐT huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai, hiện nay do bà Bùi Thị Vinh làm trưởng phòng. Lý do được đưa ra là hợp đồng cuả các trường ký với công ty thực phẩm Anh Khải Ký là không đúng quy trình, thủ tục, không thông qua sự đồng ý của phòng giáo dục huyện, không thông qua sự đồng ý của chính quyền địa phương, và không hợp pháp. Sau đó, vị trưởng phòng này đề nghị các trường ký kết hợp đồng cung ứng thực phẩm với đơn vị khác, do mình giới thiệu.

Điều đáng chú ý ở đây, là trước khi họp phê bình các trường ký hợp đồng với công ty không đúng quy trình vào ngày 7/10, thì vào ngày 15/6 phòng giáo dục đã giới thiệu 1 đơn vị khác ký hợp đồng cung ứng thực phẩm với các trường. Điều này, bạn đọc cho rằng có dấu hiệu lợi ích trong bữa ăn của các cháu.

1. Xin hỏi luật sư, việc doanh nghiệp và nhà trường ký hợp đồng với nhau có bị buộc theo 1 quy trình chung nào theo quy định hay không, hay chỉ đơn thuần là 2 pháp nhân có nhu cầu?

2. Khi ký kết hợp đồng cung ứng thực phẩm với công ty thực phẩm, thì nhà trường có bắt buộc phải thông qua sự phê duyệt, đồng ý của phòng giáo dục trực thuộc hay không, thưa luật sư?

3. Vậy thì tương tự, khi ký kết hợp đồng cung ứng thực phẩm với công ty thực phẩm, nhà trường có bắt buộc phải thông qua sự phê duyệt, đồng ý của chính quyền địa phương hay không ạ?

=> Xin hỏi Luật sư, pháp luật hiện hành quy định như thế nào về quy trình các trường mần non ký hợp đồng cung ứng thực phẩm với doanh nghiệp? Khi ký kết hợp đồng thì nhà trường có bắt buộc phải thông qua sự phê duyệt, đồng ý của phòng giáo dục và chính quyền địa phương hay không thưa luật sư?

LS Hoàng Tùng:

Vâng, việc 18 trường mầm non trên địa bàn huyện Cẩm Khê ký kết hợp đồng cung ứng thực phẩm với công ty Cổ phần thực phẩm Anh Khải Ký sẽ không bắt buộc phải thông qua sự phê duyệt của phòng giáo dục đào tạo và chính quyền địa phương. Căn cứ vào yêu cầu thực tế, mức giá thực tế trên thị trường địa bàn địa phương của các trường và khả năng tài chính, các trường mầm non được quyết định mức chi theo quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị và chịu trách nhiệm về đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ theo quy định Nhà nước.

Vì:

Theo quy định tại Điều 9 Luật viên chức 2010 và Nghị định 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập thì trường mầm non là đơn vị sự nghiệp công lập, cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước. Việc chi cho hợp đồng cung ứng thực phẩm là chi thường xuyên giao tự chủ. Đơn vị sự nghiệp công được chủ động sử dụng các nguồn tài chính giao tự chủ theo quy định để chi thường xuyên. Do đó, đối với các mục chi thường xuyên giao tự chủ thì:

a) Đối với các nội dung chi đã có định mức kinh tế - kỹ thuật, chế độ chi theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, căn cứ yêu cầu thực tế, mức giá thực tế trên thị trường địa bàn địa phương của đơn vị sự nghiệp công và khả năng tài chính, đơn vị được quyết định mức chi theo quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị và chịu trách nhiệm về đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ theo quy định Nhà nước;

b) Đối với các nội dung chi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, căn cứ tình hình thực tế, đơn vị xây dựng mức chi cho phù hợp với nguồn tài chính của đơn vị và phải quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ. Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Chính vì vậy, đối với mục chi thường xuyên giao tự chủ thì đơn vị được tự mình quyết định căn cứ vào yêu cầu, mức giá thực tế, khả năng tài chính sao cho phù hợp với nguồn tài chính của đơn vị và phải quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ. Đồng thời, Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

4. Xin luật sư cho biết, điều kiện để nhà trường được đơn phương chấm dứt hợp đồng là gì ạ?

5. Thưa luật sư, theo quy định của pháp luật thì: khi đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không lý do chính đáng, không đủ điều kiện thì đơn vị có phải chịu trách nhiệm bồi thường hay không, và bồi thường như thế nào ạ?

=> Thưa luật sư, điều kiện để nhà trường được đơn phương chấm dứt hợp đồng là gì?Trong trường hợp nhà trường đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không lý do chính đáng, không đủ điều kiện thì đơn vị có phải chịu trách nhiệm bồi thường hay không, và bồi thường như thế nào ạ?

LS Hoàng Tùng:

Trong trường hợp này, phía các trường mầm non có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi phía công ty Cổ phần thực phẩm Anh Khải Ký vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng hoặc các bên có thỏa thuận. Khi đó, phía các trường mầm non phải thông báo ngay cho phía công ty Cổ phần thực phẩm Anh Khải Ký biết về việc chấm dứt hợp đồng, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Trong trường hợp nhà trường đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không lý do chính đáng, không đủ điều kiện thì được xác định là bên vi phạm nghĩa vụ và phải thực hiện trách nhiệm dân sự theo quy định do không thực hiện đúng nghĩa vụ trong hợp đồng. Theo quy định tại Điều 360, 361 BLDS 2015 thì: Trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác. Thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần. Thiệt hại về vật chất là tổn thất vật chất thực tế xác định được, bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút. Thiệt hại về tinh thần là tổn thất về tinh thần do bị xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín và các lợi ích nhân thân khác của một chủ thể. Do đó, trường hợp các trường mầm non đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không có căn cứ theo quy định thì phải bồi thường toàn bộ thiệt hại trên thực tế cho phía công ty Cổ phần thực phẩm Anh Khải Ký, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.

6. Phòng giáo dục đào tạo huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai sẽ vi phạm vào điều khoản nào nếu như có dấu hiệu chỉ đạo, ép buộc các trường mầm non phải đơn phương chấm dứt hợp đồng với công ty Anh Khải Ký, để ký kết với công ty Minh Cường do mình giới thiệu ạ? Và sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật, thưa luật sư?

=> Trưởng phòng giáo dục đào tạo huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai đã có vi phạm gì nếu như có dấu hiệu chỉ đạo, ép buộc các trường mầm non phải đơn phương chấm dứt hợp đồng với công ty Anh Khải Ký, để ký kết với công ty Minh Cường do mình giới thiệu ạ? Và sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật, thưa luật sư?

LS Hoàng Tùng:

Trong trường hợp các trường mầm non đơn phương chấm dứt hợp đồng cung ứng thực phẩm với công ty Cổ phần thực phẩm Anh Khải Ký mà không có căn cứ và có dấu hiệu chỉ đạo, ép buộc từ Trưởng phòng giáo dục và đào tạo huyện Cẩm Mỹ dẫn đến hậu quả gây thiệt hại và phải bồi thường. Khi đó, Trưởng phòng giáo dục đào tạo huyện Cẩm Mỹ đã vi phạm vào những việc công chức không được làm đó là lợi dụng, lạm dụng nhiệm vụ, quyền hạn kết quả là đã gây thiệt hại.

Căn cứ quy định tại NĐ 06/2010/ NĐ-CP quy định những người là công chức và NĐ 37/2014/ NĐ-CP quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thì Phòng Giáo dục và Đào tạo là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, nên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo là công chức giữ chức vụ quản lý. Công chức có hành vi vi phạm các quy định về nghĩa vụ của công chức; những việc công chức không được làm; nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; vi phạm đạo đức, lối sống hoặc vi phạm pháp luật khác khi thi hành công vụ thì bị xem xét xử lý kỷ luật. Khi đó, công chức vi phạm quy định của Luật Cán bộ, công chức và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì theo quy định tại Điều 79, Luật cán bộ, công chức 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) và theo hướng dẫn tại Nghị định số 112/2020 về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, Trưởng phòng giáo dục đào tạo có thể phải chịu một trong những hình thức kỷ luật là: Khiển trách; Cảnh cáo; Giáng chức; Cách chức; Buộc thôi việc. Ngoài ra, trong trường hợp đủ căn cứ cấu thành thì Trưởng phòng giáo dục và đào tạo còn có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi theo quy định tại Điều Điều 358 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) với khung hình phạt là từ 01 năm đến 06 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Đọc thêm