Tại Hội nghị, lãnh đạo các sở ngành đã có nhiều góp ý về dự thảo dự án Luật Căn cước, Luật Quản lý bảo vệ công trình Quốc phòng và khu quân sự và Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở.
Trong đó, các đại biểu rất quan tâm về Luật Căn cước. Đa số các đại biểu đều đồng tình về sự cần thiết ban hành Luật Căn cước. Sau nhiều lần tiếp thu các ý kiến góp ý, đến nay dự thảo Luật Căn cước đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, đủ điều kiện để Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
|
Ông Quản Minh Cường, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại Hội nghị |
Theo Đại tá Trần Anh Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, dự thảo Luật Căn cước là dự án luật rất quan trọng, chứa đựng nhiều quy định mang tính kỹ thuật, công nghệ, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số quốc gia. Trong đó, việc thay đổi tên thành Luật Căn cước cho thấy mức độ bao quát và mở rộng cho cả công dân Việt Nam và người Việt Nam đang sống tại Việt Nam nhưng không rõ quốc tịch. Ngoài ra nếu để tên thẻ là “căn cước công dân” cũng chưa đảm bảo tương đồng với thông lệ chung của thế giới, do vậy không thể sử dụng được khi hội nhập quốc tế.
Ngoài ra, Luật Căn cước cũng là cơ sở cần có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết thủ tục hành chính, phục vụ chuyển đổi số quốc gia theo Đề án 06.
|
Các vị ĐBQH trao đổi về chuyển đổi số với cán bộ Công an tỉnh bên lề Hội nghị |
Ông Phan Quang Tuấn, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai cũng cho rằng việc sửa đổi Luật Căn cước công dân năm 2014 chính là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin về chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xây dựng Chính phủ điện tử, giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu quốc gia về dân cư. Đồng thời sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến quyền con người, quyền công dân như: quy định về khai thác, sử dụng thông tin trên thẻ căn cước; bổ sung một số trường thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Đối với Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, một số đại biểu cho rằng, cần mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật để bao quát hết các lực lượng có tính chất tự nguyện, tự quản tham gia hỗ trợ công an cấp xã. Cụ thể, theo ý kiến của Công an tỉnh Đồng Nai, việc xây dựng, ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên cơ sở thống nhất lực lượng công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố, dân phòng là xuất phát từ yêu cầu thực tiễn khách quan của nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở và để tạo cơ sở pháp lý để xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở một cách toàn diện.
Ngoài ra, Công an tỉnh Đồng Nai cũng cho rằng việc không giới hạn độ tuổi khi tham gia lực lượng này thay vì 65 tuổi như trên luật là cần thiết. Vì việc không giới hạn độ tuổi tham gia lực lượng này sẽ góp phần mở rộng và thu hút được sự tham gia của những người dù lớn tuổi nhưng vẫn đảm bảo sức khỏe, minh mẫn, tâm huyết, muốn đóng góp công sức cho sự nghiệp đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở. Mặt khác, những người lớn tuổi thường có uy tín trong xã hội, cụm dân cư, có trường hợp là những cán bộ hưu trí, có kinh nghiệm và thực tiễn công tác sẽ có nhiều đóng góp khi tham gia lực lượng này. Bên cạnh đó, từ trước đến nay, pháp luật cũng chưa quy định độ tuổi tối đa trong việc tuyển chọn người tham gia lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố và công an xã bán chuyên trách, nên việc bổ sung quy định độ tuổi tối đa đối với người tham gia lực lượng là không phù hợp với thực tế.
Kết luận Hội nghị, ông Quản Minh Cường, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã đánh giá cao những ý kiến đóng góp mà các đại biểu đại diện cho các sở ngành trong tỉnh. Đây là những ý kiến tâm huyết để hoàn thiện các dự án luật. Từ đó giúp cho Đoàn biểu Quốc hội tỉnh sẽ tập hợp, bổ sung, hoàn chỉnh các dự án luật để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sắp tới.