Ông Nguyễn Danh (ngụ xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn) cho biết, doanh nghiệp Hào Hưng thường xuyên xả thải ra biển nhưng giữa cuối tháng 11 vừa qua, chúng tôi mới chụp ảnh, quay clip để cung cấp cho cơ quan báo chí và báo cáo chính quyền địa phương.
Sau khi nhận tin báo từ người dân cùng một số cán bộ ở Khu kinh tế Dung Quất, huyện Bình Sơn đã tổng hợp gửi văn bản kèm theo hình ảnh, clip, báo cáo vụ việc đến Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ngãi.
Trước tình hình này, lực lượng cảnh sát môi trường (Công an tỉnh Quảng Ngãi) phối hợp với Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh, tổ chức kiểm tra hiện trường, xác minh vụ việc. Trong khi đó, qua thu thập thông tin, xác minh hình ảnh, clip do người dân cung cấp, đoàn công tác Cục Bảo vệ môi trường miền Trung và Tây nguyên xác định, cảng xuất dăm gỗ Hào Hưng xả thải nước đen ra môi trường biển khoảng giữa cuối tháng 11.
Theo lãnh đạo Cục Bảo vệ môi trường miền Trung và Tây Nguyên, doanh nghiệp này có trụ sở chính ở thôn Tuyết Diêm 3, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi). Vào ngày 3/1/2019, Phó tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức cũng đã ký quyết định xử phạt 70 triệu đồng đối với Công ty TNHH MTV Hào Hưng vì hành vi Vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Cụ thể, doanh nghiệp chưa xây dựng hệ thống thoát nước mưa riêng cho khu vực bãi chứa dăm, lắng lọc xử lý sơ bộ trước khi đấu nối vào hệ thống thoát nước chung của Phân khu công nghiệp Sài Gòn - Dung Quất; nước thải sinh hoạt sau xử lý không được thu gom vào vị trí đã thỏa thuận đấu nối.
Liên quan sự việc, ông Lê Văn Lý, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Hào Hưng thừa nhận với báo chí, do mưa lớn trong hai cơn bão số 5 và 6 giữa cuối tháng 11 vừa qua, nước gỉ dăm từ bể xử lý nước thải chảy tràn ra biển. Nguồn nước thải này không gây độc hại. Tuy nhiên căn cứ vào hình ảnh, clip do người dân địa phương cung cấp, doanh nghiệp này đã xả thải trực tiếp ra biển ngay trong những ngày nắng ráo.
Khi đặt câu hỏi diện tích khu xử lý nước thải ở cảng Hào Hưng thế nào, xử lý bao nhiêu m3 nước gỉ dăm mỗi ngày, lãnh đạo công ty này vẫn “chưa có số liệu trả lời”.
Nước chuyển màu đen bất thường thời gian qua tại huyện Bình Sơn |
Trước đó, PLVN đã có phản ánh về hiện tượng nước biển đột nhiên chuyển màu nâu đen bất thường, kèm theo nổi nhiều bọt ở khu vực bờ biển xã Bình Thạnh từ cửa biển Sa Cần đến bãi tắm Khe Hai (thôn Trung An, xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi). Vệt nước màu đen đã di chuyển khoảng 300m từ hướng Nam về hướng Bắc của bờ biển và nhạt màu hơn.
Ghi nhận hiện tượng, Cục Bảo vệ môi trường miền Trung và Tây nguyên đã cử đoàn công tác đã đến hiện trường lấy 8 mẫu nước biển và 2 mẫu trầm tích tại khu vực có nước biển màu đen để phân tích. Các chuyên gia cũng gửi mẫu đến các đơn vị chuyên môn để phân tích thêm về tảo biển.
Bọt nước biển tụ tại tại bãi tắm Khe Hai |
Ngoài ra, Trung tâm quan trắc môi trường miền Trung và Tây Nguyên lấy thêm mẫu để phân tích, xác định có hay không chất Lignin trong nước biển màu cà phê ở Dung Quất (chất này cao phân tử có cấu trúc vô định hình khác với Xenlulo không hòa tan trong nước). Trong công nghệ bột giấy, dăm gỗ, doanh nghiệp thường phải tìm cách loại bỏ lignin.
“Chúng tôi cũng nghe người dân thông tin về một nhà máy dăm gỗ ở Dung Quất xả thải ra biển có màu đen sẫm hệt như ở vùng biển Bình Thạnh. Tuy nhiên chúng tôi chờ đơn vị quan trắc độc lập phân tích mẫu kỹ lưỡng, khách quan, khoa học mới có thể công bố nguyên nhân khiến nước biển nhuộm màu đen cà phê được”, ông Nguyễn Gia Cường, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường miền Trung và Tây nguyên nói.
Tuần trước, phân tích nhanh 4 mẫu nước biển chuyển màu đen cà phê vùng ven bờ xã Bình Thạnh (huyện Bình Sơn), bước đầu cơ quan chức năng Quảng Ngãi xác định một mẫu có nồng độ pH vượt mức cho phép./.