Đồng thuận và sức mạnh

(PLVN) - Ngay đầu năm, Chính phủ đã có Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 8/1/2022 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022.
Ảnh minh họa.

Cuối tháng 1, Chính phủ thông qua Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH.

Chương trình được thiết kế trên nguyên tắc nhằm tác động cả phía cung và phía cầu; có mục tiêu trọng tâm, trọng điểm, để giải quyết những vấn đề cấp bách, không dàn trải, có thời hạn - thực hiện chủ yếu trong 2 năm 2022 và 2023. Vừa qua, Chính phủ tiếp tục có Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3/2022. Nói thế để thấy, phục hồi và phát triển KT-XH đang là trọng tâm trong công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ.

Ai cũng thấm thía, dịch bệnh COVID-19 khiến cho tăng trưởng kinh tế của nước ta giai đoạn 2020-2021 ở mức thấp trong nhiều năm trở lại đây. Suy giảm ở cả 3 khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Suy giảm tăng trưởng, chậm phục hồi sẽ dẫn đến nhiều vấn đề về kinh tế và an sinh xã hội: doanh nghiệp giải thể, phá sản, kinh tế không phát triển, đời sống người dân khó khăn, thất nghiệp, mất việc làm... Từ đầu năm đến nay còn thêm sự tác động bất ngờ từ xung đột Nga – Ukraina.

Để Chương trình thực sự là “phao cứu sinh” phục hồi và vực dậy nền kinh tế đòi hỏi nỗ lực của tất cả các bên, từ Nhà nước đến người dân và doanh nghiệp. Bản thân mỗi doanh nghiệp trước hết phải tự thay đổi để thích ứng. Doanh nghiệp cần năng động, chủ động, sáng tạo hơn nữa, quản trị tốt hơn để thích ứng tốt hơn với xu hướng kinh doanh mới, thói quen tiêu dùng mới và công nghệ mới. Việc thực hiện Chương trình phải gắn chặt với các chương trình, nhiệm vụ khác, như kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, chiến lược tổng thể phòng chống dịch COVID-19, chương trình cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…

Không ai là không hy vọng tinh thần khẩn trương, quyết liệt, hành động sẽ chi phối hoạt động của Chính phủ và cả Quốc hội từ nay trở đi và trở thành việc bình thường. Như vậy sẽ làm gia tăng thêm tác động và hiệu quả của Chương trình cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Quý I và nửa tháng 4 đã đi qua, dù KT-XH đã phục hồi tích cực, nhưng sức ép vẫn tiếp tục quá lớn. KT-XH còn rất nhiều tồn tại hạn chế, phải nghiêm túc phân tích, đánh giá để có giải pháp khắc phục. Đó là giải ngân đầu tư công còn chậm; một số chương trình phục hồi chưa được triển khai kịp thời theo tiến độ đề ra; thị trường chứng khoán, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro; vấn đề hàng hóa ở biên giới được xử lý tích cực nhưng chưa giải quyết triệt để; đời sống một bộ phận người dân vùng sâu, vùng xa còn khó khăn; việc tiêm vaccine mũi thứ 3 dù rất nỗ lực nhưng chưa đạt tiến độ mong muốn... Bối cảnh cho thấy, bên cạnh sự nỗ lực của Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị rất cần sự đồng tình, ủng hộ của người dân và doanh nghiệp.

Đồng thuận luôn là sức mạnh.

Đọc thêm