Dòng vốn chuyển dời nhận thức

(PLVN) - Trong những năm qua, dòng vốn chính sách ưu đãi đã trở thành động lực giúp nhiều hộ dân thay đổi nhận thức, chủ động lên kế hoạch đầu tư phát triển kinh tế gia đình, góp phần tạo ý thức tiết kiệm, quyết tâm bứt khỏi đói nghèo vươn lên trong cuộc sống. Câu chuyện ở xã Canh Thuận, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định là một ví dụ.
Anh Chăm So Rứt (người dân tộc Bana) - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và Vay vốn thôn Kà Xim và Ra Lan Tánh, xã Canh Thuận chia sẻ kinh nghệm với Tổng Giám đốc NHCSXH về phương thức quản lý hiệu quả nguồn vốn vay
Anh Chăm So Rứt (người dân tộc Bana) - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và Vay vốn thôn Kà Xim và Ra Lan Tánh, xã Canh Thuận chia sẻ kinh nghệm với Tổng Giám đốc NHCSXH về phương thức quản lý hiệu quả nguồn vốn vay

Trong phiên giao dịch tháng 5/2019 của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tại Điểm giao dịch xã Canh Thuận (Vân Canh, Bình Định), các tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn (TKVV) và cán bộ đoàn thể gặp một người khách đặc biệt – Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng.

Trong câu chuyện với người đứng đầu NHCSXH, chị Lê Thị Me - Tổ trưởng Tổ TKVV thôn Hà Văn, làng Hà Lũy, xã Canh Thuận, huyện Vân Canh - không nén nổi xúc động khi nhớ về chuỗi ngày dài vất vả, lúc gia đình chị tưởng chừng “chung thân” với hai chữ “hộ nghèo”. “Khó khăn chồng chất khó khăn khi chồng tôi – người trụ cột chính trong gia đình - qua đời. Một nách nuôi hai con nhỏ, dù cật lực làm từ việc nhà tới thuê mướn, song mẹ con tôi chưa bao giờ dứt mối lo cơm áo gạo tiền” – chị kể.

Do ám ảnh về miếng ăn mỗi ngày mà nhà có tới 3 hécta đất đồi nhưng lúc đầu thiếu vốn nên trồng trọt sản xuất cũng chừng mực. Song đến 4 năm trước, ý thức được không có con đường nào khác để có thể phát triển kinh tế nếu không mạnh dạn đầu tư sản xuất, khi được Nhà nước hỗ trợ bò giống, chị Me mạnh dạn vay NHCSXH 30 triệu đồng để trồng keo và nuôi bò. Thời gian rảnh, chị tranh thủ học lấy cái nghề, đi làm công nhân kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống và nuôi các con ăn học. Nhờ chăm sóc tốt, bò giống do Nhà nước cấp đã sinh sản, keo cũng bán được giá. Cuối năm 2017, chị Me tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. 

Khẳng định những gì mà gia đình có được hôm nay đều nhờ NHCSXH hỗ trợ cho vay vốn phát triển sản xuất, chị Me tâm sự: “Thời gian qua, gia đình tôi đã nhận được sự hỗ trợ từ NHCSXH rất nhiều. Không chỉ được hỗ trợ về vốn, sự đồng hành của hội đoàn thể, chính quyền địa phương và cán bộ NHCSXH đã giúp tôi tự tin hơn trong cuộc sống. Bây giờ kinh tế gia đình khá hơn trước, mẹ con tôi đã có thể tự lực cánh sinh nên tôi tự nguyện xin ra khỏi diện hộ nghèo để những hộ nghèo hơn, khó khăn hơn được hỗ trợ”.

Chị Me không phải là người duy nhất chủ động xin ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã Canh Thuận, mà ở đây có nhiều hộ đã từng làm đơn như chị, để cùng chia sẻ nguồn lợi mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ dành cho người nghèo. Bởi họ hiểu, ở một xã miền núi 30a như Canh Thuận với 4 dân tộc Kinh, Bana, Chăm và Thái cùng sinh sống, chiếm 852 hộ/992 hộ dân của xã, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo lên tới 98,6%, thì ngoài sự cần cù, chịu thương chịu khó của người dân, vốn tín dụng chính sách là điều kiện đủ và cấp thiết để người dân thay đổi vận mệnh của cuộc đời mình.

Không chỉ là điển hình trong sử dụng vốn vay ưu đãi để thoát nghèo, chị Lê Thị Me còn được bà con tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng Tổ TKVV tiêu biểu ở địa phương. Tổ TKVV do chị Me làm Tổ trưởng hiện có 60 tổ viên tham gia sinh hoạt với dư nợ trên 2,5 tỷ đồng và đặc biệt nhiều năm liền không có nợ quá hạn, nợ khoanh.

Cũng từ những tấm gương như chị Me. Trong những năm gần đây nhiều người dân đã tìm đến học hỏi, vay vốn tín dụng phát triển kinh tế. Cùng với chủ trương của NHCSXH dồn vốn cho những địa bàn khó khăn, dòng chảy tín dụng về xã ngày càng mạnh và phủ rộng, hòa quyện cùng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của xã. Tính đến cuối tháng 4/2019, tổng dư nợ toàn xã lên tới gần 29 tỷ đồng với 808 hộ còn dư nợ. Vốn tín dụng chính sách đã “bao phủ” 8/8 thôn, làng trong toàn xã. Các chương trình tín dụng ưu đãi đã giúp rút ngắn khoảng cách giàu nghèo, tạo điều kiện để người dân từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Đọc thêm