Dư âm sau đêm nhạc Khúc hát sông quê

(PLO) - Bây giờ thì đêm nhạc “Nguyễn Trọng Tạo – Khúc hát sông quê” đã qua mấy ngày. Các nhà báo viết về văn hóa, giải trí đã có bài đăng trên một số tờ báo. Tôi gặp lại nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo sau khi anh ở Nghệ An ra. Cảm giác hạnh phúc từ anh lây sang tôi, dù tôi cũng là người “hành trình” với một nghĩa nào đó với ông qua đêm nhạc này.
Dư âm sau đêm nhạc Khúc hát sông quê

NSND. Thanh Hoa và nhạc sỹ Giáng Son ở “Khúc hát sông quê”

Tôi gặp NSND. Thanh Hoa ngay từ chiều 9/10 tại Khách sạn Mường Thanh Sông Lam. NSND. Thanh Hoa với nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo vẫn thế, trọng nhau, trân quý nhau, trước hết ở cái tài, nâng niu năm tháng ở cái tình, cái nghĩa.

NSND. Thanh Hoa, từng trở thành thương hiệu nhờ bài hát “Làng quan họ quê tôi” của nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo (phổ thơ Nguyễn Phan Hách) trở thành người “đóng thế”. Kịch bản ban đầu của Đông Đô Show, Thanh Hoa chỉ là “khách mời” giao lưu cùng khán giả. 

Đứng trên sân khấu thành Vinh, NSND Thanh Hoa sẻ chia: Tôi “yêu thầm” những sáng tác của Nguyễn Trọng Tạo. Bài hát “Làng quan họ quê tôi” đã gắn liền đã gắn liền với “thương hiệu” Thanh Hoa. NSND. Thanh Hoa cho biết, ca khúc “Làng quan họ quê tôi” của nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo đến với chị như một cơ duyên thú vị, khi trước đó, người được chỉ định hát bài này là một ca sĩ khác. Vậy nhưng trong ngày thu âm, vì một vài lý do mà người ca sĩ ấy đã không thể có mặt, để rồi tình cờ Thanh Hoa được “thế vai” và thế vai xuất sắc. Kể từ đó, tác phẩm đã chắp cánh cho tiếng hát Thanh Hoa ở chính vào thời kỳ đỉnh cao nhất trong sự nghiệp.

Như vậy, đây là lần thứ hai, NSND. Thanh Hoa được “đóng thế” với “Làng quan họ quê tôi”.

Tôi biết, hơn thế, mỗi lần trở lại xứ Nghệ, NSND. Thanh Hoa đều trào lên cảm xúc. Tháng 6 năm ngoái NSND Thanh Hoa là một trong những ca sĩ góp mặt trong chương trình nghệ thuật “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”, diễn ra tại Quảng trường Hồ Chí Minh, Vinh, Nghệ An. Đây là hoạt động kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm quê lần thứ nhất (16/6/1957-16/6/2017). Nữ NSND lần đầu tiên thể hiện ca khúc “Ngày Bác về thăm quê” - sáng tác được nhạc sĩ Phan Lạc Hoa viết vào khoảng thời gian 3 tháng trước khi ông qua đời. “Ca khúc này chưa từng được giới thiệu với công chúng”, chị tâm sự..

 

Năm nay đã 68 tuổi với hơn 40 năm hoạt động âm nhạc, NSND Thanh Hoa luôn coi thứ tình cảm mà bà dành cho nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo là tình tri kỷ. Giống như lời tâm sự của bà trong đêm nhạc, trước người nghệ sĩ tài hoa ấy, ai cũng muốn có một chút tình cảm, sự ưu ái riêng cho mình, khiến họ chỉ dám “yêu thầm” con người và những sáng tác của ông.  NSND. Thanh Hoa thừa nhận có những “cơ duyên” may mắn mà như “nhân duyên” trời định. Trong đêm nhạc, chị đóng thế và da diết hơn có thể với “Làng quan họ quê tôi” cùng với ca sỹ trẻ Lê Thị Hương Huệ.

Một trong những mảng quan trọng trong sự nghiệp âm nhạc - thơ ca của Nguyễn Trọng Tạo là phần nhạc phổ thơ ông (dù không nhiều). Thơ Nguyễn Trọng Tạo được nhiều nhạc sỹ tên tuổi phổ nhạc, nhưng riêng ông thì không. “Trong thơ tôi đã có nhạc nên tôi không còn phổ thơ mình”, một lần ông nói. 

Nhạc sĩ Giáng Son, một thành viên Ban nhạc “5 dòng kẻ” trước đây trong phần gia lưu đã không quên cảm ơn người nhạc sĩ tài hoa đã tạo cảm hứng cho chị sáng tác ca khúc nổi tiếng “Cỏ và mưa”. Chỉ với mấy câu thơ của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo “Em cỏ khát/ Ta mưa rào đầu hạ/ Cỏ uống mưa run rẩy/ Cỏ đang thì/ Mưa rào đến rồi đi/ Cỏ xanh niềm ngơ ngác/ Ta biệt em/ Lớ ngớ chẳng hẹn gì” nằm trong tập thơ được nhạc sĩ tặng, mà chị đã đọc ngay được “giai điệu” ngân lên trong mình. Điều oái ăm khiến Giáng Son phải đến “bắt đền” nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo là khi ý nhạc của cô kéo dài tới 10 câu, còn thiếu hẳn 6 câu mới tròn bài, tròn ý. Sau lần đó, tác phẩm âm nhạc “Cỏ và mưa” đã tạo nên một tiếng vang lớn trong dòng nhạc Blues jazz – một mảng màu còn hiếm trong làng nhạc Việt. Chính sự cộng hưởng giữa hai nhạc sĩ, hai tâm hồn tài hoa đã tạo ra một ca khúc tuyệt vời, là sư khắc họa thành công nỗi niềm “khát yêu” trong thi ca. 

Hẳn khán giả, nhất là các khán giả trẻ không thể quên bài hát “Cỏ và mưa” của nữ nhạc sĩ Giáng Son, một bài hát liên tục đứng trong bảng xếp hạng những bài hit, được nhóm “5 dòng kẻ”, Tùng Dương và nhiều ca sĩ thể hiện rất thành công. Hay một bài hát khác là “Một dại khờ một tôi” của nhạc sĩ Phú Quang phổ thơ Nguyễn Trọng Tạo.

Giáng Son đã 02 lần xuất hiện với tư cách khách mời trong 02 liveshow “Nguyễn Trọng Tạo – Khúc hát sông quê” năm 2017 và lần này. Khi nhà tổ chức Đông Đô Show gửi chị tiền cát xê, Giáng Son kiên quyết không nhận. Tâm hồn Nguyễn Trọng Tạo, thơ của ông, giai điệu của ông trong âm nhạc đã tạo ra một không gian văn hóa như vậy. Ở đó, con người, tri kỷ sông với nhau đã hoàn toàn “thoát tục”. Đó cũng là vẻ đẹp thánh thiện mà âm nhạc và thi ca mang đến cho con người.

Âm nhạc Nguyễn Trọng Tạo và giá trị của “hồn Việt”

Tôi nhớ, tại cuộc gặp gỡ trước đêm nhạc tổ chức tại Vinh, một nhà báo phỏng vấn Nguyễn Trọng Tạo: “Ông là người xứ Nghệ, vậy sao ông sáng tác được ca khúc “Làng quan họ quê tôi”? Khi sáng tác bài hát này, có bị “Nghệ hóa” làng quan họ đi không?”. Nhà báo không biết rằng, nhạc sỹ đã sáng tác bài hát này khi ông chưa hề đến Bắc Ninh, phải 10 năm sau, nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha mới giúp ông làm điều đó.

 

Trong sự nghiệp âm nhạc, đến thời điểm hiện tại Nguyễn Trọng Tạo đã có hơn 100 ca khúc, nhiều bài trong số đó chưa công bố. Nhưng ca khúc của ông viết về nhiều vùng quê, ngay ở cực Bắc của Tổ quốc ông có đến 02 bài nổi tiếng “Non nước Cao Bằng” và “Tình biên cương”. Ca khúc đưa người nghe chìm đắm vào vẻ đẹp núi bon, mây trời Việt Bắc trên nền giai điệu tiếng đàn Then của văn hóa người Nùng, người Tày huyền bí. Nguyễn Trọng Tạo được coi như nhạc sỹ thổi “hồn làng Việt” vào ca khúc.

Ấy vậy nhưng Nguyễn Trọng Tạo là nhà thơ, nhạc sỹ luôn đổi mới và sáng tạo. Trong liveshow ở Nhà hát Lớn – Hà Nội năm ngoái cũng như vừa mới diễn ra ở Vinh – Nghệ An đều có 2 phần. Phần 1 của đêm nhạc “Nguyễn Trọng Tạo – Khúc hát sông quê” ở Vinh có chủ đề “Những dòng sông hát”, phần 2 có chủ đề “Nghe sóng biển yêu”. Nếu tinh ý sẽ thấy, đó là phần nhạc nhẹ đương đại trên nền chất liệu dân gian. Ví như những tác phẩm: Tình ca hạt giống vàng; Trống hội cổng làng; Tình Thu; Tình Đông; Tình Xuân; Tình Hạ; Con dế buồn; Mưa; Nghe biển ru đêm; Tình ca hoa cúc biển…

Nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo chia sẻ, ý tưởng về việc làm đêm nhạc “Nguyễn Trọng Tạo – Khúc hát sông quê” tổ chức lần đầu tháng 9/2017 xuất hiện trong ông trước đó không lâu, nhưng là một sự thôi thúc mạnh mẽ.  m nhạc, với đặc thù của thể loại, đã mang đến cho Nguyễn Trọng Tạo nhiều bất ngờ. Ông có nhiều bạn bè hơn, nhiều người hâm mộ hơn nhờ việc họ tri ngộ những ca khúc mà ông viết. Còn đêm nhạc “Nguyễn Trọng Tạo – Khúc hát sông quê” lần này tổ chức tại Vinh nhờ sự hối thúc mạnh mẽ của những người bạn tri kỷ và là sự gặp nhau hay và đẹp trong chữ “tri ân” giữa ông và nhà tổ chức Đông Đô Show. Ông muốn qua đêm nhạc tri ân quê hương nơi ông sinh ra và nuôi dưỡng tâm hồn ông; đặc biệt tri ân gia đình, bạn bè, các y bác sỹ…đã bên ông lúc khó khăn nhất sau cú “đột quỵ” cuối tháng 12/2017. Bởi vậy, không có lý do gì ông lại không đến với công chúng của mình lần nữa bằng một đêm diễn ấm áp. Bên ông luôn có những người bạn hết lòng hỗ trợ, khuyến khích, giúp đỡ. 

“Các tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo mang tính văn học, âm nhạc cao, tồn tại trong đời sống âm nhạc lâu năm, nên đã rất quen thuộc với khán giả. Để đêm nhạc Khúc hát sông quê luôn giữ được hồn cốt của nhạc dân gian đồng thời vẫn có hơi thở hiện đại, ekip chúng tôi đã phải bàn bạc rất chi tiết trong việc đưa ra kịch bản hợp lí”, giám đốc âm nhạc- nhạc sỹ Minh Đạo chia sẻ trước khi đêm nhạc diễn ra. Tổng đạo diễn Đinh Anh Dũng và giám đốc âm nhạc Minh Đạo thực sự đã góp công lớn tạo ra một không gian văn hóa, ánh sáng và âm thanh trong cả 2 liveshow “Nguyễn Trọng Tạo – Khúc hát sông quê”.

Khán giả đêm nhạc có đủ thành phần, từ những quan chức hàng đầu ở Nghệ An, nhiều người từ miền Tây Nghệ An “khăn gói” về Vinh xem đêm nhạc. Khi được phỏng vấn nhanh, đa phần có chung nhận xét, chưa bao giờ họ được thưởng thức một đêm nhạc thấm đẫm “hồn làng”, “hồn quê” đến vậy. Tôi gặp lại nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo sau khi anh ở Nghệ An ra. Hỏi ông về đêm nhạc, ông nói điều dễ nhận ra: “Lạ kỳ, khán giả đến với đêm nhạc như đi nghe nhạc giao hưởng”. Đúng thế, gần 1.100 khán giả/1.200 ghế ngồi của Nhà văn hóa lao động Nghệ An hôm ấy, chìm trong âm nhạc để được “úp mặt vào sông quê” trên chính quê hương họ.

Trước đó nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo, đã chia sẻ rằng: “Nếu phải đi trở lại – Tôi lại đi đường này”. “Con đường” đó chính là thơ, là nhạc, là tình cảm mến thương mà ông dành cho quê nhà, cho mọi khán giả - không chỉ riêng trên quê hương ông. “Tôi đã, đang và viết mãi về quê hương đất nước, vì tình yêu giữa con người”, nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo khẳng định. 

Nguyễn Trọng Tạo là nhà thơ, đương nhiên nổi tiếng rồi. Ông là nhạc sĩ thì cũng cả nước biết, khán giả Hà Nội và xứ Nghệ đã được “tắm mình” qua 2 đêm nhạc. Ông còn tranh, vẽ bìa sách…Đất Châu Hoan đã sinh ra một người đa tài. Lĩnh vực nào ông cũng đắm đuối. Cám ơn ông, bằng tài năng, sự đắm đuối suốt cả đời và tấm lòng đã tạo nên một giá trị vĩnh cửu./.