Bảo đảm công khai, minh bạch trong lựa chọn nhà thầu
Tại dự thảo Luật trình Quốc hội (QH), Chính phủ đề xuất chỉ áp dụng Luật Đấu thầu (sửa đổi) đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 88 Luật DN; đồng thời bãi bỏ điểm c khoản 1 Điều 1 Luật Đấu thầu hiện hành để không áp dụng Luật này đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu thuộc các dự án có sử dụng vốn nhà nước, vốn của DNNN từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án.
Tại phiên họp, các đại biểu thể hiện quan điểm khác nhau về vấn đề này. Loại ý kiến thứ nhất, nhất trí việc bãi bỏ quy định áp dụng Luật Đấu thầu đối với các dự án đầu tư có sử dụng vốn nhà nước, vốn của DNNN. Loại ý kiến thứ hai đề nghị quy định đối tượng áp dụng đối với dự án đầu tư của DNNN và DN có trên 50% vốn thuộc sở hữu của DNNN.
Đại biểu Lê Thị Song An (đoàn Long An) bày tỏ thống nhất với phương án 2, theo đó quy định phạm vi điều chỉnh của dự án Luật tới các công ty con của DNNN. “Phương án này vừa bảo đảm tính khả thi, tính pháp lý, vừa tránh việc lạm dụng các cơ chế khác để né tránh các quy định của Luật Đấu thầu”, Đại biểu nói.
Dù thừa nhận việc lựa chọn phương án này sẽ dẫn tới có nhiều đối tượng chịu sự điều chỉnh của Luật, nhưng Đại biểu cho rằng, quy định như vậy sẽ giúp cho quá trình lựa chọn nhà thầu công khai, minh bạch hơn. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động đấu thầu, lựa chọn nhà thầu và quản lý sử dụng vốn tài sản nhà nước; phòng, chống hiệu quả gian lận, tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực đấu thầu.
Đồng quan điểm, Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (đoàn Bắc Giang) cho rằng, trong thực tế, có nhiều DNNN sử dụng vốn thành lập các công ty con để phục vụ cho mục đích sản xuất, kinh doanh. Dẫn khảo sát của Ủy ban Tài chính - Ngân sách đối với 13 tập đoàn, tổng công ty, theo đó cho thấy, số dự án thực hiện đấu thầu ở công ty mẹ chỉ chiếm 17%, 83% còn lại được thực hiện ở các công ty con, Đại biểu nêu quan điểm: “Ở đâu có sử dụng vốn, tiền ngân sách nhà nước thì ở đó phải có cơ chế phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”.
|
Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà phát biểu tại phiên họp. |
“Với những DN mà ở đó có quyền chi phối thuộc về DNNN thì vẫn phải áp dụng cơ chế đấu thầu như dự án sử dụng vốn nhà nước để bảo đảm tính công khai, minh bạch, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, sẽ quản lý được chặt chẽ nguồn vốn đầu tư của DNNN và nguồn vốn của DNNN đầu tư, góp vốn vào các DN khác mà DNNN nắm quyền chi phối và sẽ giữ được vai trò điều tiết trụ cột cho nền kinh tế”, Đại biểu khẳng định.
Bên cạnh đó, theo Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà, pháp luật về đấu thầu hiện nay và trong dự thảo Luật đã rõ ràng, minh bạch. Quy trình, thủ tục hành chính đã thông thoáng, dễ thực hiện, thời gian tổ chức đấu thầu đã giảm nên sẽ không làm giảm khả năng linh hoạt hay khiến DNNN bỏ lỡ cơ hội kinh doanh.
Băn khoăn việc mở rộng phạm vi áp dụng
Là đại biểu đầu tiên thực hiện quyền tranh luận tại phiên họp, Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) tán thành với việc khuyến khích việc tham gia đấu thầu. Tuy nhiên, theo Đại biểu, điều đó không có nghĩa là các hình thức lựa chọn nhà cung cấp khác là không ưu việt. “Cần quy định làm sao để đảm bảo không thất thoát tiền bạc của Nhà nước; công khai, minh bạch nhưng cũng bảo đảm quyền định đoạt tài sản, tính linh hoạt, chủ động trong thực hiện và khuyến khích xã hội hóa”, Đại biểu nêu lý do tán thành phương án Chính phủ trình.
Đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình) cũng đề nghị không mở rộng phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với công ty con của DNNN. Nếu mở rộng phạm vi áp dụng đối với công ty con của DNNN thì sẽ đồng nghĩa với việc mở rộng thêm 4 nhóm đối tượng áp dụng Luật Đấu thầu. Đây là phạm vi rất rộng. Vẫn theo Đại biểu Hiếu, Luật Đấu thầu không phải là công cụ duy nhất quản lý DNNN, mà chúng ta còn có các luật khác như Luật DN; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại DN và các cơ chế khác. Ngoài ra, các DN cũng có nhu cầu tự thân thực hiện nghiêm việc đấu thầu, chống thất thoát nên không nhất thiết phải quy định trong Luật.
Cùng quan điểm, trong phát biểu tranh luận tại phiên họp, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP HCM) cho rằng, không nên cực đoan trong vấn đề này. Không phải cứ làm ra Luật Đấu thầu, làm một số “vòng kim cô” là mọi việc sẽ tốt. Vì yếu tố cuối cùng vẫn là con người. Chúng ta đã có sự phân biệt DNNN và DN có vốn đầu tư của DNNN.
|
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa phát biểu tranh luận. |
“DNNN đầu tư vào DN khác, có khi chỉ chiếm 5 - 10% vốn của DN kia mà phải chịu sự chi phối của Luật Đấu thầu là cực đoan, không cần thiết”, Đại biểu nêu ý kiến. Vẫn theo Đại biểu, các DN sẽ chịu trách nhiệm về hiệu quả hoạt động của họ. “Ai tham nhũng, tiêu cực thì có cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra... điều tra bằng các công cụ, phương tiện khác. Không thể dùng Luật Đấu thầu để khắc phục được tất cả các tiêu cực, tham nhũng”, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói thêm.
Phát biểu giải trình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Luật Đấu thầu là dự án luật khó. Luật vừa phải tháo gỡ được những vướng mắc phát sinh, vừa phải tạo được điều kiện thuận lợi cho đấu thầu, vừa nâng cao hiệu quả công tác quản lý. “Quản lý chặt quá lại khiến mất tự chủ, gây khó khăn, ách tắc còn nếu lỏng quá lại không bảo đảm được quản lý nhà nước. Trong đấu thầu có muôn hình muôn trạng, không có cách gì có thể kiểm soát được cả. Người ta dùng đủ mánh khóe, chiêu trò để “lạng lách””, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Liên quan đến phạm vi áp dụng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, phương án do Chính phủ trình không làm thu hẹp phạm vi áp dụng của Luật và vẫn bảo đảm quản lý chặt chẽ việc sử dụng vốn nhà nước. “Dự thảo Luật đã quy định tất cả các hoạt động lựa chọn nhà thầu có sử dụng vốn ngân sách nhà nước thì đều thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này, tức là khi đã sử dụng vốn nhà nước thì DNNN hay không phải DNNN đều phải thực hiện đấu thầu theo quy định của Luật”, Bộ trưởng nhấn mạnh.