Dự án Luật Thực hiện dân chủ cơ sở: Bảo đảm việc thực hiện dân chủ thực chất hơn, khả thi hơn

(PLVN) -  Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, dự án Luật Thực hiện dân chủ cơ sở đã cập nhật, bổ sung các quy định để bảo đảm việc thực hiện dân chủ của người lao động thực chất hơn, có tính khả thi hơn, không chỉ giới hạn trong việc bảo đảm thực hiện quan hệ lao động mà còn mở rộng hơn với tư cách là công dân tham gia quản lý xã hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên thảo luận về dự án Luật Thực hiện dân chủ cơ sở.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên thảo luận về dự án Luật Thực hiện dân chủ cơ sở.

Tạo cơ chế để nhân dân thực hiện quyền kiểm tra, giám sát

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật tại phiên họp Quốc hội (QH) chiều 22/10, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Hoàng Thanh Tùng cho biết, về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, Ủy ban Thường vụ QH (UBTVQH) đã rà soát, cập nhật đầy đủ các quy định của pháp luật hiện hành về thực hiện dân chủ ở tổ chức có sử dụng lao động, bổ sung các quy định để bảo đảm việc thực hiện dân chủ của người lao động thực chất hơn, có tính khả thi hơn, không chỉ giới hạn trong việc bảo đảm thực hiện quan hệ lao động mà còn mở rộng hơn với tư cách là công dân tham gia quản lý xã hội.

Về thiết chế Ban Thanh tra nhân dân, UBTVQH đã tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo ý kiến của đa số các vị đại biểu QH theo hướng quy định việc thành lập Ban Thanh tra nhân dân ở tất cả các loại hình cơ sở (kể cả các tổ chức có sử dụng lao động khu vực ngoài Nhà nước) nhằm bảo đảm sự bình đẳng và tạo cơ chế để nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện quyền kiểm tra, giám sát ở cơ sở.

Về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, ông Hoàng Thanh Tùng cho biết, UBTVQH đã tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng bổ sung, chỉnh lý các quy định để cụ thể hóa phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành và thực tiễn thực hiện. UBTVQH cũng đã chỉnh lý Điều 30 của dự thảo Luật theo hướng làm rõ những nội dung và hình thức để công dân thực hiện quyền kiểm tra, giám sát; bổ sung quy định về Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng để cụ thể hóa quyền kiểm tra, giám sát của người dân trong thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.

Đảm bảo người dân tiếp cận thông tin nhanh chóng, dễ dàng

Phát biểu tại phiên họp, Đại biểu Tô Ái Vang (đoàn Sóc Trăng) bày tỏ tán thành Luật này cần điều chỉnh vấn đề thực hiện dân chủ ở cả ba loại hình cơ sở là ở xã, phường, thị trấn; ở cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và ở các doanh nghiệp, hợp tác xã có thuê mướn sử dụng lao động theo hợp đồng, bao gồm cả khu vực ngoài Nhà nước, nhằm tạo điều kiện thuận lợi và bình đẳng cho mọi người dân, mọi đối tượng thực hiện quyền làm chủ của mình một cách rộng rãi và trực tiếp nhất.

Theo Đại biểu Tô Ái Vang, việc thành lập, duy trì hoạt động hiệu quả của Ban Thanh tra nhân dân ở các tổ chức có sử dụng lao động, kể cả trong khu vực Nhà nước và ngoài Nhà nước là nhằm phát hiện từ sớm những hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật để cảnh báo, đề xuất kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền, qua đó góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong các tổ chức có sử dụng lao động, bảo vệ quyền dân chủ, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của công dân.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình) đề nghị quy định cụ thể về phương thức kiểm tra, giám sát của Ban Thanh tra nhân dân để thuận tiện trong quá trình áp dụng và thống nhất trong quá trình hoạt động. Về công khai thông tin ở xã, phường, thị trấn, đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định một số hình thức công khai mang tính bắt buộc để đảm bảo người dân có thể tiếp cận thông tin nhanh chóng, thuận tiện, dễ dàng.

Còn Đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung một số hình thức kiểm tra, giám sát thông qua mạng xã hội để bảo đảm phù hợp với mức độ ứng dụng công nghệ thông tin tại các xã, phường, thôn, tổ dân phố. “Ngoài Zalo, Facebook cũng còn nhiều mạng xã hội khác mà chúng ta có thể cân nhắc, xem xét nhằm mở rộng hình thức công khai dân chủ cơ sở thông qua các ứng dụng thông tin trong nước do Nhà nước cung cấp và quản lý theo quy định của pháp luật”, Đại biểu nói.

Trong khi đó, Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (đoàn Quảng Ninh) đề nghị bổ sung quy định cụ thể về quy trình, cách thức, thủ tục để người dân thực hiện quyền kiểm tra, giám sát của mình. Nếu không hướng dẫn quy trình, cách thức, thủ tục để người dân thực hiện kiểm tra, giám sát thì sẽ cơ bản thiếu đi một khâu ở giữa, là mắt xích để thực hiện đầy đủ các nội dung hình thức như dự thảo quy định. Nếu không có hướng dẫn cũng sẽ khó thực hiện trong thực tiễn hoặc thực hiện theo cách hiểu khác nhau dẫn đến không thống nhất, đồng bộ. Như vậy, rất dễ dẫn đến chung chung, hình thức.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà cũng kiến nghị bổ sung chế tài đối với người có thẩm quyền không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, không kịp thời, trách nhiệm với nhân dân, vi phạm quyền dân chủ của nhân dân, nhất là các ý kiến sau kiểm tra, giám sát của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng. Bên cạnh đó, cũng cần chế tài cụ thể đối với người dân, người lao động cố tình lợi dụng dân chủ để chống người thi hành công vụ, cản trở hoạt động của Nhà nước.

Đọc thêm