Dự án “nghỉ dưỡng cao cấp” cạnh Đại nội Huế: “Án binh bất động” sau nhiều năm cấp quyết định đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sau hơn 6 năm được cấp quyết định chủ trương đầu tư, dự án khu nghỉ dưỡng Nama (Nama Resort), cạnh Đại nội Huế vẫn chưa được cấp phép xây dựng.
Khu vực dự án Nama Resort nằm bên cạnh Đại nội Huế đã được quây tôn từ nhiều năm nay.
Khu vực dự án Nama Resort nằm bên cạnh Đại nội Huế đã được quây tôn từ nhiều năm nay.

Di tích khí tượng thiên văn duy nhất còn sót

Dự án Nama Resort được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp quyết định chủ trương đầu tư lần đầu vào tháng 11/2015, do Cty TNHH Đầu tư Du lịch Kinh Thành làm chủ đầu tư, thời hạn hoạt động 30 năm. Vào ngày 21/6/2017, dự án được điều chỉnh lần đầu với thời gian hoạt động 50 năm trên diện tích 6.338m2, tổng vốn đầu tư gần 197 tỷ đồng.

Theo thiết kế, dự án có quy mô 20 phòng khách sạn cao cấp cùng hệ thống nhà hàng, spa, hồ bơi và các dịch vụ tiện ích khác. Dự án tiếp giáp 3 tuyến đường Nguyễn Chí Diểu, Hàn Thuyên, Đoàn Thị Điểm và nằm sát với Đại nội Huế.

Khu đất này là khu vực sân vườn của Khâm Thiên Giám triều Nguyễn - một di tích khí tượng thiên văn duy nhất còn sót lại trong lịch sử Việt Nam; và là nơi tọa lạc của Thái Y giảng đường, một trong những cơ quan của Thái Y viện triều Nguyễn. Khu vực triển khai dự án hiện vẫn thuộc khu vực bảo vệ 1 di tích - di tích Khâm Thiên Giám (di sản cấp I thuộc quần thể di tích cố đô Huế đã được công nhận Di sản văn hóa thế giới năm 1993).

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở VHTT Thừa Thiên - Huế cho biết di tích Khâm Thiên Giám bị phá hủy từ thời Pháp, trong chiến tranh chống Mỹ trở thành sân bóng của thiếu niên với tên gọi là Lửa Hồng và một rạp chiếu bóng dành cho thiếu nhi cạnh bên.

Sau năm 1975, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp quản khu đất này. Vào năm 2006, Công ty CP Du lịch Hương Giang (hiện nắm giữ trên 50% cổ phần Cty Kinh Thành) đã đổi lấy khu đất này với mục đích xây dựng khu khách sạn, nhà hàng phục vụ du lịch. Vào thời điểm đó, dư luận ở tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã lo ngại việc xây dựng sẽ ảnh hưởng đến bảo tồn di sản.

Được biết, dựa trên yêu cầu của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, ngày 7/2/2007, Bộ VHTT đã có Quyết định 322/QĐ-BVHTT giao Bảo tàng Lịch sử Việt Nam phối hợp Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế tiến hành khai quật khảo cổ học khu di tích 85 Nguyễn Chí Diểu từ 9/2 - 6/4/2007. Mục đích thu thập thông tin khoa học và các giai đoạn văn hóa hiện đang nằm sâu trong lòng đất nhằm giải phóng mặt bằng giao đất cho Cty CP Du lịch Hương Giang sử dụng. Cuộc khai quật tiến hành trên diện tích khai quật là 987m2. Mục đích của cuộc khai quật này nhằm thu thập các thông tin, dữ liệu về các vết tích kiến trúc xuất lộ trong hố đào, từ đó cho phép có những nhận thức bước đầu về các giai đoạn văn hóa tồn tại trong khu vực.

Theo ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, vị trí triển khai dự án nguyên là Dục Đức đường, sau này là Thái Y viện, được xây dựng năm Tự Đức thứ 13 (1870), sau này làm nơi ở và ăn học của Vua Dục Đức.

Năm Thành Thái thứ 3 (1891), Nhà Vua lấy Dục Đức đường làm miếu Tiên Y, trong đó ba gian phía trước sảnh đường bày án thờ cúng và hai gian nhà hai bên làm nơi giảng tập của Thái Y viện. Trải qua thời gian và chiến tranh, di tích đã bị hủy hoại và hiện gần như không còn dấu tích gì trên thực tế.

“Trước đó, Trung tâm đã thực hiện khảo cổ với di tích này, kết quả khảo cổ cho thấy chỉ còn những vết tích rất mờ nhạt. Kiến trúc trong khu vực này bị triệt giải hoàn toàn nên vết tích xuất lộ một cách rời rạc, lẻ tẻ, không rõ ràng, không có tên gọi cụ thể. Vì vậy, khó có khả năng nhận biết về quy mô, cấu trúc của kiến trúc và không đủ cơ sở để phục hồi”, ông Trung nói.

Thuộc diện thanh tra trong lĩnh vực du lịch

Liên quan việc dự án Nama Resort liệu có tiếp tục triển khai hay không, theo một lãnh đạo Sở KH&ĐT, định hướng chung trong thực hiện nhiệm vụ quy hoạch của địa phương là nghiên cứu, kiến nghị điều chỉnh một số khu vực bảo vệ di tích theo hướng hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Đồng thời, xác định chức năng SDĐ của các khu vực phù hợp; làm rõ quan điểm về vai trò của di tích Cố đô Huế gắn với tăng trưởng kinh tế, phát triển du lịch - văn hóa, tạo thành thế mạnh trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Việc triển khai dự án Nama Resort phải dựa trên kết quả phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích Cố đô Huế đến 2030, tầm nhìn 2050.

Trước đó, tại thông báo kết luận Thanh tra số 2123 ngày 1/12/2022 của Thanh tra Chính phủ, tỉnh Thừa Thiên - Huế có 11 dự án thuộc diện thanh tra về công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực du lịch, trong đó có dự án Nama Resort. Thanh tra Chính phủ chỉ rõ việc góp vốn điều lệ của các cổ đông tại dự án Nama Resort không đúng thời hạn theo yêu cầu tại Quyết định 2773 ngày 30/11/2015 của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, không đúng thời hạn quy định tại Điều 48 Luật Doanh nghiệp 2014.

Ngày 12/7/2013, UBND TP Huế ra thông báo về chủ trương thu hồi đất để bồi thường giải phóng mặt bằng phục vụ dự án. Ngày 13/4/2016, Sở TN&MT có công văn nêu rõ dự án không thuộc trường hợp được Nhà nước thu hồi đất; nhà đầu tư phải thỏa thuận, nhận chuyển nhượng, góp vốn hoặc thuê quyền SDĐ. Tuy nhiên, ngày 13/5/2016, UBND tỉnh ban hành văn bản đồng ý nguyên tắc cho tiếp tục thực hiện dự án và áp dụng hình thức thu hồi đất để thực hiện dự án. Đồng thời, giao Sở TN&MT, UBND TP Huế hướng dẫn chủ đầu tư đăng ký nhu cầu SDĐ; tham mưu UBND tỉnh phê duyệt bổ sung kế hoạch SDĐ hằng năm của TP Huế để có cơ sở cho tiếp tục thực hiện chuyển tiếp dự án theo quy định. Hiện dự án vẫn chưa được khởi công thực hiện, dự án đã bị chậm tiến độ so với yêu cầu tại Quyết định chủ trương đầu tư.

Đọc thêm