Suất đầu tư ở ngưỡng cao
Trong văn bản cho ý kiến về dự thảo báo cáo kết quả thẩm định Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Dự án Sân bay Long Thành) giai đoạn 1 vừa gửi tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Bộ Tài chính cho biết, tổng mức đầu tư dự án sau thẩm tra là 109. 111 tỷ đồng, tương đương với 4,664 tỷ USD.
Theo số báo cáo, suất vốn đầu tư sân bay đang được xây dựng là 188 triệu USD/triệu hành khách. Theo đánh giá, suất đầu tư như vậy là ở ngưỡng cao so với suất vốn đầu tư của các sân bay quy mô tương tự trên thế giới. Trong khi đơn vị tư vấn thẩm tra dự án cho biết nguồn nguyên liệu, máy móc, thiết bị, phương án lựa chọn công nghệ xây dựng sân bay quốc tế Long Thành giai đoạn 1 cơ bản là các vật liệu sử dụng sẵn có tại thị trường trong nước, thân thiện với môi trường, có thể huy động được.
Ngoài ra, khả năng đáp ứng nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu cho vận hành công nghệ máy móc, phương án lựa chọn công nghệ, kỹ thuật, thiết bị thi công sân bay quốc tế Long Thành phù hợp với điều kiện trong nước.
“Do đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ KH&ĐT, yêu cầu đơn vị tư vấn thẩm tra cần làm rõ nguyên nhân, lý do khiến suất vốn đầu tư của sân bay quốc tế Long Thành cao hơn các dự án so sánh tương tự trên thế giới, đồng thời làm rõ những ưu việt, đặc thù của sân bay quốc tế Long Thành với các dự án so sánh nếu có” - Bộ Tài chính kiến nghị.
Theo hồ sơ dự án, Dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 được chia thành 4 dự án thành phần: Các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước; các công trình quản lý bay; các công trình thiết yếu của cảng hàng không; nhóm các công trình dịch vụ.
Dự án thành phần không nên đầu tư theo hình thức PPP?
Trong văn bản gửi Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính cũng nêu ý kiến lo ngại về năng lực của nhà đầu tư được
giao làm Dự án sân bay Long Thành. Theo Bộ này, đơn cử giá trị đầu tư dự án thành phần 3 (các công trình thiết yếu của cảng hàng không) có giá trị đầu tư khoảng 93.088 tỉ đồng, dự kiến được đầu tư bằng nguồn vốn của ACV, trong đó phần vốn tự có của ACV khoảng 36.100 tỉ đồng và vốn vay không có bảo lãnh chính phủ khoảng 56.900 tỉ đồng cần cân đối nguồn vốn để thực hiện dự án, xác định cụ thể số vốn đầu tư mà ACV cân đối từng năm trong kế hoạch để bảo đảm tính khả thi và an toàn tài chính trong quá trình thực hiện dự án.
Đáng chú ý, đối với việc thực hiện một số dự án thành phần, tại báo cáo góp ý gửi Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính cho biết: Tại Khoản 2 Điều 50 Luật Xây dựng quy định: Dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A gồm nhiều dự án thành phần trong đó mỗi dự án thành phần có thể vận hành độc lập, khai thác sử dụng hoặc được phần kỳ đầu tư để thực hiện thì dự án thành phần được quản lý, thực hiện như một dự án độc lập. Việc phân chia dự án thành phần hoặc phần kỳ đầu tư phải được quy định trong nội dung quyết định đầu tư.
Từ quy định này, Bộ Tài chính đề nghị Bộ KH&ĐT yêu cầu ACV nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng việc phân chia số lượng, nội dung quy mô và tính chất các hạng mục công trình gắn với phương án đầu tư của các dự án thành phần tại Dự án Sân bay Long Thành giai đoạn 1 đảm bảo tính khả thi trong phương án đầu tư và hiệu quả phù hợp với quy định pháp luật.
Đáng chú ý, Dự án xây dựng các công trình trụ sở cơ quan quản lý Nhà nước là 1 trong 4 dự án thành phần của Dự án xây dựng sân bay Long Thành, bao gồm các hạng mục cụ thể như: trụ sở cơ quan Hải quan, Công an địa phương, Công an cửa khẩu, Cảng vụ Hàng không, kiểm dịch y tế… tại mục V.2, Báo cáo Dự thảo xin ý kiến, ACV kiến nghị Bộ GTVT chủ trì phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước lựa chọn chủ đầu tư hoặc giao ACV thực hiện đầu tư theo hình thức PPP hợp đồng PTL hoặc BLT.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng, đây là các dự án có tính chất trụ sở hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước được đầu tư trên cơ sở nhu cầu và khả năng nguồn lực, do vậy sẽ do cơ quan nhà nước chủ động tổ chức thực hiện.