Quảng Nam có chiều dài bờ biển gần 130km, vì thế mỗi mùa mưa bão đến, hàng vạn gia đình ven biển đối mặt với nguy cơ thiệt hại do thiên tai gây ra. Đầu 2008, được Chính phủ cho phép, UBND tỉnh Quảng Nam cho triển khai dự án quy hoạch tổng thể sắp xếp dân cư ven biển, phòng, chống thiên tai, với tổng kinh phí 4.000 tỷ đi qua các huyện Thăng Bình, Duy Xuyên, Núi Thành…
Năm 2011, vì lý do nguồn vốn, dự án sắp xếp lại dân cư ven biển để phòng tránh giảm nhẹ thiên tai tạm dừng. Một thời gian, khi Quảng Nam thu ngân sách đạt khá, tỉnh tiếp tục triển khai một số khu tái định cư dang dở. Mục đích bố trí người dân bị giải tỏa để xây dựng các dự án lớn, lồng ghép vào đó sắp xếp lại tuyến dân cư ven biển.
Ngoài ra, tỉnh giao Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai (BQL) tiếp tục xây dựng các khu tái định cư mới. Theo quy hoạch, toàn xã Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên) có 9 tiểu dự án với quy mô 721ha, 1.300 hộ dân thuộc 3 thôn Hội Sơn, Lệ Sơn, Thành Triều nằm trong vùng bị ảnh hưởng.
Đến nay đã 15 năm kể từ lúc dự án được công bố nhưng vẫn chưa triển khai. Theo quy định, trong vùng quy hoạch, người dân không được xây nhà, không được chia cắt đất cho con cái khi dựng vợ, gả chồng, không được mua bán, không thế chấp vay vốn làm ăn,… dù có “sổ đỏ”.
Ngồi trong căn nhà cấp 4 xuống cấp, bà Nguyễn Thị Hoa (SN 1955, thôn Hội Sơn) cho biết, nhà bà xây từ 1992, đến nay khắp các mảng tường xuất hiện hàng loạt vết nứt lớn nhỏ kéo dài từ nhà trên xuống nhà dưới. Nhà lại nằm sát sông, gần cửa biển, cứ đến mùa mưa bão luôn phải sống trong trạng thái thấp thỏm phải dọn đồ đi tránh trú.
Theo bà Hoa, 15 năm trước, bà cũng như nhiều người dân khác rất vui mừng khi dự án được công bố, kỳ vọng giao thông sẽ thông suốt, tránh cảnh lũ chia cắt… Thế nhưng, chờ đến nay vẫn chưa triển khai, cả trăm hộ dân làng chài Hội Sơn như “mắc kẹt”. “Chúng tôi lớn tuổi rồi, đã mất 15 năm chờ đợi. Nếu dự án triển khai, nên làm sớm, nếu không làm thì hủy bỏ để người dân còn biết vay mượn cơi nới, xây dựng nhà cửa, ổn định cuộc sống, an hưởng tuổi già”, bà Hoa nói.
Căn nhà cấp 4 của ông Nguyễn Tấn Vinh (SN 1954, cùng thôn Hội Sơn) chen chúc tới 3 thế hệ sống cùng. Ông Vinh cho hay, con cái đến tuổi dựng vợ, gả chồng, cha mẹ muốn tách thửa cho các con cũng không được. Một số thanh niên trẻ sống trong vùng dự án, gia đình muốn thế chấp nhà đất vay vốn làm ăn cũng không được, đành làm nông; một số phải thoát ly đi phát triển kinh tế nơi xa.
Theo ghi nhận của PLVN, làng chài Hội Sơn nằm nép mình bên bờ sông Thu Bồn, bên đối diện là đô thị cổ Hội An tấp nập du khách. Cả hai cách nhau cây cầu Cửa Đại nhưng điều kiện hết sức chênh lệch. Một bên du lịch phát triển với nhà hàng, khách sạn; còn làng chài Hội Sơn chỉ có những dãy nhà cấp 4 san sát nhau xập xệ xuống cấp nghiêm trọng, tường cũ bong tróc, mái tôn thủng lỗ chỗ.
|
Cột một ngôi nhà xuất hiện vết nứt dài, sâu khiến chủ nhà lo lắng. |
Nói về thực trạng dự án quy hoạch tổng thể sắp xếp dân cư ven biển, phòng, chống thiên tai gần 15 năm vẫn “nằm trên giấy”, Chủ tịch UBND xã Duy Nghĩa, ông Diệp Tấn Lực cho hay, chính quyền địa phương nhìn thấy sự ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của hàng ngàn hộ dân sinh sống trong khu vực. Theo ông Lực, xã Duy Nghĩa là nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp mưa bão hằng năm nên rất nguy hiểm cho người dân. Tại nhiều buổi tiếp xúc cử tri, người dân đều bức xúc phản ánh và lãnh đạo địa phương cũng nhiều lần kiến nghị lên cấp trên, nhưng dự án vẫn chưa thể triển khai.
Trong khi đó, một lãnh đạo UBND huyện Duy Xuyên (đề nghị giấu tên - NV) nêu quan điểm cá nhân, cho rằng, người dân bị ảnh hưởng tại tiểu dự án quy hoạch làng chài Duy Nghĩa (thuộc Dự án quy hoạch tổng thể sắp xếp cư dân ven biển Quảng Nam) vẫn được sửa chữa, cơi nới hay tách thửa bình thường. Bởi dự án này mới chỉ quy hoạch theo tỉ lệ 1/2000, chưa triển khai quy hoạch chi tiết nên đến nay mới chưa triển khai thực hiện.
Vị cán bộ nêu trên phân tích, căn cứ Quyết định 15/2020/QĐ-UBND ngày 5/11/2020 của UBND tỉnh và các quy định pháp luật khác, nếu quy hoạch 3 năm mà không thực hiện được (chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích - NV), cơ quan nhà nước phải điều chỉnh, huỷ bỏ và phải công bố cho người có đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất. Trường hợp cơ quan nhà nước thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất không điều chỉnh hủy bỏ hoặc có điều chỉnh hủy bỏ nhưng không công bố việc này, người sử dụng đất được tiếp tục thực hiện các quyền của người sử dụng đất (có tách thửa).
Tiểu dự án quy hoạch làng chài Duy Nghĩa đến nay đã quá hạn trong quy hoạch sử dụng đất, người dân có thể sửa chữa, cơi nới nhà cửa hay tách thửa.
Trước quan điểm nêu trên, nhiều người dân địa phương cho rằng các cấp chính quyền địa phương cần sớm kiểm tra lại tính khả thi của dự án; và đưa ra quan điểm chính thức, thông báo cụ thể để người dân nắm, có hướng khắc phục cải tạo nhà cửa.