Tiếc nhưng bất lực
Nhiều ha đất bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm, nhiều cây cảnh chuyển về dự án rồi bỏ đó, hàng rào bị mất trộm, đường sá bị hư hỏng, gây lãng phí tiền bạc. Một người gác cửa dự án tỷ đô đang bị bỏ hoang tại TP. Tuy Hoà bày tỏ sự tiếc nuối, khi gần 20 năm dự án vẫn chỉ có một tấm biển của chủ đầu tư ngay phía cổng. “Đất đai ở đây tốt, tiện đường, lại ngay gần biển, địa thế dự án quá đẹp. Thế mà...”
Nhiều dự án tỷ đô ở Phú Yên được phê duyệt đầu tư nhưng “nằm im” gây lãng phí nguồn tài nguyên đất đai
Thế mà, trên địa bàn tỉnh Phú Yên có không ít những dự án tỷ đô bị bỏ hoang như thế. Men theo tuyến đường từ trung tâm TP. Tuy Hoà ra sân bay, hoặc về các huyện, thị, không ít những tấm biển vẽ mô hình dự án nằm giữa lùm cỏ dại, hay những cánh cổng đang xuống cấp cùng đống rác thải mà chưa có bất cứ hạng mục nào bên trong được triển khai. Xung quanh dự án, người dân vẫn đang chờ đợi ngày dự án được triển khai, để có thể mở rộng thêm các hoạt động kinh doanh, cải thiện đời sống.
Một trong những dự án tỷ đô được phê duyệt nhưng lại bị thu hồi sau nhiều năm bỏ hoang, đó là dự án Vườn Phượng Hoàng hay còn có tên gọi khác là The Phoenix Garden Phú Yên. Được biết, dự án có quy mô 77ha, mặc dù được đặt nhiều kỳ vọng, nhưng cho đến nay, dự án vẫn quây tôn và đã trong danh sách bị thu hồi.
Một dự án khác trên địa bàn tỉnh Phú Yên là dự án Cù Lao Mái Nhà, mặc dù bắt đầu bồi thường đất cho dân từ năm 2004, sau nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, nhưng cho đến nay, dự án vẫn chưa được triển khai.
Chia sẻ về tình trạng án binh bất động của các dự án, đại diện CĐT dự án New City – một dự án tỷ đô được phê duyệt từ năm 2008 nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai cho biết: “Hơn chục năm qua chúng tôi sống trong chờ đợi và quan ngại. Vì dự án chưa triển khai nên chúng tôi vẫn tìm mọi nỗ lực để có thể giải quyết vướng mắc, bởi số tiền đã đầu tư không nhỏ, kéo dài gần 2 thập kỷ qua, chúng tôi đã hoàn tất bồi thường giải phóng mặt bằng và chi phí trồng rừng thay thế vào Ngân sách nhà nước. Thế nhưng mặc dù đã nhiều lần bày tỏ sự thiện chí giải quyết với UBND Tỉnh, song chúng tôi vẫn không nhận được bất kỳ phản hồi nào từ chính quyền. Điều chúng tôi mong mỏi nhất lúc này đó là cơ quan chức năng có hướng giải quyết thấu đáo, để NĐT có phương án xử lý, thay vì để dự án hoang hoá và chúng tôi phải chịu tổn thất nặng như hiện nay”.
Những mảnh "đất vàng" bị bỏ quên
Theo quy định của Luật Đất đai từ nếu dự án quá 1 năm không sử dụng đất hoặc chậm tiến độ quá 2 năm theo tiến độ được duyệt thì phải bị thu hồi. Nhưng trên địa bàn tỉnh Phú Yên, có dự án chậm đến gần 20 năm nhưng chính quyền vẫn chưa giải quyết xong các thủ tục giấy tờ để giao thuê đất, giấy chứng nhận đầu tư được cấp nhưng cũng không thể làm gì.
Các dự án tỷ đô này sau khi được phê duyệt chủ trương đầu tư, nhiều NĐT cũng như người dân địa phương đã đặt vào đó nhiều kỳ vọng, trong đó có việc đóng góp lớn trong thúc đẩy kinh tế - xã hội và du lịch của tỉnh Phú Yên. Tuy nhiên, sau gần 2 thập kỷ, những kỳ vọng này vẫn chưa trở thành hiện thực, trong khi đó đối tượng bị thiệt hại nhiều nhất đó là các NĐT, bao gồm cả tài chính, thời gian và công sức, bỏ lỡ những cơ hội đầu tư khác.
NĐT chịu nhiều thiệt hại khi dự án chỉ mãi nằm trên giấy
Liên quan đến việc nhiều dự án trên địa bàn tỉnh Phú Yên được phê duyệt nhưng không triển khai, dẫn đến bỏ hoang nhiều năm hoặc thu hồi, phóng viên đã có cuộc gặp gỡ với lãnh đạo các ban ngành tỉnh Phú Yên, đó là: Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch & Đầu tư cũng như UBND Tỉnh. Tại buổi đến đặt lịch làm việc, đại diện Văn phòng các đơn vị cho biết đã tiếp nhận thông tin và sẽ có câu trả lời bằng văn bản đến báo chí, bởi đây là những dự án đã triển khai nhiều năm, có quy mô lớn, cần rà soát lại tài liệu hồ sơ qua các giai đoạn thì mới có thể thông tin cụ thể.
Nhiều câu hỏi được gửi đến cho các Sở, ban, ngành của Phú Yên để làm rõ nguyên nhân cơ bản, cốt lõi làm chậm tiến độ thực hiện các dự án cũng như phương án nào để cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn? Tuy nhiên, nhiều ngày trôi qua kể từ ngày hẹn đặt lịch, các Sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đưa ra được câu trả lời cụ thể cho báo chí.
Theo lãnh đạo một doanh nghiệp có dự án tỷ đô trên địa bàn tỉnh, đơn vị này cũng nhiều lần gửi kiến nghị, đặt lịch làm việc với UBND tỉnh Phú Yên để tìm phương án tháo gỡ vướng mắc cho dự án, nhưng không nhận được phản hồi. Rõ ràng, để tìm được phương án giải quyết vướng mắc cho dự án, trách nhiệm thuộc về cả chủ đầu tư và cơ quan chức năng. Thế nhưng việc cơ quan chức năng “im lặng” và “đem con bỏ chợ” khiến nhà đầu tư rơi vào cảnh chờ đợi trong vô vọng. Nguồn tài nguyên đất đai quý giá của Nhà nước tiếp tục rơi vào tình trạng phơi mưa nắng, gây lãng phí, nguồn tài chính của NĐT gặp rủi ro.
Trở lại những cánh đồng, những thửa đất mênh mông đang bị bỏ hoang trên địa bàn tỉnh, nhiều người bày tỏ sự tiếc nuối với tình trạng lãng phí khi đất đai nằm chờ “lên đời”. Trong khi đó, Phú Yên vẫn tiếp tục kêu gọi đầu tư cho khoảng 70 dự án mới trong năm 2024.
Hạn chế lớn nhất của Phú Yên hiện nay là hạ tầng du lịch, trong đó có hạ tầng giao thông và hạ tầng kỹ thuật như khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp để đáp ứng nhu cầu tận hưởng, nghỉ dưỡng nhắm đến đối tượng du khách hạng sang còn thiếu, các thủ tục hành chính còn chậm trễ, chưa theo kịp tình hình cải cách của Nhà nước. Để diện mạo du lịch Phú Yên có thể thay đổi và đuổi kịp các địa phương lân cận khác, cần có các giải pháp quyết liệt triển khai từ Tỉnh, thậm chí cần sự chỉ đạo từ Trung ương.